Chậm thi công bảo tàng Nghệ An

Hàng chục nghìn cổ vật “đắp chiếu”

20:52 | 13/11/2015
Dự án đầu tư xây dựng công trình trưng bày nội, ngoại thất bảo tàng Nghệ An sau 5 năm thi công vẫn chưa hoàn thành. Do vậy, hơn 25.000 cổ vật phải “đắp chiếu” trong điều kiện bảo quản thiếu thốn, có nguy cơ mai một, hư hỏng...
Cấp phép hoạt động cho Bảo tàng gốm sứ Hà Nội
Khai mạc triển lãm "Lịch sử - văn hóa Việt Nam"
Bảo tàng Dân tộc học hấp dẫn thứ 4 Châu Á

Công trình xây dựng… “rùa bò”

Bảo tàng Nghệ An (trước đây là bảo tàng Tổng hợp Nghệ Tĩnh) tọa lạc trong thành cổ xứ Nghệ, tại số 07, đường Đào Tấn, TP. Vinh. Bảo tàng Nghệ An được thành lập năm 1979, với chức năng, nhiệm vụ sưu tầm, tập hợp, bảo quản tất cả các hiện vật, tài liệu có giá trị về tự nhiên và xã hội, để phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu. Qua đó, giới thiệu hệ thống các di sản văn hóa tới công chúng. Hiện tại, bảo tàng Nghệ An đang lưu giữ 25.246 tài liệu, hiện vật có giá trị văn hóa- lịch sử, bao gồm các chất liệu như đá, đồng, sắt, đất nung, gốm sứ, xương, thú nhồi bông, mây, tre, nứa, lá, gỗ, giấy, vải…

Để các hiện vật lưu giữ tại đây được bảo quản tốt, phát huy được giá trị văn hóa – lịch sử, ngày 18/6/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt “Dự án đầu tư xây dựng công trình trưng bày nội, ngoại thất bảo tàng Nghệ An”, với tổng vốn 44,2 tỷ đồng. Theo đó, dự án sẽ được thực hiện trong thời gian từ năm 2010 – 2013. Song, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa hoàn thành, chỉ mới thực hiện được 2/12 gói thầu. Số vốn giải ngân cho dự án mới được 14 tỷ 180 triệu đồng, đạt hơn 30%.

Thực trạng nói trên đã làm cho hoạt động của bảo tàng Nghệ An bị ngừng trệ trong nhiều năm nay. Nhìn từ bên ngoài, bảo tàng Nghệ An là một tòa nhà cao tầng, kiên cố và hoành tráng, nhưng thực bên trong thì lại thiếu rất nhiều hạng mục phục vụ cho công tác bảo quản, trưng bày hiện vật. Mọi hoạt động của cán bộ, nhân viên nơi đây chỉ diễn ra ở một vài phòng của tòa nhà và ở dãy nhà cũ. Được biết, tòa nhà này đã được xây xong cả chục năm rồi, nhưng chưa bàn giao cho bảo tàng Nghệ An.

Hàng chục nghìn cổ vật “đắp chiếu”Hàng chục nghìn cổ vật “đắp chiếu”
Dự án xây dựng công trình Bảo tàng Nghệ An còn dang dở

Được biết, dự án xây dựng bảo tàng Nghệ An bao gồm: Dự án xây dựng cơ bản nhà trưng bày có giá trị 11 tỷ đồng, đã được thực hiện xong vào năm 2005 và dự án xây dựng công trình trưng bày nội, ngoại thất bảo tàng đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, ngày 18/6/2010, với tổng kinh phí 44,2 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 3 năm (2011 – 2013), chủ đầu tư là bảo tàng Nghệ An.

Khi dự án đang được thi công và đã hoàn thành các hạng mục như nhà 3 tầng, hệ thống xắc xi trưng bày, xây dựng nhà dịch vụ thì đột nhiên, đến tháng 6/2013, bảo tàng lại phải chuyển giao cho Ban Quản lý công trình dự án (thuộc Sở VH – TT&DL Nghệ An) thực hiện. Từ đó, việc thi công công trình này rơi vào thực trạng “rùa bò”.

Do chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục lại không được tiếp tục thi công, nên phần xây dựng cơ bản của tòa nhà trưng bày đã xong, cũng chưa thể phát huy được hiệu quả. Trái lại, nhiều hạng mục của nó đang có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng, như tường vữa bong tróc, nền nhà bị bung nứt, cửa kính bị vỡ…Trong lúc đó, lý giải cho việc thi công “rùa bò” thì vẫn luôn là giai điệu thiếu kinh phí.

Tìm giải pháp

Để tìm giải pháp giải quyết thực trạng nêu trên, ngày 15/10, UBND tỉnh Nghệ An đã chủ trì cuộc họp xung quanh về công trình này.

Trong cuộc họp, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Nghệ An, nêu ý kiến: Để bảo tàng Nghệ An có vai trò giáo dục truyền thống yêu nước và là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch tham quan, UBND tỉnh cần quan tâm đầu tư kinh phí trong lĩnh vực sưu tầm, bảo quản hiện vật ở nơi đây.

Tham dự cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Mão, Phó giám đốc Sở KH&ĐT Nghệ An, nhận định: Việc xây dựng công trình trưng bày nội, ngoại thất bảo tàng Nghệ An là một dự án cấp thiết, cần được tiếp tục triển khai. Song, tổng dự toán để thực hiện dự án cần phải tính toán, rút lại cho phù hợp với ngân sách của tỉnh trong giai đoạn này. Còn đại diện Sở Tài chính Nghệ An lại nhận định, tổng mức kinh phí để thực hiện dự án là quá lớn, vượt quá khả năng cân đối ngân sách.

Sau khi lắng nghe ý kiến trình bày của đại diện các sở, ban, ngành, bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã khẳng định, UBND tỉnh giao cho Sở VH-TT&DL điều chỉnh đề án sao cho phù hợp để thực hiện.

Để có cơ sở thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 6/11, lãnh đạo Sở VH-TT&DL Nghệ An đã cùng với đại diện Văn phòng UBND tỉnh, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng…đã trực tiếp đến làm việc và khảo sát thực tế tại bảo tàng Nghệ An. Qua kiểm tra, đoàn công tác thừa nhận: Hơn 25.000 hiện vật, tài liệu quý hiếm đang lưu giữ tại bảo tàng chưa phát huy được giá trị. Việc bảo quản các hiện vật, tài liệu còn gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo theo đúng quy trình, do cơ sở chất, hệ thống kho lưu trữ xuống cấp, hư hỏng.

Sau khi các thành viên của đoàn phân tích, lý giải về những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện dự án xây dựng công trình này, ông Hồ Mậu Thanh, Giám đốc Sở VH-TT&DL Nghệ An, nhìn nhận: Qua khảo sát thực trạng và tiếp thu các ý kiến đóng góp của những thành viên trong đoàn, lãnh đạo sở nhận thấy, việc thực hiện dự án xây dựng công trình trưng bày nội, ngoại thất bảo tàng Nghệ An là việc làm cần thiết. Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất với UBND tỉnh về các giải pháp hữu hiệu để tiếp tục thực hiện dự án.

Văn Cương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này