Bóng đá Việt: Học J-League, K-League để làm gì?

15:32 | 30/10/2015
Cuộc họp HĐQT của VPF mới đây đã quyết định trong thời gian tới sẽ sắp xếp cho các đội bóng, quan chức sang Hàn Quốc để học hỏi mô hình quản lý giải VĐQG của đất nước xứ kim chi (K-League). Học hỏi để rút ra kinh nghiệm quản lý và áp dụng vào V-League là điều tốt, nhưng e rằng một lần nữa lại...công cốc bởi đã có thời J-League được VPF, VFF coi như mô hình mẫu những cũng đã thất bại...
HLV Đặng Trần Chỉnh được bổ nhiệm làm giám đốc kỹ thuật CLB B.Bình Dương
Hội nghị Tổng kết V-League 2015: Đại biểu chỉ trích gay gắt!

Đi một ngày đàng...

Có một thực tế rằng, chẳng phải lúc này các quan chức của VPF hay trước đó là VFF mới nghĩ ra chuyện đi nước ngoài học tập mô hình bóng đá chuyên nghiệp của các nền bóng đá tiên tiến trên Thế giới.

Gần như ngay từ những ngày đầu đưa bóng đá Việt tiến lên chuyên nghiệp vào thời gian đầu của thế kỷ 21, các quan chức của VFF đã liên tục xuất ngoại để...đi học.

Bóng đá Việt: Học J-League, K-League để làm gì?
Dù đã đi học ở J-League

Học từ Tây với những chuyến đi dài ngắn khác nhau ở Đức, Pháp trong khoảng đầu của giai đoạn đưa bóng đá Việt chuyển từ bao cấp lên chuyên nghiệp.

Học ở trời Âu chưa đủ, VFF rồi sau này là VPF cũng liên tục tổ chức cho lãnh đạo các đội bóng, lãnh đạo liên đoàn hay của Cty sang Trung Quốc, Nhật Bản để học hỏi cũng như tiếp thu kinh nghiệm.

Thậm chí, sau này với thành công rực rỡ của J-League nhiều lãnh đạo của VFF lẫn VPF đã coi đó như mô hình chuẩn nhất để theo đuổi, đến mức có lúc trưởng BTC V-League cũng là người Nhật.

Chưa dừng ở đó, phong trào sính Nhật còn lên cao vun vút bằng việc nhờ JFA tìm kiếm HLV cũng như là nơi tập huấn lý tưởng cho các ĐTQG từ nam tới nữ...

Tựu trung lại, cho tới thời điểm khoảng hơn 15 năm bắt tay vào làm bóng đá chuyên nghiệp, V-League đã được thụ giáo rất nhiều thầy ngoại, từ trời Âu cho đến trời Á

Học được những gì?

Một câu hỏi được đặt ra, sau chừng đó năm đi học lãnh đạo quản lý bóng đá Việt đã tiếp nhận được những gì từ các nền bóng đá tiên tiến bậc nhất Thế giới hay châu lục?

Câu trả lời cụ thể là rất khó, nhưng nhìn về tổng quan tức sự phát triển, ổn định hay đơn giản nhất là về mức độ chuyên nghiệp có vẻ như những lần "tầm sư" ấy gần như là công cốc.

Bóng đá Việt: Học J-League, K-League để làm gì?
Nhưng chất lượng của V-League vẫn rất...nghiệp dư

Suốt chiều dài hơn 15 năm bóng đá Việt từ bao cấp lên chuyên nghiệp ấy không có nhiều sự thay đổi về chất. Có khác chăng, mức lương, hay tiền lót tay chuyển nhượng dành cho cầu thủ là có thay đổi, thế thôi.

Nói thế có phần hơi nghiệt ngã cho những chuyến đi của lãnh đạo VFF, hay VPF sau này. Nhưng những sự thay đổi cần thiết để giống với một giải đấu chuyên nghiệp thì e rằng là quá ít so với công sức lẫn tiền bạc bỏ ra.

Rất nhiều trận đấu vẫn là những cú bắt tay sau hậu trường, cầu thủ vẫn chỉ là những người "nhận lương chuyên nghiệp trong một giải đấu nghiệp dư" như lời của chuyên gia Nguyễn Văn Vinh đã ví von...

Không chỉ có như thế, hàng loạt những điều được coi chuyên nghiệp nhỏ nhất như sân bãi, điều hành giải đấu cũng vẫn nghiệp dư như chưa từng có sự thay đổi so với thời bao cấp.

Học nhiều nhưng không thay đổi được bao nhiêu thì e rằng chuyện đi học (hay thẳng ra là đi thăm quan du lịch là chủ yếu) có lẽ là không cần thiết khi nó quá tốn kém, nhưng hiệu quả lại quá ít ỏi như thế.

Và thời gian, tiền bạc lẫn công sức để đi học ấy nên dành vào tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn tại của BĐVN thì hơn...

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này