V-League lên giá: Thật hay ảo?

15:00 | 16/11/2015
Mùa bóng mới VPF hoan hỉ thông tin Toyota sẽ tăng tiền tài trợ hơn 30 tỉ đồng/năm so với mùa bóng 2015.
Bóng đá Việt: Học J-League, K-League để làm gì?

Điều đầu tiên mà tân Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng nhắc đến khi nhậm chức chính là việc làm sao để các giải đấu chuyên nghiệp sạch sẽ hơn, thu hút hiều khán giả hơn thì không lo gì hấp dẫn các nhà tài trợ. Đấy cũng là kim chỉ nam của VPF khi ra đời cách đây bốn năm nhưng thực tế không như mong đợi của họ bởi mùa nào cũng lo chạy ăn từng bữa.

Sang mùa 2016, VPF dự tính sẽ kiếm được hơn 131 tỉ đồng cho các giải đấu chuyên nghiệp (gồm V-League và hạng Nhất), gần gấp đôi con số 75 tỉ đồng ở mùa 2015. Trong đó, Toyota tiếp tục gắn bó với V-League với số tiền khoảng 40 tỉ đồng, dù chưa bằng 1/2 so với việc họ chi cho Thai-League nhưng bấy nhiêu cũng đủ cho VPF mở cờ trong bụng.

Nhà tài trợ chính cũng chỉ đầu tư ngắn hạn từng năm một và tương lai vẫn luôn là một dấu hỏi lớn rất khó trả lời khi V-League mùa nào cũng không sạch như kỳ vọng. Thêm vào tiền bản quyền truyền hình 30 tỉ đồng, còn lại là bán quảng cáo trên sân, lệ phí của các CLB, thu tiền phạt,… vẫn không chắc đã đạt 100 tỉ đồng. Nó giống như hồi năm ngoái là vẫn chỉ có nguồn thu lớn từ nhà tài trợ chính nên việc VPF hô hào sẽ thu hơn 100 tỉ đồng nhưng cuối cùng chỉ có 75 tỉ đồng thì rõ ràng nói bao giờ cũng dễ hơn làm.

V-League lên giá: Thật hay ảo?
Toyota gắn bó với V-League mùa bóng mới chưa bằng 1/4 nhà tài trợ này gắn với Thai-League. Trong khi Thai-League có tiền bản quyền truyền hình thực sự thì V-League phải lấy tiền đi “mua sóng”. Ảnh: XUÂN HUY

Sự khó khăn của VPF mùa nào cũng lồ lộ như nhiều lần giờ chót mới có Eximbank nhảy vào chống lưng cho V-League hoặc Ngân hàng Kiên Long của bầu Thắng miễn cưỡng hỗ trợ cho giải hạng Nhất.

Mùa nào VPF cũng vui vẻ thông báo số tiền 30 tỉ đồng bản quyền truyền hình mà thực chất buộc phải trả nghĩa vụ phát quảng cáo cho các nhà tài trợ nên con số này là bằng 0.

VPF dự thu ở mùa bóng 2016 với số tiền 131,135 tỉ đồng, trong đó thu từ bản quyền truyền hình là 30 tỉ đồng. HĐQT Công ty VPF đã thống nhất thông qua dự chi hỗ trợ các CLB V-League và hạng Nhất 22,8 tỉ đồng, tiếp tục hỗ trợ VFF 10 tỉ đồng/năm. Chi phí mua sóng quảng cáo trên truyền hình cho các nhà tài trợ là 30 tỉ đồng và chi phí tổ chức các giải đấu (quản lý, di chuyển, ăn ở của trọng tài, giám sát, cán bộ chuyên môn và giải thưởng). So với thực chi hỗ trợ CLB mùa bóng 2015 thì mùa bóng 2016 tăng hơn 49,12%.

Muốn biết V-League có lên giá hay không cứ nhìn vào những hợp đồng lên sóng quảng cáo suốt mấy mùa qua. Chỉ là các nhà đầu tư quen thuộc từng nằm trong Hội đồng bảo trợ bóng đá sau cái bắt tay của một số ông bầu như các công ty của bầu Đức, bầu Thắng và sau này có thêm Becamex.

VPF mùa nào cũng lo giật gấu vá vai một khi các giải đấu chuyên nghiệp (chủ yếu là V-League) còn kém chất lượng và nguy hiểm hơn là luôn tồn tại vấn nạn tiêu cực biến tướng dưới dạng “bóng đá tình nghĩa”.

Một mình VPF cũng không thể kham nổi điệp vụ vực dậy cả một nền bóng đá trong lúc các CLB hào hển sống nay chết mai vì làm bóng đá không tới nơi tới chốn nên không thể nào lấy doanh thu từ bóng đá nuôi nổi mình.

Hy vọng VPF có tân tổng giám đốc trẻ tuổi không chỉ giỏi kiếm tiền mà còn phải cứng rắn và nghiêm minh với những vấn nạn trong bóng đá mới mong sản phẩm V-League lên giá bằng thực chất chứ không phải qua mấy con số ảo hoặc chỉ là lấy mỡ nó rán nó.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này