Ngộ độc ở bếp ăn tập thể: Cần tăng chế tài xử lý!

17:02 | 27/10/2015
Tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được xử lý nhiều nhưng không giảm. Đáng nói, gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc của công nhân lao động. Người lao động (NLĐ) tự hỏi, bao giờ mới hết nỗi lo ngộ độc và  nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe lâu dài và ai chịu trách nhiệm?.
Hàng trăm công nhân nhập viện sau bữa ăn
172 cơ sở vi phạm ATTP, phạt hơn 3 tỷ đồng

Chỉ xử phạt là xong

Còn nhớ, vào đầu tháng 4/2015, bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ đã tiếp nhận hơn 100 công nhân Công ty TNHH thời trang Star, của Singapore, có địa chỉ tại KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm, trong số đó có cả công nhân đang mang thai. Theo kết luận của Chi cục ATVSTP, Sở Y tế Hà Nội, nguyên nhân ngộ độc của hơn 100 công nhân là do ăn canh rau ngót nấu thịt nhiễm vi khuẩn lỵ và đơn vị cung cấp là Công ty cổ phần Linh Nhâm, trụ sở ở đường Hoàng Đạo Thúy, Thanh Xuân. Chi cục ATVSTP đã phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính đơn vị này.

Được biết, trước đó Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cũng điều tra và kết luận nguyên nhân dẫn tới việc 229 công nhân của Công ty TNHH CY Vina (KCN Đức Long, thành phố Trà Vinh) bị nôn ói, đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn trưa tại bếp ăn tập thể do món thịt gà chiên có chứa độc tố vi khuẩn tụ cầu vàng. Đi sâu vào kiểm tra thực tế tại bếp ăn Cục An toàn thực phẩm cho biết, do thức ăn bị ô nhiễm, quy trình, điều kiện vệ sinh, dụng cụ chế biến thức ăn không đảm bảo, dẫn đến việc thức ăn bị nhiễm khuẩn trong khi chế biến. Với hậu quả gây ra cho 229 CNLĐ nhưng Công ty CY Vina cũng chỉ bị xử phạt hành chính.

Ngộ độc ở bếp ăn tập thể: Cần tăng chế tài xử lý!
Nỗi lo ngộ độc thực phẩm đối với NLĐ

Tưởng như vấn đề ATVSTP đã lắng bởi sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan chức nhưng gần đây ngày 21/10, thông tin về hàng trăm công nhân của Công ty Giày Vĩnh Nghĩa (đóng tại phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) phải vào viện cấp cứu trong tình trạng nôn ói dữ dội, đau bụng, tiêu chảy và nhức đầu, trong đó nhiều công nhân nữ gặp triệu chứng sùi bọt mép, co giật, ngất xỉu do bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn trưa tại công ty, một lần nữa dư luận lại hoang mang về tình trạng ATVSTP tại các bếp ăn tập thể.

Chưa hết, ngày 22/10, tại Nam Định xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến 48 công nhân Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam (trụ sở tại khu công nghiệp Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) phải nhập viện. Nguyên nhân CN bị ngộ độc thực phẩm là do hóa chất bảo vệ thực vật trong canh rau ngót. Sau khi xảy ra sự việc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định đã xử phạt công ty này 13 triệu đồng.

Ai chịu trách nhiệm?

Như đã nêu trên, nguyên nhân các vụ ngộ độc bếp ăn tập thể của NLĐ tại các công ty đều bắt nguồn từ thức ăn không đảm bảo chất lượng, khâu chế biến thiếu vệ sinh... Mặc dù, ngay sau khi sự việc xảy ra, công nhân đều được cấp cứu kịp thời và sau đó vẫn tiếp tục đi làm nhưng không ai đảm bảo sức khỏe của những công nhân đó hoàn toàn hồi phục, nhất là trong số đó có cả phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú.

Điều đáng nói, các công ty, đơn vị cung cấp suất ăn cho CNLĐ để xảy ra ngộ độc thực phẩm chỉ bị xử phạt hành chính. Đó là nguyên nhân khiến tình trạng ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể không hề giảm. Theo ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định, với những ca ngộ độc thực phẩm do hóa chất, thời gian biểu hiện triệu chứng ngộ độc sẽ nhanh hơn so với ngộ độc do vi khuẩn. Diễn biến bệnh sau ăn thường xuất hiện sớm và chủ yếu là những hội chứng về thần kinh như choáng váng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Còn đối với những ca ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây bệnh đường ruột thường sẽ có thời gian ủ bệnh lâu hơn, có thể sau ăn từ 10-12 giờ và thường được biểu hiện bởi hội chứng tiêu hóa.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, tính đến tháng 9/2015, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 129 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 3.400 người mắc và 20 người tử vong. Trong đó, trung bình một năm có từ 11 đến 25 vụ NĐTP xảy ra ở bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất, với số mắc khoảng 1.400 người mắc/năm.

Nói về mức độ nguy hiểm của việc phụ nữ mang thai, đang cho con bú bị ngộ độc thực phẩm, bác sĩ Thu Lan, Bộ Y tế, cho biết, tùy thuộc mức độ độc tính của vi khuẩn có trong thức ăn mà người mẹ ăn vào, độc tính của vi khuẩn qua nhau thai đến thai làm ảnh hưởng nặng hay nhẹ tùy thuộc vào tuổi thai. Với người mẹ mang thai trong 3 tháng đầu, ngộ độc thức ăn dẫn đến dọa sảy thai, sảy thai hay thai chết lưu. Trường hợp thai trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, khi người mẹ bị ngộ độc thức ăn, thai nhi chậm phát triển, thai suy và nặng hơn nữa có thể sinh non, thai chết lưu.

Vấn đề ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể đã được cảnh báo từ lâu. Song công tác chấn chỉnh tình trạng này dường như chỉ mới giải quyết được phần ngọn. Đó là khi xảy ra vụ việc thì truy tìm lấy mẫu xét nghiệm, xử phạt, đình chỉ ....

Những quy định bắt buộc các nhà cung ứng phải tham gia vào chuỗi an toàn thực phẩm thì dường như cũng rất khó thực thi khi mà lợi ích kinh tế của các nhà cung ứng thực phẩm được đặt cao hơn an toàn tính mạng của người khác. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải xử lý hình sự hành vi gây ngộ độc thực phẩm cho nhiều người.

Trang Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này