Vấn nạn giải quyết mâu thuẫn bằng axít: Cần xử lý cả người bán

13:01 | 22/10/2015
Việc dùng a xít để giải quyết chuyện tình cảm, mối tư thù cá nhân không phải là chuyện mới. Thế nhưng, mới đây khi câu chuyện về hai sinh viên bị tấn công bằng axít đã thực sự tạo nên sự phẫn uất với nhiều người. Kẻ ác có thể ở tù, nhưng nỗi đau mà nạn nhân phải gánh chịu sẽ theo họ đến suốt cuộc đời... Nhiều ý kiến cho rằng, các biện pháp chế tài cho hành vi này chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, pháp luật cần tăng mạnh biện pháp xử lý để chấm dứt hành vi tàn độc này.
Bị tạt a xít vì nhắn tin với bạn mới quen
Đại gia đất Cảng bị tạt a xít trên xe Lexus
Đồng Tháp: 4 cán bộ, giáo viên bị tạt a xít

Không chỉ là nỗi đau thể xác

Câu chuyện hai nữ sinh viên trường Cao đẳng Công thương, TP.HCM bị tạt axít, sau khi bị từ chối tình cảm vừa qua khiến nhiều người bất bình. Với axít, mọi người có thể dễ dàng nhận thấy tác hại hủy diệt ghê gớm của chất độc này. Thậm chí đó còn là những tổn thương khủng khiếp về tâm lý, ám ảnh người bị hại đến suốt cuộc đời.

Chị Lê Thị Kim T. (ở Cầu Giấy, Hà Nội), từng có gương mặt đẹp, nhưng chỉ vì một chút ghen tuông của người chồng cũ mà chị đã trở thành nạn nhân phải gánh chịu nỗi đau axít. Sau khi bị chồng ra tay hủy hoại nhan sắc bằng axít, chị T. rơi vào khủng hoảng, thậm chí nhiều lần chị đã nghĩ đến cái chết để mong thoát khỏi nỗi đau. Trong lúc khó khăn, bấn loạn, chị nhận được nhiều sự động viên, chia sẻ của gia đình, bạn bè cả về vật chất lẫn tinh thần. Chị chia sẻ, mỗi lần phẫu thuật là một lần đau đớn vô cùng, nỗi đau về thể xác có thể chịu đựng được nhưng nỗi đau về tâm hồn thì không biết bao giờ mới nguôi ngoai, nếu không phải vì gia đình, vì người thân, có lẽ chị đã không sống được đến bây giờ. Chính nghị lực phi thường ấy, giờ đây chị T. đã có được hạnh phúc trọn vẹn bên tổ ấm mới.

Vấn nạn giải quyết mâu thuẫn bằng axít: Cần xử lý cả người bán
Nạn nhân của axít sẽ phải mang theo nỗi đau đến cuối đời

Không phải nạn nhân axít nào cũng may mắn và có nghị lực mạnh mẽ để vượt qua nghịch cảnh như chị T. Sau khi bị tạt axít nhiều người lâm vào cảnh sống không đành mà chết cũng chẳng xong. Di chứng nỗi đau về thể xác, về tinh thần theo họ đi suốt quãng đời còn lại, khiến cuộc sống của những nạn nhân này rơi vào đường cùng, họ sống mà như chết.

Cách đây không lâu, chị Chu Thị Hương (SN 1989, Kim Bảng, Hà Nam), sau khi chồng mất, chỉ vì hiểu nhầm mà chị bị tạt axít khiến sức khỏe giảm sút đến 62%, nỗi đau khiến người phụ nữ trẻ từng nhiều lần muốn tự vẫn thoát khỏi sự đau đớn, cùng cực của cuộc đời. Hay xa hơn là câu chuyện năm 2013, khi 6 người trong cùng một gia đình ở TP. Hồ Chí Minh cùng bị tạt axít, khiến dư luận chấn động. Nguyên nhân của tất cả những nỗi đau ấy, có thể chỉ là những xích mích đơn thuần, sự va chạm nhỏ nhặt, là sự giận hờn, oán trách tình cảm... Nhiều người đặt ra câu hỏi, đây là sự tha hóa, biến chất của một bộ phận con người hay là bởi pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe?.

Cần tăng chế tài xử lý

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, một trong những đặc thù mà nạn nhân axít thường gặp phải đó chính là bị hủy hoại dung nhan, khiến họ bị ám ảnh khủng khiếp gây ảnh hưởng đến tâm lý, thể xác. A xít thường gây bỏng lan rộng và sâu xuống toàn lớp da, nên nạn nhân phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Hậu quả thường để lại những vết sẹo xấu, sẹo biến dạng, sẹo co rút… khiến khuôn mặt bị hủy hoại, biến dạng, ảnh hưởng đến các giác quan làm nạn nhân đau đớn cùng cực. Vì thế, họ rất cần sự cảm thông, chia sẻ của gia đình, bạn bè. Thế nhưng, nếu sự quan tâm không khéo léo dễ dẫn đến phản ứng ngược, khi đó, nỗi đau sẽ tăng thêm. Thời điểm khi mới xảy ra sự việc hay trong giai đoạn điều trị, nạn nhân rất cần có sự đồng hành của các bác sĩ, các chuyên gia tâm lý để ổn định tinh thần, hạn chế nỗi đau, sự sang chấn tâm lý.

Trước vấn nạn giải quyết mâu thuẫn bằng axít, luật sư Đăng Sơn (văn phòng luật Đăng Sơn) cho biết, hung thủ khi bị bắt thường bị khép vào hai tội danh “cố ý gây thương tích” và “giết người”. Tuy nhiên, mục đích của thủ phạm thường là hủy hoại dung nhan nạn nhân, bởi vậy họ thường bị xử theo tội cố ý gây thương tích. Theo điều 104 Bộ luật Hình sự, tội danh này bị xử lý mức án cao nhất là chung thân. Thế nhưng trên thực tế, hầu hết nạn nhân bị tạt axít sau đó đều bị chết về hành vi này. Vì thế, mục đích của người phạm tội và quy định pháp luật hiện nay lại khác nhau, nên không đảm bảo được tính răn đe.

Luật sư Sơn cũng cho biết thêm, tội cố ý gây thương tích cần phải xét theo mức độ thiệt hại (thiệt hại tinh thần là không thể đo đếm được). Bên cạnh đó trong các vụ án chỉ thấy xét xử hung thủ mà không truy tố trách nhiệm của những người sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất axít. “Muốn thực hiện hành vi tạt a xít cần phải có axít, trong khi đó ở Việt Nam mua axít lại quá dễ, muốn loại bỏ tận gốc vấn đề này cơ quan chức năng cần phải tăng cường quản lý đối với cơ sở sản xuất, mua bán, vận chuyển. Đặc biệt, pháp luật cần tăng chế tài xử lý hoặc có thể sửa đổi cho phù hợp, thậm chí có thể truy tố người mua bán, vận chuyển, tàng trữ chất axít vào tội đồng phạm, như thế mới đủ sức răn đe”, luật sư Sơn nói.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này