Có nên ghi âm, ghi hình khi hỏi cung?

13:45 | 10/11/2015
Trước một số vụ án oan sai nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua, việc góp ý cho dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội lần này rất được dư luận quan tâm. Một trong những đề xuất góp ý cho dự thảo là việc ghi âm, ghi hình trong các vụ án.
Lừa chạy việc để chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng
Phá đường dây trộm cắp xe máy tại Hà Nội
Thực hiện theo đúng quy định của pháp luật

Nhiều án oan, sai

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình trạng oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự diễn ra vào tháng 6/2015, trong 3 năm từ năm 2012 đến 2014, các cơ quan tiến hành tố tụng, khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can, trong đó có 71 trường hợp bị xử oan, sai, chiếm 0,02%. Số người bị oan trên chủ yếu thuộc loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em không quả tang, quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn…

Có nên ghi âm, ghi hình  khi hỏi cung?
Ảnh minh họa

Trong 3 năm còn để xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết cho thấy, việc làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng. Ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan; có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật, điển hình như vụ 7 thanh niên bị bắt giam oan trong vụ giết người, cướp tài sản xảy ra năm 2013 tại tỉnh Sóc Trăng. Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong 3 năm, tổng số tiền phải bồi thường cho các trường hợp bị oan tuy không lớn (khoảng trên 30 tỷ đồng) nhưng nhiều trường hợp bồi thường còn chậm. Hiện đang có một số vụ người bị oan đề nghị bồi thường với số tiền rất lớn như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) hơn 9 tỷ đồng; vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) trên 22 tỷ đồng và kéo dài 9 năm, đến nay chưa giải quyết xong.

Có nên ghi âm, ghi hình khi hỏi cung

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là việc ghi âm và ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định này là cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thực tiễn cho thấy, việc hỏi cung bị can có thể được tiến hành ở nhiều nơi và trong những điều kiện rất khác nhau. Có bị can bị tạm giam, có bị can ở ngoài xã hội; có bị can chỉ hỏi cung một, hai lần, có bị can phải hỏi cung rất nhiều lần; có trường hợp cùng một thời điểm phải hỏi cung rất nhiều người. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện nước ta thì quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra phải được ghi âm, ghi hình là phù hợp; còn tại các địa điểm khác thì việc ghi âm hoặc ghi hình sẽ theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đồng thời, để thống nhất thực hiện việc ghi âm, ghi hình cần có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền.

Luật sư Trịnh Nam Ninh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung trong các vụ án sẽ hạn chế tối đa những vi phạm tố tụng, tránh oan, sai. Tuy nhiên, không nhất thiết phải ghi âm, ghi hình trong tất cả các vụ án. Nếu hoạt động này bắt buộc thì hầu như điều tra viên phải đọc lại và phát lại cho bị can xác nhận lời khai, ký biên bản sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng tiến độ điều tra. Bên cạnh đó sẽ phải đầu tư thêm kinh phí để mua máy móc thiết bị, thậm chí phải tăng thêm biên chế cho ngành, điều này sẽ tốn kém, không phù hợp tình hình hiện nay.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đồng tình với dự thảo và lập luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mặc dù vậy, ông Ánh vẫn băn khoăn, việc ghi âm tất cả hỏi cung hay chỉ ghi khi cần thiết để đảm bảo tính khả thi. Thực tế một vụ án với một bị can phải tiến hành ít nhất 5 bản cung từ khi bắt quả tang cho đến phúc cung của Viện Kiểm sát nếu ghi âm hoàn toàn sẽ mất nhiều tiếng đồng hồ nên các băng này được bảo quản thế nào? Việc sử dụng băng ghi âm, ghi hình ra sao và khi chuyển hồ sơ sang toà có chuyển các băng này như là chứng cứ hay không? Nếu hỏi cung mà không ghi âm, ghi hình là vi phạm thì hậu quả pháp lý ra sao? Toà có thể tuyên bố vô hiệu để huỷ và điều tra lại hay không? Nếu toà có quyền thì phải bổ sung vào điều quy định về nghị án và tuyên án…

Hoàng Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này