SOS tình trạng sử dụng rượu, bia quá độ

06:38 | 24/10/2015
Mỗi năm, người dân Việt Nam tiêu thụ hơn 3 tỉ lít bia và gần 68 triệu lít rượu. Chi phí cho việc uống rượu, bia của người dân khoảng 3 tỉ USD/năm. Trong khi mức tiêu thụ rượu bia trên phạm vi toàn cầu suốt cả thập kỷ qua hầu như không thay đổi thì tại Việt Nam con số này liên tục gia tăng, đặc biệt ở nhóm trẻ vị thành niên, thanh niên.
Con trai say rượu đâm cả nhà
Hà Nội: Phát động chiến dịch “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”

Kỷ lục buồn

Trước thông tin Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ rượu, bia hàng đầu thế giới được đưa ra tại buổi tọa đàm “Tác hại của rượu, bia và giải pháp” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tổ chức HealthBridge Canada thực hiện, khiến nhiều người không khỏi giật mình. Theo báo cáo của tổ chức HealthBridge, Việt Nam có tới 57,72% hộ gia đình thường xuyên dùng rượu, bia và những gia đình giàu có, học vấn cao thì tiêu thụ rượu, bia càng lớn. Thậm chí, nhiều gia đình còn coi loại đồ uống này là một trong những danh sách chi cho thực phẩm thường xuyên, chứ không chỉ được sử dụng trong các dịp lễ, tết, hội hè…khiến cho mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt tăng lên. Năm 2005, mức tiêu thụ bình quân đồ uống có cồn của người Việt Nam trưởng thành chỉ 3,8 lít/người, thì còn số này tăng lên 6,6 lít/người chỉ một năm sau đó. Đây là một con số thực sự đáng báo động.

SOS tình trạng sử dụng rượu, bia quá độ
Tuyên truyền, giáo dục được xem là giải pháp quan trọng hạn chế tình trạng uống rượu, bia.

Chia sẻ về thông tin Việt Nam “lọt top” các quốc gia sử dụng rượu, bia lớn nhất thế giới, bác sĩ Tiến Đoàn, Phòng khám đa khoa Tâm Phúc (Hà Nội), cho rằng, người vui nhất có lẽ là các nhà sản xuất, các nhà phân phối, bán lẻ rượu, bia khi lợi nhuận đổ vào túi họ ngày một nhiều. Còn với những người đã và đang sử dụng rượu, bia và các cơ quan chức năng phải gánh chịu hậu quả. Bởi lẽ, tác hại của rượu, bia đến cuộc sống gia đình là rất lớn, nó không chỉ là một trong những nguyên nhân khiến số vụ tại nạn giao thông, bạo hành gia đình tăng lên, mà còn khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh nghèo khó.

Bà Hoàng Anh, Giám đốc HealthBridge, đưa ra rất nhiều vấn đề liên quan đến việc sử dụng rượu, bia, đặc biệt là việc lạm dụng thức uống có cồn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đến đói nghèo và ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội… Theo đó, tỉ lệ cũng như mức độ sử dụng rượu, bia của thanh, thiếu niên Việt Nam đang có xu hướng tăng, cụ thể có gần 80% nam và 36,5% nữ ở độ tuổi từ 14 - 25 có sử dụng rượu bia (năm 2008) tăng 10% với nam và 8% với nữ so với năm 2003. Trong đó có 60,5% nam và 22% nữ đã từng uống say. Có đến 66,8% người lái xe mô tô và 36% người lái xe máy nhập viện vì chấn thương do tai nạn giao thông, có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép, 1/3 các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở nước ta là do rượu bia. Rượu, bia cũng là nguyên nhân lớn gây ra khoảng 33,7% các vụ bạo lực gia đình, thống kê vào năm 2010.

Với những con số trên nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một kỷ lục buồn và mức tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam đã thực sự báo động đỏ.

Đâu là giải pháp

Theo chuyên gia kinh tế T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để giảm thiểu việc sử dụng rượu, bia tại Việt Nam, cần tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần quản lý chặt chẽ hơn việc dùng tiền ngân sách để chiêu đãi rượu, bia, thậm chí nghiêm cấm sử dụng rượu mạnh trong các buổi tiệc chiêu đãi có sử dụng tiền ngân sách.

Theo chuyên gia kinh tế T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để giảm thiểu việc sử dụng rượu, bia tại Việt Nam, cần tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần quản lý chặt chẽ hơn việc dùng tiền ngân sách để chiêu đãi rượu, bia, thậm chí nghiêm cấm sử dụng rượu mạnh trong các buổi tiệc chiêu đãi có sử dụng tiền ngân sách. “Nhà nước nên xem xét việc tăng giá bán rượu, bia, kiểm soát nghiêm ngặt việc nấu rượu thủ công ở nông thôn; vận động thanh niên, sinh viên giảm hẳn uống rượu bia, giảm thời gian ngồi quán nhậu, cấm quảng cáo rượu bia trên truyền hình”, ông Doanh nói.

Cùng chung quan điểm với T.S Lê Đăng Doanh, luật sư Lê Thị Hà (đoàn luật sư T.P Hà Nội) cho rằng, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều quy định, giải pháp nhằm quản lý, phòng chống tác hại của rượu, bia. Nhà nước cũng không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng rượu, bia và mọi người có quyền được bảo vệ khỏi ảnh hưởng bởi tác hại của việc lạm dụng rượu, bia…được thể hiện chi tiết tại Quyết định 244 về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn được ban hành ngày 12/2/2014. Theo luật sư Hà, mặc dù các giải pháp được đưa ra khá chi tiết, tuy nhiên trong công tác quản lý vẫn còn nhiều khoảng trống, chế tài xử lý chưa đủ mạnh.

Khoảng trống mà luật sư Hà đề cập chính là ở khâu quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia; khoảng trống trong quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, trong việc sử dụng rượu, bia trên truyền hình, cũng như việc quy định giới hạn tuổi, số lượng được bán. “Cần tăng cường thực hiện và kiểm tra, xử lý vi phạm quy định cấm sử dụng rượu bia trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân… Về lâu dài, để giải quyết triệt để vấn nạn rượu, bia, bên cạnh việc tăng mạnh các biện pháp chế tài, xử lý đối với người sản xuất, người bán và người sử dụng, thì việc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân, được xem là giải pháp triệt để và hiệu quả nhất”, luật sư Hà chia sẻ.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này