Sau gần 4 năm tái cơ cấu: Hệ thống ngân hàng đã định vị

21:57 | 29/10/2015
Sau 4 năm tái cơ cấu, hay nói một cách khác là "định vị" lại sau tâm bão, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã giảm từ 42 ngân hàng thương mại xuống còn 34, đặc biệt hơn là không có ngân hàng phá sản, chỉ có một số ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng. Nhiều ngân hàng biến mất trên thị trường như MDBank, MHB, DaiABank, Ficombank, TinNghiaBank, SouthernBank, WesternBank, Habubank.
Hội thảo" Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu"

Nếu như trước đây NHNN chỉ sở hữu cổ phần ở 5 ngân hàng Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank và MHB, đến nay con số ấy đã tăng lên gấp đôi (gồm sở hữu thêm 100% vốn của 3 ngân hàng mua lại 0 đồng là VNCB, OceanBank và GP.Bank).

Nợ xấu đã được đưa về dưới mức cho phép là 3%. Lãi suất huy động và cho vay đã giảm xuống 40% sau gần 4 năm. Hệ thống ngân hàng được chia thành ba nhóm minh bạch, giảm 17 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể; rút giấy phép hoạt động… Đó là một tổng kết ngắn gọn về hoạt động tái cơ cấu ngân hàng sau gần 4 năm thực hiện tại cuộc hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu” do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp Tạp chí Điện tử Diễn đàn Đầu tư (Bizlive) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Sau gần 4 năm tái cơ cấu: Hệ thống ngân hàng đã định vị
Hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu”

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một nhiệm vụ chiến lược lớn, được NHNN triển khai quyết liệt trong bốn năm qua. Quá trình này đã đạt được nhiều kết quả tích cực và rõ rệt, hệ thống ngân hàng đã thoát khỏi nguy cơ đỗ vỡ và góp phần giúp nền kinh tế trụ vững trước những tác động tiêu cực của quá trình hội nhập, nâng cao niềm tin của xã hội đối với hệ thống ngân hàng. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được bảo đảm, nợ xấu giảm mạnh, chỉ còn khoảng 2,9%, thị trường tiền tệ và tỷ giá ổn định, số lượng TCTD yếu kém giảm mạnh…

Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục xử lý, nhất là việc tái cơ cấu các doanh nghiệp, sự hỗ trợ về thuế của Chính phủ. "Để thành công trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, phải căn cứ vào những căn nguyên gây ra khuyết tật hệ thống của nó để khắc phục, nghĩa là phải chữa cả những căn bệnh của nền kinh tế “dính” đến ngân hàng. Nếu hệ thống doanh nghiệp còn tiếp tục yếu kém như hiện nay thì rất khó có thể xử lý vấn đề nợ xấu trong khuôn khổ tái cơ cấu….", ông Thiên nhận định.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhìn chung đã đúng hướng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo thông lệ quốc tế, định vị hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với bốn năm trước đây.

Nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhìn chung đã đúng hướng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo thông lệ quốc tế, định vị hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với bốn năm trước đây.

Chương trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và mục tiêu cơ bản đề ra. Đó là: Lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng; cải thiện mức độ an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; nâng cao trật tự kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng.

Cùng với mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh, tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh dần đã góp phần quan trọng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu từng bước được giải quyết hiệu quả. Tính đến cuối tháng 9/2015, ngành ngân hàng về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu xử lý nợ xấu đề ra với trên 90% tổng số nợ xấu xác định tại tháng 9/2012 đã được xử lý và tỷ lệ nợ xấu đạt mức dưới 3%. Đặc biệt, khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực an toàn về hoạt động ngân hàng đã được hoàn thiện một bước, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Hệ thống quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của các tổ chức tín dụng được củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ông Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng và Tài chính, cho rằng, “cục máu đông” nợ xấu đã được xử lý. Vấn đề thiếu thanh khoản của hệ thống đã được giải quyết. Nhớ lại vào thời điểm cuối năm 2011, đầu năm 2012, lãi suất liên ngân hàng đã lên đến 30% đẩy lãi suất huy động lên đến 18-20%. Nhiều ngân hàng gần như rơi vào tình trạng mất thanh khoản, có nguy cơ đổ vỡ, đe dọa sự an toàn và ổn định của hệ thống.

Việc hỗ trợ thanh khoản thông qua hoạt động thị trường mở, một mặt đã giúp cải thiện tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng, khai thông ách tắc của thị trường liên ngân hàng, nhưng mặt khác lại không gây ra sức ép lạm phát do những biện pháp hút tiền về đúng kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước. Nhờ vậy, tình trạng thanh khoản của các tổ chức trong hệ thống đã được cải thiện, trở nên ổn định và khá dồi dào từ giữa năm 2012.

Các tổ chức tín dụng yếu kém được xử lý. Các tổ chức có quy mô lớn hơn và có tình hình tài chính tốt đã tham gia vào việc tái cấu trúc các tổ chức tín dụng nhỏ hơn. Trong đó, đáng chú ý là việc khuyến khích thực hiện giải pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại giữa các tổ chức tín dụng, lành mạnh hoá tài chính, tăng quy mô và chất lượng vốn tự có. Tính đến ngày 31/8/2015, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 420 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tương đương khoảng trên 91% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012. Kết quả xử lý nợ xấu nói trên đã đưa tỷ lệ nợ xấu đến tháng 8/2015 chỉ còn 3,21% và đến tháng 9/2015 chỉ còn khoảng 2,9%.

Nhìn chung, các ý kiến tham luận tại hội thảo đều khẳng định, việc tổng kết, đánh giá thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đề án xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2011 - 2015 là rất cần thiết để rút ra những mặt được, chưa được, bài học kinh nghiệm, đề xuất định hướng, giải pháp tiếp tục tái cơ cấu và phát triển trong hệ thống tổ chức tín dụng thời gian tới.

Hồ Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này