Tín dụng tiêu dùng: Tiềm năng lớn, rủi ro cao

10:08 | 22/10/2015
Thời gian qua, thị trường tín dụng tiêu dùng chứng kiến nhu cầu của khách hàng ngày một tăng. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng đều chỉ mới cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng hoặc cho vay với các khoản chi tiêu lớn như mua xe, mua nhà, sửa nhà... Các khách hàng có nhu cầu vay món nhỏ hoặc không chứng minh được thu nhập rất khó tiếp cận vốn nếu như không có các công ty tài chính tiêu dùng.
Phân bổ 100 tỷ đồng vốn vay tín dụng ưu đãi đợt II
8 tháng đầu năm 2015, tín dụng tăng trưởng 9,54%

Cơ hội mới cho người vay

Tín dụng tiêu dùng là một hình thức khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là ở một số nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, hình thức này còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Theo đó, tín dụng tiêu dùng là hình thức tín dụng mà công ty, tổ chức cấp cho khách hàng nhằm mục đích tiêu dùng. So với tín dụng doanh nghiệp, tín dụng tiêu dùng có một số đặc điểm khác biệt như giá trị khoản vay nhỏ do mục đích sử dụng khoản vay thường là mua sắm tài sản thường ngày hoặc đầu tư kinh doanh nhỏ. Vì nhu cầu tiêu dùng hiện hữu ở tất cả các chủ thể trong xã hội nên đối tượng khách hàng của tín dụng tiêu dùng là rất lớn. Chi phí kinh doanh cao do giá trị khoản vay nhỏ trong khi đối tượng khách hàng thường là cá nhân và có phạm vi không tập trung nên chi phí bình quân để thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ của công ty tín dụng tiêu dùng thường cao.

Tín dụng tiêu dùng: Tiềm năng lớn, rủi ro cao
Ảnh minh họa

Thực tế tại Việt Nam, hoạt động tín dụng tiêu dùng thường được thực hiện dưới dạng các khoản vay để mua tài sản tiêu dùng như xe máy, máy tính, điện thoại…So với các hồ sơ vay tại ngân hàng, các công ty cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng không yêu cầu chặt chẽ về việc chứng minh tài chính, xác minh nhu cầu tiêu dùng hoặc các thủ tục liên quan khác, thời gian giải ngân cũng nhanh hơn và trong nhiều trường hợp khi mua sắm tài sản thì giải ngân ngay sau khi ký hợp đồng.

Hiện nay, lãi suất các khoản vay tiêu dùng trên thị trường được các công ty tài chính áp dụng thường dao động từ 1,6 - 7%/tháng. Sự chênh lệch lãi suất này tùy thuộc từng đối tượng khách hàng thỏa mãn được nhiều hay ít các điều kiện cho vay. Công ty tài chính áp dụng nhiều mức lãi suất cho khách hàng dựa vào lịch sử tín dụng, khả năng chi trả của khách hàng, đặc thù sản phẩm vay… Nói một cách dễ hiểu là những khách hàng càng có nhiều thông tin chứng minh khả năng trả nợ của mình thì mức lãi suất cho vay sẽ càng thấp.

Hạn chế rủi ro

Từ ngày15/10, Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng chính thức có hiệu lực. Theo đó, cho vay tiêu dùng nằm trong danh mục dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Điều này có nghĩa, trước khi áp dụng các hợp đồng vay vốn cá nhân, các tổ chức phải đăng ký và được cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ở trung ương hoặc địa phương chấp nhận mới được áp dụng ký kết với người tiêu dùng. Những quy định mới này sẽ khiến thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hoạt động minh bạch hơn.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, khi có nhu cầu vay tiền, người tiêu dùng cần lưu ý tham khảo các hình thức tín dụng tại các ngân hàng. Nếu không còn lựa chọn nào khác mới tham khảo hình thức tín dụng tiêu dùng tại các tổ chức tài chính. Lựa chọn các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay có uy tín. Tham khảo, hỏi ý kiến người thân, bạn bè hoặc tham khảo thông tin trên mạng Internet để xem các đánh giá của cộng đồng người tiêu dùng về dịch vụ, uy tín của công ty cung cấp dịch vụ. Đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, đặc biệt lưu ý các điều khoản vể lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt. Lưu ý và cẩn trọng khi cung cấp các thông tin cá nhân của mình và của người khác cho bên cung cấp dịch vụ.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, người tiêu dùng cần lưu giữ tất cả hóa đơn, tài liệu liên quan, bao gồm: Hợp đồng, các tài liệu hướng dẫn do công ty cung cấp, các hóa đơn nộp tiền và các tài liệu liên quan khác để làm chứng cứ cho các hoạt động của mình.Nếu có vấn đề phát sinh hoặc thắc mắc, cần chủ động liên hệ trực tiếp theo số máy điện thoại được cung cấp trên hợp đồng của công ty. Trường hợp đã phản ánh, liên hệ nhưng vấn đề chưa được làm rõ hoặc giải quyết, cần phản ánh tới bên thứ ba (các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các Sở Công thương trên địa bàn hoặc Cục QLCT) để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

P.Thắng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này