Bộ môn – Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Quân y 103

Tiên phong áp dụng kỹ thuật cao trong điều trị

09:13 | 07/11/2015
Được thành lập từ cuối năm 1960, trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn - Khoa Chấn thương chỉnh hình (CTCH) bệnh viện Quân y 103 đã đạt được rất nhiều thành tích trong công tác đào tạo, điều trị và nghiên cứu khoa học, góp phần tích cực trong thành công chung của bệnh viện.
Y tế thủ đô: Những bước chuyển mình
Năm 2016, sẽ có 100% bệnh viện tuyến tỉnh tham gia mạng lưới bệnh viện vệ tinh
Thiết thực chương trình "Tiếp sức người bệnh"

Chú trọng đào tạo, nghiên cứu

Với cơ cấu tổ chức là Bộ môn – Khoa (vừa có nhiệm vụ đào tạo, vừa có nhiệm vụ điều trị, và nghiên cứu khoa học) là mô hình khác biệt với các khoa lâm sàng trong các bệnh viện trong cả nước, các thầy thuốc ở đây vừa có nhiệm vụ tham gia giảng dạy cho sinh viên đại học và sau đại học, vừa tham gia phẫu thuật điều trị bệnh nhân.

Bộ môn – Khoa CTCH gồm1 giáo sư, 2 phó giáo sư, 3 tiến sỹ, còn lại là thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cấp II. Phần lớn các thầy thuốc ở đây đã được đào tạo tại Đức, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Singapor, Thái Lan, …Có thể nói đây là cơ sở đào tạo chuyên sâu, có uy tín về CTCH trong ngành y tế.

Tiên phong áp dụng  kỹ thuật cao trong điều trị
Lãnh đạo Khoa trao đổi nghiệp vụ với chuyên gia Đức

Trong những năm qua, Bộ môn – Khoa CTCH, bệnh viện Quân y 103 đã đào tạo được 34 tiến sỹ, 140 thạc sỹ và trên 400 bác sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II chuyên nghành CTCH. Nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ và cấp ngành đã được nghiệm thu. Bộ môn – Khoa CTCH đã hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, bác sỹ trẻ đạt giải cao trong các hội nghị khoa học các trường đại học y, dược toàn quốc; các hội thao liên viện khu vực Hà Nội và giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội. Nhiều sáng kiến, cải tiến đã được ứng dụng vào thực tiễn như giá tập vận động khớp gối, cọc ép ren ngược chiều cải biên điều trị gãy xương hở và di chứng, cọc ép ren ngược chiều cố định gãy khung chậu.

Thành công với công nghệ mới

Nhiệm vụ điều trị cũng rất nặng nề đối với các thầy thuốc ở đây. Nhiều ca bệnh khó được gửi tới từ các tuyến đã được điều trị thành công. Trao đổi với chúng tôi, TS.BsCKII Vũ Nhất Định, Chủ nhiệm khoa, cho biết: Để đảm đương được nhiệm vụ các thầy thuốc ở đây phải có lòng yêu nghề, đam mê nghiên cứu khoa học, phải được đào tạo cơ bản và phải có hoài bão vươn lên.

Là cơ sở đào tạo nên hầu hết các kỹ thuật trong chuyên ngành CTCH đều được triển khai tại đây, nhiều kỹ thuật mới, vật liệu mới được nghiên cứu và ứng dụng. Các kỹ thuật đã được khẳng định, đó là nội soi khớp, thay khớp nhân tạo, vi phẫu thuật, điều trị di chứng và dị tật bẩm sinh, điều trị gãy xương, sai khớp mới. Cho đến nay Bộ môn – Khoa CTCH đã phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước cho gần 2.000 trường hợp với các kỹ thuật tái tạo dạng 1 bó, 2 bó. Nhiều vận động viên bóng chuyền, bóng rổ, karate chuyên nghiệp ..đã trở lại thi đấu. Không ít bệnh nhân trên 100 tuổi đã phẫu thuật thay khớp thành công. “Kỹ thuật thay khớp nhân tạo góp phần giảm gánh nặng cho xã hội, người cao tuổi có thể tự đi lại và sinh hoạt mà không phụ thuộc vào việc chăm sóc của người khác, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống”, TS Định phấn khởi.

Tiên phong áp dụng  kỹ thuật cao trong điều trị
Các bác sĩ của khoa tham gia phẫu thuật với chuyên gia Đức

Kỹ thuật khâu nối thần kinh, mạch máu ngoại vi, trồng nối lại chi thể đứt lìa và chuyển các vạt tự do cũng là thế mạnh ở đây. Có những trường hợp bàn tay, bàn chân bị đứt lìa 6 – 8 tiếng đã được trồng nối lại thành công. Có những trường hợp đứt lìa tại đốt xa của ngón tay cũng được trồng lại.

Nắm bắt được xu thế phẫu thuật ít xâm lấn nhằm phục hồi nhanh nhất sau phẫu thuật trả lại chức năng sớm cho người bệnh và mang lại thẩm mỹ, Bộ môn – Khoa CTCH, BVQY 103 đã ứng dụng kỹ thuật thay khớp với đường mổ nhỏ, phẫu thuật kết xương không mở ổ gãy, kết xương qua da. Đây là xu thế mới được cập nhật hiện nay.

Nhìn những bệnh nhân được thay khớp nhân tạo đang tập đi, được trực tiếp cùng bác sỹ thăm khám lại bệnh nhân bị gãy xương đùi và cẳng chân được đóng đinh nội tủy có chốt mà không thấy sẹo, tôi thầm cảm phục đôi bàn tay khéo léo của các thầy thuốc ở đây.

Đặc biệt không chỉ người già có nhu cầu thay khớp mà nhiều người trẻ cũng sớm mắc bệnh tiêu chỏm xương đùi hay còn gọi là hỏng khớp háng nên cũng rất có nhu cầu. Tuy nhiên nếu thay khớp nhân tạo của người già cho người trẻ thì sẽ không đảm bảo độ bền vì người trẻ vận động nhiều hơn. Đứng trước nhu cầu đó, các thầy thuốc ở đây đã cập nhật những tiến bộ khoa học mới và ngay lập tức đã áp dụng vào thực tế trong việc thay khớp háng cho người trẻ tuổi, giúp nhiều người bệnh tự tin, ổn định lại cuộc sống.

Được biết, bên cạnh việc thực hiện tốt hai chức năng chính là đào tạo, nghiên cứu và điều trị, Bộ môn – Khoa CTCH, BVQY 103 còn hưởng ứng và tham gia tích cực công tác khám, chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng chính sách, thương, bệnh binh ở trại điều dưỡng. Hàng năm, Bộ môn - Khoa còn tham gia khám, chữa bệnh cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, cử cán bộ tham gia đoàn công tác ở Trường Sa, phong trào hiến máu tình nguyện...

Với những đóng góp trong đào tạo, điều trị và nghiên cứu khoa học trong suốt 55 năm xây dựng và trưởng thành, Bộ môn – Khoa CTCH, bệnh viện quân Y 103 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Bảo vệ tổ quốc hạng 3 và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Xuân - Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này