“Tiêu hộ” 11 tỉ đồng của đối tác

05:38 | 27/10/2015
Các cựu quan chức Ban Quản lý các dự án đường sắt Việt Nam nhận thức rằng số tiền 11 tỉ đồng nhận từ đối tác Nhật Bản là để chi phí cho hoạt động tư vấn, trong đó có thưởng Tết, nghỉ mát...
Xét xử 6 quan chức đường sắt nhận hối lộ 11 tỉ đồng
Ngày mai xét xử 6 quan chức Đường sắt nhận tiền lót tay từ JTC

Ngày 26-10, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Trần Quốc Đông và 5 đồng phạm bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ban Quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (RPMU) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

“Lót tay” hay “tiêu hộ”?

Trong phần thẩm vấn, Phạm Hải Bằng, nguyên Phó Giám đốc RPMU, bị HĐXX đặt nhiều câu hỏi nhất vì Bằng bị cáo buộc đã trực tiếp đặt vấn đề về khoản tiền “lót tay” với đối tác là Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC). Bị cáo Bằng trình bày: “Giai đoạn này cần nhiều chi phí hoạt động, tổ chức sự kiện. Có nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan tới thực hiện hợp đồng... nên tốn kém nhiều chi phí”.

Cũng theo bị cáo Bằng, những khoản chi này chủ yếu phục vụ cho hoạt động tư vấn nên không đưa vào sổ theo dõi của RPMU. Trước câu hỏi: “Bao nhiêu lần bị cáo nhận tiền của phía nhà thầu? Số tiền cụ thể?”, Bằng trả lời: “Bị cáo không nhớ chính xác”.

“Tiêu hộ” 11 tỉ đồng của đối tác
Bị cáo Phạm Hải Bằng cho rằng số tiền 11 tỉ đồng nhận của phía đối tác Nhật Bản là “tiêu giùm” chứ không phải vòi vĩnh “lót tay”

Khi HĐXX chất vấn việc kết luận điều tra cho thấy các đối tượng người Nhật liên quan đến vụ án khai Bằng nhiều lần trực tiếp “vòi tiền”, bị cáo khẳng định: “Khi đọc bản kết luận điều tra, bị cáo thấy lời khai của phía Nhật Bản không đúng”. Trước câu hỏi “Bị cáo nhận thức gì về khoản tiền đã nhận”, Bằng trả lời: “Nhận thức ở đây là khoản tiền chi phục vụ cho hoạt động tư vấn. Lẽ ra đối tác tư vấn Nhật Bản phải thực hiện nhưng do tư vấn họ không nắm được nên họ để phía Việt Nam thực hiện. Phía Việt Nam chi tiêu hộ cho phía Nhật Bản khoản này” và cho biết số tiền trên chi cho hội họp; hoạt động Công đoàn, Đoàn Thanh niên; nghỉ mát...

Khi HĐXX công bố lời khai của lãnh đạo JTC Nhật Bản: “Tại dự án này trước khi bước vào ký hợp đồng, ông Bằng đã đề nghị ký với một nhà thầu phụ. Tôi nghĩ rằng chẳng phải ông Bằng đang làm “béo bụng” cá nhân ông ấy hay sao? Tôi cho rằng nếu từ chối đưa hối lộ cho ông Bằng thì đừng nói gì tới việc tham gia đàm phán hợp đồng hay thỏa thuận các điều khoản hợp đồng”, bị cáo Bằng chống chế: “Cái hoạt động này là 2 bên phối hợp với nhau. Đây là phần bên tư vấn họ cân đối để phối hợp với phía Việt Nam”.

Nhận tiền theo chỉ đạo của cấp trên

Các bị cáo khác cũng bị thẩm vấn để làm rõ việc nhận, sử dụng số tiền 11 tỉ đồng từ JTC, đặc biệt là việc bỏ túi riêng đối với các cựu quan chức ngành đường sắt.

Hai bị cáo Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên trưởng Phòng Thực hiện dự án 3, RPMU) và Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU) đều khẳng định việc nhận tiền là theo chỉ đạo của cấp trên và cho biết số tiền đó để chi chung cho hoạt động của dự án như hội họp, thưởng Tết, nghỉ mát…

Bị cáo Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc ) cho rằng cáo trạng buộc tội nhận 100 triệu đồng là “chưa chính xác”. Lục khai Tết 2010, khi đó Lục đã chuyển khỏi RPMU được 5 tháng, Bằng đến nhà chúc Tết và để lại một túi quà có tiền trong đó. “Bị cáo nghĩ Bằng đến chúc Tết trên phương diện tình cảm thôi” - bị cáo Lục khai.

Khi chủ tọa hỏi vặn: “Việt Nam thuê phía Nhật tư vấn thiết kế thì phải trả tiền phía Nhật. Tại sao bị cáo lại nói dự án nào họ cũng phải chuyển tiền? Nếu người ta đưa tiền cho mình, bị cáo nhận thức đó là tiền gì?”. “Bị cáo nhận thức đó là nhà thầu chi trả tiền chi phí thuê hội trường, chi phí tổ chức hội thảo...” - bị cáo Lục đáp.

Trong khi đó, bị cáo Trần Quốc Đông khăng khăng chối tội. “Dịp Tết, khi Bằng đưa 30 triệu đồng, bị cáo nghĩ theo phong tục người Việt Nam, người thân quen có biếu quà nhau là phổ biến nên bị cáo nhận, không suy nghĩ gì cả” - bị cáo này lý giải.

Bước vào phần tranh luận vào chiều cùng ngày, các luật sư bào chữa cũng tập trung vào quan điểm cho rằng các bị cáo không lợi dụng chức vụ; số tiền 11 tỉ đồng để chi cho các hoạt động chung chứ không “tư túi”. Còn số tiền biếu với tiền chia chác cho nhau thì người nhận không hề biết đó là tiền “lót tay”.

Hôm nay (27-10), phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

Đề nghị mức án cao nhất 13 năm tù

Kết thúc phần thẩm vấn chiều cùng ngày, VKSND TP Hà Nội đề nghị mức án với các bị cáo:

Phạm Hải Bằng: 11-13 năm tù giam, truy thu hơn 3,6 tỉ đồng.

Nguyễn Nam Thái: 10-12 năm tù giam, truy thu hơn 2,8 tỉ đồng.

Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc RPMU: 6-8 năm tù giam, truy thu 100 triệu đồng (đã nộp).

Trần Quốc Đông, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU: 7-9 năm tù giam, truy thu 30 triệu đồng (đã nộp).

Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Giám đốc RPMU: 7-9 năm tù giam, truy thu 50 triệu đồng.

Phạm Quang Duy, nguyên Phó Giám đốc RPMU: 8-10 năm tù giam; truy thu hơn 2,3 tỉ đồng.

Theo Nguyễn Quyết/Người lao động

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này