Mô hình trường chất lượng cao: Muốn nhân rộng cần có lộ trình

21:57 | 29/10/2015
Sau 2 năm xây dựng và phát triển hệ thống trường chất lượng cao theo Nghị quyết 15 về đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng trên địa bàn, ngành giáo dục Hà Nội đã có những chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mô hình này vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong quá trình nhân rộng.
9 trường CĐ nghề thí điểm xây dựng trường chất lượng cao
Xây dựng ĐH Thủ đô là trường chất lượng cao

Rào cản học phí cao

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, thuận lợi nhất là các trường đầu tư cơ sở, vật chất tốt, trang thiết bị, đồ dùng dạy học phát huy được hiệu quả; sĩ số học sinh trong lớp theo quy định nên giáo viên có điều kiện để quan tâm, theo dõi học sinh đầy đủ. Do được tự chủ nên nhà trường đáp ứng được những yêu cầu, dịch vụ và nguyện vọng của cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, việc xây dựng trường chất lượng cao được phụ huynh học sinh ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong mọi hoạt động.

Mô hình trường chất lượng cao: Muốn nhân rộng cần có lộ trình
Trương Tiểu học Nam Từ Liêm hiện đang nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học để xứng tầm trường chất lượng cao

Qua tìm hiểu của phóng viên, sự chuyển biến trong việc triển khai hệ thống trường chất lượng cao thể hiện rõ nét tùy thuộc vào từng cấp học. Cụ thể trong lĩnh vực giáo dục mầm non, sự thay đổi này nằm ở cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng được nhu cầu hoạt động của trẻ theo mô hình trường chất lượng cao. Qua khảo sát của phóng viên tại trường mầm non Mai Dịch (Cầu Giấy), trường đã sớm hoàn thiện việc cải tạo sân chơi, phòng vệ sinh của trẻ theo mô hình của Australia, hệ thống đường điện trong tường…Đáng chú ý là thời gian gần đây, trường xây mới một đơn nguyên gồm ba lớp học, ba phòng chức năng, cải tạo toàn bộ hệ thống sân vườn... "Tôi hoàn toàn yên tâm khi gửi con tại ngôi trường này bởi đây là một cơ sở áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến từ các trường quốc tế UNIS, Thụy Điển, giúp trẻ phát triển toàn diện về trí lực, năng động tự tin và thích ứng với môi trường” - chị Mai Anh (Cầu Giấy) hào hứng cho biết.

Còn đối với cấp tiểu học, THCS, thế mạnh đặc thù là chất lượng đội ngũ giáo viên được các trường nỗ lực phát huy. Công tác này đã được ban giám hiệu các trường tiểu học Sài Đồng, THCS Nam Từ Liêm tự hào ghi nhận. “Đội ngũ giáo viên của trường được trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp giáo dục nên đã vững vàng, chủ động và linh hoạt hơn trong việc triển khai các hoạt động giảng dạy, giáo dục trẻ” - đại diện trường tiểu học Sài Đồng chia sẻ.

Tuy nhiên, việc xây dựng trường chất lượng cao gặp không ít khó khăn. Do đây là mô hình mới và là những trường đầu tiên được công nhận trường chất lượng cao nên các trường vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn mới chỉ đáp ứng đủ theo quy định, chưa dồi dào nên hoạt động chưa có tính đặc thù. Ngoài ra, sĩ số học sinh tại các trường công lập chất lượng cao thấp hơn so với đề án do đây là mô hình mới chưa được nhân rộng, chưa có thời gian để khẳng định nên chưa tạo sức hút đối với người học, đặc biệt với những gia đình có nguyện vọng cho con học trường quốc tế.

Thừa nhận điều này, cô Vũ Kim Thanh, Phó hiệu trưởng trường mầm non 20-10 (Hoàn Kiếm), cho biết mặc dù nằm trên địa bàn người dân có mức sống tương đối cao, nhưng mức thu học phí 2 - 3 triệu đồng, nhiều người vẫn băn khoăn khi so sánh với các trường quốc tế. Còn theo chia sẻ của một số phụ huynh có con học tại các trường chất lượng cao, mức học phí này sẽ đã khiến nhiều gia đình chuyển trường cho con. Thực tế này còn khiến các trường đang trong giai đoạn thí điểm tỏ ra băn khoăn. Cô Ngô Thị Thanh - hiệu trưởng trường tiểu học Nam Từ Liêm, cho biết, tiểu học Nam Từ Liêm là một trong những trường thực hiện thí điểm, tuy nhiên mặt bằng chung về thu nhập của người dân trong vùng không cao nên dù có thực hiện việc tăng học phí theo lộ trình mỗi năm cũng khá nan giải.

Cần có lộ trình

Theo báo cáo, đến tháng 6/2015, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quyết định công nhận trường chất lượng cao cho 7 trường: Mầm non Sài Đồng (Long Biên); Mẫu giáo 20-10, Hoàn Kiếm; Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Nam Từ Liêm; Tiểu học Nguyễn Siêu, Cầu Giấy; Tiểu học đô thị Sài Đồng, Long Biên; THCS - THPT Nguyễn Siêu, Cầu Giấy; THPT Phan Huy Chú, Đống Đa. Ngoài ra, phê duyệt thí điểm 11 trường CLC trong năm học 2014 - 2015: Mẫu giáo mầm non B, Việt Triều Hữu Nghị thuộc Sở GD&ĐT; Mẫu giáo Quang Trung, Hoàn Kiếm; Mầm non đô thị Việt Hưng, Long Biên; Mầm non Việt Bun, Hai Bà Trưng, Mầm non Mai Dịch, Cầu Giấy; Tiểu học đô thị Sài Đồng, Long Biên; Tiểu học Nam Từ Liêm, Nam Từ Liêm; Tiểu học Tràng An, Hoàn Kiếm; THCS Nam Từ Liêm, Nam Từ Liêm; THPT Lê Lợi, Hà Đông.

Trên thực tế, phần lớn mọi lo lắng của các trường đều tâp trung vào gánh nặng tự chủ tài chính mà chưa quan tâm sâu sát đến chất lượng đội ngũ giáo viên - yếu tố quan trọng nhất quyết định trường đó có đạt được chất lượng cao hay không. Được biết, để đạt chuẩn theo các tiêu chí, các trường học phải đạt chuẩn kiểm định mức độ 2, đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2. Giáo viên phải có chất lượng cao và cán bộ quản lý phải tâm huyết, trách nhiệm. Trong khuôn khổ cuộc hội thảo “Xây dựng phát triển trường chất lượng cao trên địa bàn thủ đô - Từ nhận thức đến thực tiễn” diễn ra gần đây, giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội Nguyễn Hữu Độ thừa nhận, việc các trường công lập đang quen với việc chỉ làm công việc chuyên môn thuần túy bây giờ tự chủ toàn phần về tài chính, là khó khăn và vì vậy cần có lộ trình. "Bên cạnh đó, các trường cần chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên để xứng đáng với mức chi phí các gia đình bỏ ra để cho con em theo học tại các trường chất lượng cao..." - ông Độ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng: “Mô hình các trường tự chủ chất lượng cao đang triển khai chính là thí điểm để từ đó tìm ra “công thức” cho mô hình này trong tương lai. Xu hướng của giáo dục hiện đại là sẽ có rất nhiều mô hình trường tự chủ chất lượng cao, với nhiều cấp độ, cả ở công lập lẫn tư thục và phải cạnh tranh được với các trường quốc tế”. Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, lợi thế từ việc triển khai thí điểm này là những bài học kinh nghiệm của các trường chất lượng cao trong việc phải gắn với quyền lợi, thu nhập của giáo viên với chất lượng giáo dục cao mà họ đóng góp, sẽ là động lực lớn để các nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục. Đó còn là một giải pháp khắc phục hiệu quả nạn dạy thêm, học thêm kéo dài từ nhiều năm nay..." - TS Lâm khẳng định.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này