Dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số: Còn nhiều khó khăn

12:15 | 05/11/2015
Với trẻ em dân tộc thiểu số, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai sau tiếng mẹ đẻ nên cần phải được chuẩn bị trước khi các em bước vào lớp 1. Thế nhưng, thực tế, nhiều trẻ mầm non dân tộc thiểu số lại chưa sẵn sàng đi học.
Cấp học bổng cho HS, SV dân tộc thiểu số diện hộ nghèo

Nhiều trẻ mầm non chưa sẵn sàng đi học

Tại hội thảo góp ý dự thảo đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, trẻ em dân tộc thiểu số khi bắt đầu đến trường gặp rất nhiều khó khăn, nếu không được chuẩn bị tiếng Việt. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng trẻ lưu ban, bỏ học ở các cấp học, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục phổ thông nói chung. Theo Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Trần Thị Thắm, hiện có khoảng 1 triệu trẻ mầm non và 1,3 triệu trẻ tiểu học là người dân tộc thiểu số tại hơn 50 địa phương trong độ tuổi đến trường.

Dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số: Còn nhiều khó khăn
Trẻ em dân tộc thiểu số khi bắt đầu đến trường gặp rất nhiều khó khăn nếu không được chuẩn bị tiếng Việt. ảnh minh họa

Báo cáo đánh giá phát triển trẻ thơ (EDI) thực hiện năm 2014 về mức độ sẵn sàng đi học của trẻ 5 tuổi ở Việt Nam cho thấy, hơn 1/3 trẻ trong nhóm khảo sát được xác định bị thiếu hụt hoặc có nguy cơ thiếu hụt ít nhất một trong năm lĩnh vực phát triển trở lên. Trẻ dân tộc thiểu số có tỷ lệ thiếu hụt một lĩnh vực trở lên cao hơn trẻ không phải là dân tộc thiểu số.

Cũng theo bà Thắm, tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức của quốc gia, được sử dụng trong nhà trường. Bởi vậy, khi trẻ đi học chưa biết nói, hiểu tiếng Việt sẽ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, tham gia hoạt động giáo dục cũng như tiếp thu kiến thức. Những rào cản về ngôn ngữ khiến các em tự ti, học kém dẫn đến bỏ học.

Nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện công tác tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc, thông qua “Hướng dẫn nhiệm vụ năm học”.Tuy nhiên, công tác tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn khiến nhiều trẻ đến trường trong tình trạng chưa biết nói, chưa hiểu tiếng Việt.

Giáo viên cần linh động trong từng bài giảng

Theo nội dung đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” đến năm 2020: 100% trẻ MN, học sinh tiểu học dân tộc thiểu số được tăng cường chuẩn bị vốn tiếng Việt phù hợp theo từng độ tuổi để tiếp thu kiến thức và tham gia hiệu quả các hoạt động trong nhà trường và hoạt động giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày. 100% giáo viên trong cơ sở GDMN, tiểu học có trẻ là người dân tộc được bồi dưỡng về tiếng dân tộc, kỹ năng chuẩn bị và tăng cường tiếng Việt cho trẻ. 100% nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, tiểu học được xây dựng môi trường tăng cường chuẩn bị tiếng Việt tại trường, điểm trường thông qua đầu tư trang thiết bị, đồ chơi, sách, truyện… Hỗ trợ chính sách với trợ giảng, giáo viên dạy lớp ghép, đồng thời xây dựng mô hình điểm phù hợp với đặc điểm của mỗi địa phương…

Đồng quan điểm với định hướng và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, ông Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ cấp mầm non và tiểu học là người dân tộc thiểu số hết sức quan trọng và cấp bách trong quá trình nhận thức được về sự vật, hiện tượng của các cháu. Vì khi trẻ hiểu câu hỏi của cô thì trẻ mới trả lời được, trẻ thành thạo tiếng Việt mới diễn đạt hết những ý tưởng của mình cho cô giáo hiểu. Tuy nhiên vấn đề đặt ra, chúng ta dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ như thế nào để có hiệu quả? Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như buổi học, tính linh động của giáo viên, khả năng cảm nhận của trẻ, đồ dùng trực quan cho tiết dạy…Ông Dong đặc biệt nhấn mạnh vào vai trò trong sự tác động qua lại giữa giáo viên và các cháu với yêu cầu đặt ra phải phù hợp đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ. Do đó, phải căn cứ vào đối tượng chúng ta đang dạy, tùy vào hoàn cảnh để giáo viên lựa chọn những bài dạy phù hợp với trẻ, được như thế, buổi học mới thành công, các cháu nắm bắt nhanh vấn đề mà cô giáo đưa ra.

Từ thực tế qua các chuyến đi nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học tại tỉnh vùng cao, ông Dong cho biết thêm, có nhiều giáo viên vùng cao đã linh động tổ chức dẫn dắt các em tham gia vào những buổi học, những trò chơi đóng vai, qua đó, trẻ học được ngôn ngữ tiếng Việt. Ví dụ, khi cô giáo tổ chức một trò chơi, đóng các vai nhân vật trong câu chuyện “Dê đen và dê trắng” và khi đảm nhận vai thì phải hiểu được các lời thoại của nhân vật…Đặc biệt khi trẻ tham gia chơi bắt buộc phải linh hoạt trong ngôn ngữ giao tiếp để giải quyết các tình huống cần dùng đến sự mưu trí của dê đen để chiến thắng sói. Từ ví dụ thực tế này chứng tỏ, ngôn ngữ tiếng Việt của trẻ mạch lạc thì trẻ lại thích giao tiếp, thích gần gũi với cô giáo, bạn bè và dần dần sự tự tin giao tiếp ấy giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh một cách dễ dàng hơn. “Khi trẻ hiểu được ngôn ngữ tiếng Việt thì quá trình học của trẻ mới có hiệu quả”, ông Dong nhấn mạnh.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này