Bảo hiểm y tế: “Phao cứu sinh” của người bệnh

11:43 | 03/11/2015
Thủ tục khám, chữa bệnh còn rườm rà, chất lượng khám, chữa bệnh chưa cao cộng với tâm lý chủ quan về sức khỏe bản thân... là những lý do khiến không ít người thờ ơ với bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, với những người lâm bệnh, nhất là bệnh trọng, họ mới thấm thía thẻ BHYT có ý nghĩa quan trọng với sự sống của mình như thế nào.
Tai nạn lao động vẫn được hưởng bảo hiểm y tế
Phấn đấu trên 85% người dân có Thẻ bảo hiểm Y tế

Câu chuyện của hai người bệnh

Sau khi sinh, sản phụ Nguyễn Thị H, ở Phú Thọ, bị suy gan và nhiễm trùng máu, được chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Dù bệnh tình của chị H. khá nặng, nhưng theo tiên lượng của các bác sỹ, nếu được điều trị tích cực với chi phí khoảng từ 30-40 triệu đồng, bệnh nhân sẽ qua khỏi. Chi phí này sẽ đỡ đi rất nhiều, nếu chị H. có BHYT. Cụ thể, nếu có BHYT, bệnh nhân sẽ chỉ phải chi trả khoảng 8 triệu đồng. Tuy nhiên, chị H. không có BHYT, gia đình lại quá nghèo khó, số tiền 30-40 triệu đồng đối với họ là quá lớn không thể vay mượn ở đâu được, nên gia đình đành nhắm mắt xin đưa con về. Thương bệnh nhân còn quá trẻ, hoàn toàn có khả năng sống, các bác sỹ đã nhờ tới phương tiện truyền thông kêu gọi, nhờ thế mà bệnh nhân được tiếp tục điều trị và được sống, trở về với gia đình.

Bảo hiểm y tế: “Phao cứu sinh” của người bệnh

Câu chuyện của bà Nguyễn Thị T (58 tuổi, ở Tiền Hải, Thái Bình) hoàn toàn ngược lại. Bà T mắc bệnh ung thư tụy đã di căn và liên quan đến nhiều chuyên khoa khác nhau. Vì vậy hơn 5 tháng nay, bà phải chuyển từ Thái Bình lên khắp các bệnh viện ở Hà Nội để chữa trị. Chi phí chữa bệnh, ăn ở vô cùng tốn kém trong khi gia đình bà chỉ làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, bà T may mắn vì có thẻ BHYT, nên gánh nặng chi phí nhẹ hơn rất nhiều. “May mà có thẻ BHYT nên số tiền gia đình em phải bỏ ra chi phí cho mẹ nằm viện không quá lớn, chứ không chúng em phải bán đất, bán trâu bò mà không biết có đủ tiền để cho mẹ đi chữa bệnh hay không. Thật ra trước đó, thấy mẹ làm nông nghiệp, không có thu nhập mà vẫn dành tiền mua BHYT, đôi lúc chúng em cũng nói ra nói vào là mẹ lãng phí. Nay mới thấm thía, bệnh tật không thể lường trước được. Chẳng may đau ốm, tai nạn, có thẻ BHYT gánh được bao chi phí cho người bệnh” - con gái bà T. bộc bạch.

Đừng hờ hững với “phao cứu sinh”

Câu chuyện của hai bệnh nhân nói trên đã cho thấy, thẻ BHYT có giá trị đối với người dân như thế nào. BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, rất nhiều người khi đi viện, danh giới giữa sống - chết không phải là do bệnh trạng của họ mà lại chính do chi phí bỏ ra để chi trả việc chữa trị. Có những bệnh nhân vẫn còn cơ hội sống, nhưng vì phải tự chi trả toàn bộ các chi phí chữa bệnh mà không có sự hỗ trợ của BHYT nên đã không thể cáng đáng nổi, bỏ cuộc điều trị giữa chừng, chấp nhận chờ chết.

Có thể nói, không chỉ riêng gia đình chị H. hay gia đình bà T. mà với nhiều người bệnh, nhất là người bệnh nghèo khi phải đi khám, chữa bệnh, đi nằm viện trong thời gian dài ngày mới thấy hết được giá trị của chiếc thẻ BHYT, của chính sách BHYT. Lúc này, chiếc thẻ BHYT nhỏ bé đó không chỉ là “chiếc phao cứu sinh” giúp người bệnh đỡ phải đóng tiền viện phí nhiều vì đã có quỹ BHYT chi trả hầu hết những dịch vụ, những loại thuốc trong danh mục mà còn thể hiện ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc...

Thêm vào đó, từ tháng 11 này khi giá của khoảng 1.800 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh thì vai trò của chiếc thẻ BHYT lại càng trở nên quan trọng và cần thiết với người dân hơn bao giờ hết. Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế, người dân có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả cùng một mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Đặc biệt, khoảng 23,7 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT là có lợi, vì khi đi khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí (từ 31/12/2014 trở về trước được thanh toán 95%, trừ trẻ em dưới 6 tuổi). Đồng thời không phải đồng chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá. Ông Liên cũng chỉ ra rằng, việc điều chỉnh giá viện phí lần này sẽ tác động nhiều đến gần 30% số dân chưa tham gia BHYT. Như vậy rõ ràng là việc tham gia BHYT sẽ rất có lợi cho người dân vì chỉ bỏ ra khoảng hơn 600.000 đồng để mua thẻ BHYT, trong khi nếu không may ốm đau, bệnh tật thì đã yên tâm vì có quỹ BHYT chi trả.

Các phân tích cho thấy, so với khung viện phí hiện hành, nếu tự chi trả thì người dân có mức thu nhập trung bình chắc chắn gặp khó khăn trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính điều trị lâu dài. Vì vậy, mỗi người dân cần thấy rõ giá trị của BHYT khi không may bị ốm đau, đồng thời nhận thức đây là chính sách an sinh xã hội, nhiều người hỗ trợ một người trong việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh.

Tú Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này