Bảo hiểm thất nghiệp: Điểm tựa của lao động mất việc

09:45 | 10/11/2015
Hơn một tháng nay, được nhận vào công ty có mức lương cao, anh Nguyễn Tấn Tài vẫn không thể tin mình lại có cơ hội tốt như thế. Chỉ vài tháng trước, anh còn phải loay hoay, tìm kiếm công việc khi không may công ty của anh bị phá sản, giải thể. Nghị định số 28/2015/NĐ – CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực đã giúp anh tìm được việc làm mới.
Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp?
Bảo hiểm thất nghiệp: “Phao cứu sinh” cho công nhân xứ Nghệ
Hội thi hiểu biết pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp năm 2015

Nghị định số 28/2015/NĐ – CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/5/2015 về việc tạo điều kiện cho người lao động mất việc với nhiều quy định đảm bảo công việc ổn định cho người lao động. Theo anh Tài, đây là chính sách đúng đắn, thể hiện tính nhân văn cao đối với người lao động. Bởi lẽ, khi mất việc, cuộc sống của người lao động thường bị đảo lộn. Thời gian tìm kiếm công việc mới được xem là “điểm mù” với những người lao động bỗng thất nghiệp vì trong thời kỳ kinh tế suy thoái, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, nhu cầu công việc ít và đòi hỏi tay nghề cao, được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, khi Nghị định số 28 của Chính phủ ra đời đã giải quyết được một phần những khó khăn đó của người lao động mất việc làm.

Cụ thể, Nghị định số 28/2015/NĐ – CP quy định, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại khoản 1, điều 47 Luật Việc làm khi có đủ các điều kiện sau: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 2, điều 44, Luật Việc làm liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến tháng liền kề của tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động hoặc đến tháng của ngày đề nghị hỗ trợ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động nếu người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng đó.

Bảo hiểm thất nghiệp: Điểm tựa của lao động mất việc

Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh và dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 300 lao động trở xuống và từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 300 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động với thời hạn dưới 03 tháng.

Những trường hợp được coi là bất khả kháng nêu trên, bao gồm: Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại. Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động được xác định thông qua báo cáo sản xuất, kinh doanh của năm trước thời điểm đề nghị hỗ trợ mà bị lỗ có xác nhận của cơ quan thuế. Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Mức hỗ trợ để đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động đang làm việc trong và cho những người lao động mất việc được doanh nghiệp và nhà nước hỗ trợ được quy định cụ thể như: Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề tối đa 01 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 06 tháng.

Trường hợp khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định tại khoản 1, điều này thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.

Ngoài ra, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp làm việc theo hợp đồng đúng quy định khi bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm; hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện...

Theo tìm hiểu, nhiều lao động mất việc đã được tiếp cận nguồn hỗ trợ này, nhiều người đã có công việc mới, ổn định và thu nhập cao hơn. Đây là chính sách đúng đắn giúp người lao động mất việc có cơ hội tìm kiếm được công việc mới, giúp ổn định kinh tế hơn.

Ngô Bảo Chi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này