Tạo điều kiện cho lao động xuất khẩu về nước phát huy tay nghề

09:43 | 12/11/2015
Sau 3 năm, 5 năm, thậm chí cả chục năm, lao động ở nước ngoài với vốn kinh nghiệm nhiều, trình độ cao, phong cách làm việc chuyên nghiệp, trở về nước vẫn phải loay hoay đi tìm công việc mới dù không phù hợp. Nhiều người thậm chí còn không thể tìm được việc làm. Đây là một nghịch lý đang diễn ra ở nước ta. Theo một số chuyên gia, cần phải có chính sách phù hợp để những lao động xuất khẩu về nước phát huy được năng lực, sở trường của mình.
Tôn vinh lao động trẻ có tay nghề
Nhân lực tay nghề cao: Cơ hội và thách thức
Ford Việt Nam tổ chức Hội thi tay nghề lần thứ 8

Tay nghề cao vẫn loay hoay tìm việc

Đi lao động ở Libya về nước từ năm 2010, nhưng đến nay, anh Nguyễn Văn Đường (SN 1986) trú tại Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội, vẫn chưa thể tìm được công việc theo đúng chuyên môn của mình. Anh Đường cho biết, anh làm việc ở Libya với chuyên môn là điều khiển thiết bị nâng với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng được hơn 2 năm thì phải về nước do chính trị ở nước này bất ổn, nhưng khi về nước anh không thể tìm được việc làm.

“Với chuyên môn được đào tạo và làm việc trong một thời gian dài, với nhiều kinh nghiệm nhưng khi về nước tôi không thể tìm được việc làm. Khi thì nhu cầu tuyển dụng không có, lúc lại chỉ được trả 3 – 4 triệu đồng/tháng không tương xứng với sức lực bỏ ra, do đó, sau hơn 1 năm đi tìm kiếm việc làm không được, tôi đành ở nhà chăn nuôi lợn, gà một thời gian rồi đi làm phu hồ”, anh Đường chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Đức Đỉnh, trú tại Vân Lũng, An Khánh, Hà Nội, sau 5 năm đi lao động tại Hàn Quốc về, hơn 1 năm nay anh cũng chưa tìm được công việc tương xứng. Anh vốn có kinh nghiệm nhiều năm làm cơ khí nên trước khi về nước, anh tự tin có thể tìm được công việc ổn định vì nhu cầu tuyển dụng ngành nghề này nhiều.

“Khi về Việt Nam, đúng là nhu cầu tuyển dụng trong ngành cơ khí cần nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp “không trọng người tài” khi trả lương cho thợ bậc cao như những lao động phổ thông khác. Mất rất nhiều thời gian tôi cũng xin được việc tại một công ty ở KCN Thạch Thất – Quốc Oai với mức lương 6 triệu đồng, nhưng tôi cũng chỉ làm được khoảng hơn 1 tháng thì nghỉ việc bởi đi lại quá xa. Nghĩ đến việc không làm đúng chuyên môn, trong khi đó, tay nghề của mình khá cao cũng tiếc. Mong sao nhà nước sớm có những chính sách đãi ngộ tốt đối với những người đi lao động nước ngoài về như tôi”, anh Đỉnh chia sẻ.

Với chị Đỗ Thị Thơm, ở Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội, sau khi đi lao động ở Hàn Quốc về, dù giỏi tiếng Hàn Quốc, nhưng vì không có bằng cấp nên rất khó xin được việc. Mà nếu có xin được việc thì lương cũng không cao.

Cần có chính sách đãi ngộ người tài

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi năm nước ta có hàng chục vạn lao động hồi hương. Thế mạnh của nguồn lao động này là có kinh nghiệm, ý thức làm việc chuyên nghiệp, tay nghề cao. Tuy nhiên, đa phần những lao động này không thể tìm được công việc đúng chuyên ngành, hoặc mức lương được trả không xứng đáng với khả năng của mình. Chính điều này đã khiến nguồn tài nguyên nhân lực tay nghề cao khi về nước bị thất thoát, lãng phí…

Mỗi năm nước ta có hàng chục vạn lao động hồi hương. Thế mạnh của nguồn lao động này là có kinh nghiệm, ý thức làm việc chuyên nghiệp, tay nghề cao. Tuy nhiên, đa phần những lao động này không thể tìm được công việc đúng chuyên ngành, hoặc mức lương được trả không xứng đáng với khả năng của mình.

Mặc dù, không phải bây giờ, mà mấy năm gần đây Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ- TB&XH) đã kết hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm để tổ chức các phiên tuyển dụng, tư vấn việc làm cho những lao động ở nước ngoài hồi hương. Cũng như tăng cường kết nối giữa lao động xuất khẩu về nước với các doanh nghiệp FDI, nhưng số lao động hồi hương có được việc làm tương xứng vẫn còn quá ít ỏi.

Từ thực tế trên, nhiều lao động và chuyên gia kinh tế đề xuất, nước ta cần phải có chính sách và quan tâm hơn nữa đối với lực lượng lao động này. Để vừa có thể tận dụng được nguồn nhân lực có tay nghề cao, vừa tránh được tình trạng cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài như hiện nay, cũng như đảm bảo cuộc sống ổn định cho những lao động này.

Để làm được việc này, trước mắt, Bộ LĐ – TB&XH cần phải phối hợp Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, các liên đoàn lao động ở các tỉnh, thành phố, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp ở mức tốt nhất. Tiếp đến là xây dựng những chính sách cụ thể để ưu đãi nguồn nhân lực này. Có như thế, người lao động đi xuất khẩu về nước mới phát huy được hết sở trường của mình, cũng như giải quyết tốt được vấn đề việc làm, giúp phát triển kinh tế và giảm bớt được tình trạng lao động ở nước ngoài cư trú bất hợp pháp, kéo theo đó là biết bao vấn nạn được giảm thiểu…

Ngô Bảo Chi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này