Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP nông lâm thủy sản

10:58 | 06/11/2015
Chương trình giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) 9 tháng năm 2015 cho thấy, có 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng.
Không đảm bảo ATTP, thủy sản có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu
“Rút ruột” tiền hỗ trợ người dân hàng tỷ đồng!
Xác minh thông tin thủy sản bị ngộ độc

Đó là số liệu được ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản công bố tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản, được Bộ NN&PTNT tổ chức vào sáng 5/11.

Cũng theo ông Nguyễn Như Tiệp, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP hiện đã đầy đủ về số lượng, tuy nhiên, mỗi mảng, lĩnh vực đang có quá nhiều văn bản dẫn đến khó tra cứu và áp dụng trong thực tiễn. Tiêu chí VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng còn dàn trải, chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp áp dụng và cho cơ quan quản lý hoạt động chứng nhận VietGAP.

Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đảm bảo vệ sinh, ATTP đối với chuỗi sản phẩm thực vật, động vật còn chưa đầy đủ, thiếu các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện đảm bảo ATTP đối với cơ sở sơ chế, chế biến và phương tiện vận chuyển, cơ sở bày bán thịt gia súc, gia cầm…các sự cố về ATTP chưa được kịp thời xác minh, kiểm chứng, cung cấp đầy đủ thông tin, gây hoang mang cho người dân và làm giảm khả năng tiếp cận thị trường cho các mặt hàng nông lâm thủy sản.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP nông lâm thủy sản
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu tại Hội nghị

Nhằm cải thiện tình hình ATTP nông lâm thủy sản trong thời gian tới, theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, cần chú trọng tới công tác rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản theo hướng tích cực; đơn giản hóa các văn bản quy định hành chính, thủ tục hành chính và quy chuẩn kỹ thuật về đảm bảo chất lượng, ATTP theo chuỗi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản.

Cùng với đó, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và thanh tra chuyên ngành chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản từ Trung ương tới địa phương. Rà soát, hoàn thiện, phân công, phân cấp cơ chế phối hợp giữa các cơ quan cùng cấp cũng như giữa Trung ương và địa phương.

Với tình hình vi phạm ATTP hiện nay ngày càng có chiều hướng phức tạp, bà Phương Khanh (đại biểu tỉnh Long An) đã đưa ra kiến nghị, cần đưa vấn đề người cố tình sử dụng chất cấm vào thực phẩm, là hành vi phạm tội và xử lý theo Bộ luật hình sự, chứ không nên để sự việc diễn ra, gây tác hại rồi mới quy kết phạm tội.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP nông lâm thủy sản
Rất nhiều ý kiến tham luận được đưa ra về vấn đề ATTP nông lâm thủy sản

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, việc đảm bảo ATTP là yêu cầu bức thiết của ngành; để tạo ra sự chuyển biến trong công tác này, các Sở, ngành, địa phương cần có những kế hoạch hành động quyết liệt, đặc biệt liên quan đến vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Mặt khác, công tác tuyên truyền cần rõ về thời điểm, đối tượng; tăng cường công tác hướng dẫn sản xuất cho những người sản xuất chân chính; thiết lập các kênh phân phối an toàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, triệt phá những đường dây cung cấp các sản phẩm giả, chất cấm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người chăn nuôi và người sử dụng.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này