Ngành du lịch Việt Nam: Cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

09:45 | 10/11/2015
Ngành du lịch Việt Nam được coi là ngành công nghiệp không khói mang lại giá trị rất lớn và đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn đang trong cơn khát. Đây là thực trạng kéo dài trong nhiều năm qua mà ngành này vẫn đang loay hoay tìm lời giải.
6 “nỗi sợ” của ngành du lịch Việt Nam: Hy vọng sẽ được hóa giải
Nhân lực ngành du lịch: Đã sẵn sàng cho hội nhập khu vực?
Năm 2015, kỳ vọng tăng trưởng cho ngành du lịch

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR), với tốc độ tăng trưởng là 6,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015, đến hết năm 2015, nhu cầu nhân lực làm việc trực tiếp (hướng dẫn viên du lịch, lễ tân…) trong ngành du lịch ước cần 620.000 người. Và 5 năm nữa, con số này lên đến 870.000 lao động trực tiếp với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020 là 7,0%/năm.

Mặc dù vài năm trở lại đây, nhiều cơ sở đào tạo cũng đã tập trung vào lĩnh vực này nhưng vẫn chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Đó là chưa nói đến một thực trạng là không chỉ thiếu về số lượng mà ngay cả chất lượng đào tạo cũng là vấn đề lo ngại của không ít doanh nghiệp. Ngành du lịch cho biết, hiện nay công tác quản lý nhà nước về đào tạo và bồi dưỡng nhân lực của ngành còn bất cập. Tình trạng phổ biến là các doanh nghiệp thiếu lao động lành nghề, nhưng sau khi tuyển dụng HS-SV vừa tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo thì các doanh nghiệp du lịch lại phải tiếp tục đào tạo lại, bổ túc, bồi dưỡng.... thì mới có thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Ngoài ra, việc đào tạo nghệ nhân, giám đốc cùng những chức danh quản lý cao cấp khác... không hề được chú trọng, thậm chí chưa có cơ sở đào tạo nào làm việc này.

Ngành du lịch Việt Nam: Cần chú trọng đào tạo  nguồn nhân lực
Cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

Nói về chất lượng của nguồn nhân lực du lịch Việt Nam còn nhiều điều phải bàn như trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ. Số lao động chưa tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm 30% trong tổng số lao động. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp, chỉ chiếm khoảng 43% tổng số lao động du lịch. Còn phần lớn là lao động từ ngành khác chuyển sang hoặc lao động chưa qua đào tạo, bồi dưỡng. Trong tổng số, lao động được đào tạo từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng là 47,3%. Tỷ lệ được đào tạo đại học và sau đại học là 7,4%. Tỷ lệ lao động được bồi dưỡng kiến thức về du lịch là 45,3%. Bên cạnh nhiều DN có đội ngũ quản lý với trình độ chuyên môn cao thì ở nhiều DN đội ngũ quản lý còn thiếu kiến thức về quản trị kinh doanh, thậm chí không hề có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch. Điều này cũng khá phổ biến ở nhiều DN du lịch thuộc sở hữu nhà nước và đặc biệt là các DN tư nhân ở nhiều địa phương. Trình độ, tay nghề của một bộ phận lớn lực lượng lao động trực tiếp còn hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao, phục vụ du lịch còn theo thói quen, theo kinh nghiệm và chủ yếu theo bản năng tự nhiên. Ngoài ra hơn một nửa lao động làm việc trong du lịch lại rất yếu về ngoại ngữ, đây là một hạn chế rất lớn của du lịch Việt Nam. Theo nghiên cứu của ITDR về trình độ ngoại ngữ của nguồn nhân lực ngành du lịch cho thấy, ngoại ngữ tiếng Anh hiện chiếm khoảng 42% nhân lực toàn ngành, tiếng Trung, tiếng Pháp và các tiếng khác với tỷ lệ tương ứng là 5%, 4% và 9% nhân lực. Tuy nhiên, trên thực tế, theo khảo sát đánh giá của nhiều DN lữ hành thì có đến 30-45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70-80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn ngoại ngữ. Tất cả những hạn chế trên đã tác động rất lớn đến chất lượng dịch vụ du lịch, đến sự phát triển của du lịch Việt Nam trong thời gian qua. Đó cũng chính là “rào cản” đối với quá trình hội nhập quốc tế của du lịch Việt Nam.

Có thể nói, hiện nay ngành du lịch chưa nhận thức được đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong phát triển du lịch, chưa có các chính sách, giải pháp kịp thời, chưa đầu tư đúng về tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật cho phát triển nguồn nhân lực. Điều này thể hiện ở cả một số chính quyền địa phương và ở nhiều doanh nghiệp. Để đưa du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, yếu tố vô cùng quan trọng là cần quan tâm, chú trọng hơn cho đầu tư phát triển đào tạo nguồn nhân lực.

T.An

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này