Quản lý hồ Hà Nội: Xác định rõ chức năng mỗi hồ

17:35 | 14/11/2015
Những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước ở Hà Nội đã có bước phát triển và đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm và sự xuống cấp cảnh quan hồ vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những biện pháp can thiệp cụ thể hơn.
Xử lý ô nhiễm môi trường tại số nhà 146 Quán Thánh
Cần tuyển nhân viên đọc đồng hồ nước
Hà Nội nóng 40 độ C, hồ nước thành bãi tắm

Mất chức năng điều hòa

Do sự phát triển của xã hội, trong nhiều năm qua, hệ thống hồ Hà Nội đã phải chịu tác động của nhiều yếu tố. Quá trình đô thị hóa gắn với sự thay đổi của tự nhiên và địa hình đã làm thay đổi cảnh quan, môi trường và diện tích mặt hồ. Đô thị hóa đã làm cho một số hồ bị biến mất, nhưng cũng hình thành nên một số hồ mới. Báo cáo về “Hồ Hà Nội năm 2015” của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) cho thấy, thành phố đã rất nỗ lực trong công tác kè hồ, nếu như năm 2010 chỉ có 66,5% hồ được kè toàn phần, 8% hồ được kè một phần thì đến năm 2015, số hồ được kè toàn phần đã tăng lên 77%, số lượng ao hồ được kè chiếm 11,5%.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng đánh giá, cảnh quan, môi trường bờ của ao hồ tại Hà Nội đã có sự cải thiện tốt hơn. Số hồ được đánh giá là sạch cũng tăng, số hồ rất bẩn có xu hướng giảm. Trên cơ sở phân tích chất lượng nước của 30 hồ tiêu biểu, có 5 hồ được đánh giá là không ô nhiễm, 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm rặng và 6 hồ ô nhiễm cực kỳ nặng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chất lượng nước hồ bị ô nhiễm là do các hoạt động như rác thải, nước thải sinh hoạt...

Quản lý hồ Hà Nội: Xác định rõ chức năng mỗi hồ
Công nghệ xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm kết hợp thả bè thủy sinh được áp dụng tại hồ Hai Bà Trưng

Đơn cử như trường hợp hồ Kim Liên, một trong những hồ lớn cho chức năng điều hòa nhưng hằng ngày vẫn phải tiếp nhận lượng nước thải lớn từ hàng quán và các tiệm rửa xe ven hồ, cùng nước thải từ 2 cống thoát nước, do đó chất lượng nước hồ bị ô nhiễm trầm trọng. Hồ Ba Mẫu cũng bị ô nhiễm nặng do rác thải, nước thải và một số nhà hàng thả vịt nuôi, gây mất mỹ quan thành phố. Ngoài ra, các hồ Văn Chương, Láng Thượng, Linh Quang, Thiền Quang, B53, Đầm Tròn… cũng bị ô nhiễm nặng chủ yếu bởi nước thải từ các hàng quán ven hồ.

Nhiều hồ có nguy cơ bị xóa sổ

Một thực tế khiến chúng ta phải lo nghĩ, đó là tổng số lượng ao hồ của Hà Nội hiện nay là 112, giảm 10 hồ so với năm 2010. Một số hồ bị cạn là do nước bốc hơi, nhưng một diện tích không nhỏ bị "bốc hơi" vì bị người dân lấn chiếm. Tính riêng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, một trong những quận có nhiều ao, hồ nằm trong đất dự án của thành phố, trong 5 năm qua, toàn quận đã mất đi 26.640m2 diện tích mặt nước. Nguyên nhân chủ yếu là do bị lấn chiếm hoặc nằm trong vùng quy hoạch… Đây là thực trạng báo động của nhiều hồ nằm sâu trong các khu dân cư. Điển hình trong số đó phải kể đến hồ Linh Quang, ao cạnh chùa Láng, ao khu Đồng Xa…

Bên cạnh đó, các ao, hồ chưa được kè hoặc chỉ kè một phần luôn đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe, trở thành bãi tập kết phế liệu, rác thải sinh hoạt. Những ao, hồ đã được kè hiện nay, việc bị người dân lấn chiếm để làm hàng ăn, quán nước vẫn diễn ra phổ biến, điển hình như khu vực hồ Láng Thượng – nằm trên phố Chùa Láng. Hiện tượng này đã nhiều lần được các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tin phản ánh, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa chấm dứt, hàng ngày các quán nước, quán cóc ven hồ vẫn xả rác lên vỉa hè và lòng hồ.

Ngoài ra, nhiều hồ hiện nay vẫn được sử dụng để nuôi cá, trồng rau và giữ chức năng thoát nước. “Chính sự phân cấp chức năng hồ không rõ ràng dẫn đến nhiều hồ bị xuống cấp và gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý”, báo cáo ghi rõ.

Căn cứ vào thực trạng môi trường hồ Hà Nội, CERC cũng đưa ra 10 khuyến nghị cụ thể, trong đó nhấn mạnh, để có thể quản lý hồ Hà Nội một cách tốt nhất và đảm bảo cho hệ sinh thái hồ khỏe mạnh, cần thiết phải phân rõ ranh giới, diện tích mỗi hồ, xác định rõ chức năng của mỗi hồ, và quản lý dựa trên các chức năng đó, đặc biệt nên cân nhắc loại bỏ chức năng nuôi cá, phục vụ kinh tế. “Các hồ, ao, sông nhỏ ở Hà Nội là tài sản môi trường quý giá của thủ đô. Quản lý tài sản môi trường này đòi hỏi cách tiếp cận tích hợp, kết hợp giữa bảo tồn, kỹ thuật, sự tham gia của các bên cộng đồng, doanh nghiệp, truyền thông, các nhà khoa học”, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc CECR cho biết.

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này