Chào mừng đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI

Kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới: Kinh tế, xã hội tăng trưởng cao

13:30 | 20/10/2015
Chỉ còn 10 ngày nữa, Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI sẽ diễn ra. Đây được coi là đại hội có tính chất bước ngoặt mở ra thời kỳ mới để Hà Nội sớm về đích trên con đường  công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH- HĐH), xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp. Trước thềm Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI, LĐTĐ điểm lại những thành tích đã đạt trên mọi lĩnh vực của nhiệm kỳ Đại hội XV.
Bộ Chính trị cho ý kiến về việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội

Nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV (2010- 2015) diễn ra trong bối cảnh thành phố thực hiện nghị quyết của Quốc hội về mở rộng hành chính chưa lâu; điều đó có nghĩa Đảng bộ, chính quyền TP phải vượt qua rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ TP, sự điều hành năng động của UBNDTP và các cấp, cũng như sự đồng tâm, hợp lực của toàn thể nhân dân Thủ đô, kinh tế TP giai đoạn 2010 - 2015 vẫn đạt kết quả như NQ đề ra.

Từ những mục tiêu trong Nghị quyết

Năm 2010 là năm kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng vừa bước ra khỏi suy thoái kinh tế toàn cầu 2008, tuy nhiên NQ Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV vẫn đề ra những chỉ tiêu khá cao về phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2010- 2015. Theo đó, một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2015 như: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2011- 2015 đạt 12 -13%/năm; trong đó dịch vụ: 12,2-13,5%/năm, công nghiệp - xây dựng 13,0-13,7%/năm, nông nghiệp 1,5-2%/năm.

Kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới: Kinh tế, xã hội tăng trưởng cao
Hạ tầng giao thông đô thị ngày một hiện đại

Về cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm 54-55%; công nghiệp - xây dựng chiếm 41- 42%; nông nghiệp chiếm 3,0 -4,0%. Phấn đấu, GRDP bình quân/người đạt 4.100-4.300 USD (tính theo mệnh giá 20.000 đồng/USD); Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2011-2015 đạt từ 1.400-1.500 nghìn tỷ đồng (tăng trung bình 17,5-18,5%/năm); tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân 14-15%/năm; tỷ lệ trường (MN, TH, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia 50-55%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế 100%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 40%; số lao động được giải quyết việc làm mới hàng năm 140 -145 nghìn người; giảm hộ nghèo bình quân 1,5-1,8%/năm; giảm tỷ lệ sinh bình quân 0,02%/năm; phấn đấu số giường bệnh/vạn dân; số bác sỹ/vạn dân: 12,5; diện tích đất xanh đô thị đạt 7-8 m2/người; tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 35- 40%; 100% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước bảo đảm vệ sinh; 100% số hộ dân ở đô thị được sử dụng nước sạch. Lượng nước sạch đô thị 180-200 lít/người/ngày đêm; 100% rác thải được thu gom và xử lý trong ngày; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị xử lý chất thải; trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải rắn nguy hại và 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn; Bình quân kết nạp 10.000 đảng viên mới/năm; tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân hàng năm trên 70%.

Để đạt được những mục tiêu trên, NQ đã đề ra một số giải pháp trọng tâm đó là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân từ 12-13%/năm.Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, tích cực hội nhập, mở rộng liên kết kinh tế, đẩy mạnh xã hội hóa. Tăng cường công tác quản lý đô thị, nhất là các lĩnh vực: Trật tự, an toàn giao thông; trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị; vệ sinh môi trường, xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp. Gắn quản lý, xây dựng, trật tự đô thị với quản lý đất đai, môi trường và dân cư trên địa bàn…

Đến những thành tựu kinh tế

Nhìn lại nhiệm kỳ 2010 - 2015, theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, có đến 15/19 chỉ tiêu Đại hội XV đặt ra được thực hiện hoàn thành kế hoạch. Trong đó, 4 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức là xây dựng nông thôn mới (đạt hơn 43% tổng số xã); tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực ngoại thành; tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân tăng lên 21,3; tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân tăng lên 11,5... Có 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch gồm tăng trưởng GRDP; GRDP bình quân đầu người; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng. Trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới phức tạp, suy thoái kinh tế kéo dài, đặc biệt những diễn biến phức tạp trên biển Đông đã tác động xấu đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị thì tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm của Hà Nội tăng 9,23% là sự nỗ lực rất lớn (mục tiêu đặt ra là 12-13%). Tuy nhiên, GRDP của Hà Nội gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước; bình quân thu nhập đầu người 3.600 USD, gấp 1,8 lần so với năm 2010. Quy mô GRDP năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục tăng trưởng và chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 54%; công nghiệp- xây dựng chiếm 41,5% và nông nghiệp 4,5%. Điều đáng nói, dù tỷ lệ nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế có xu hướng giảm, song tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp vẫn đạt 2,4%/năm cao hơn mục tiêu đề ra, đạt giá trị 231 triệu đồng/ha canh tác, tăng 1,24 lần so với năm 2010. Đã có nhiều cánh đồng sản xuất lúa, hoa, cây ăn quả đạt giá trị từ 1- 2 tỷ đồng/ha. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt và vượt dự toán. Từ 2011-2015, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 714,5 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 7,1%/năm. Chi ngân sách địa phương gần 273 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân 7,7%/năm, bảo đảm cân đối chi thường xuyên và ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển. Trong đó, chi đầu tư phát triển bằng 45,04%, chi thường xuyên bằng 52,38% tổng chi ngân sách. Nhiệm kỳ qua, Hà Nội tự hào khi dân số chỉ chiếm 8% của cả nước, nhưng hằng năm đang đóng góp cho quốc gia khoảng 10% tổng sản phẩm quốc gia, 20% ngân sách; 20% giá trị xuất khẩu.

Đặc biệt, nhiệm kỳ 2010-2015 là nhiệm kỳ TP thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính, dân số làm nông nghiệp tăng đột biến, nhưng chính nông nghiệp - nông thôn lại là điểm sáng trong bức tranh kinh tế- xã hội TP. Trong 5 năm, TP đã huy động bình quân khoảng 5.800 tỷ đồng/năm cho đầu tư xây dựng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư. Hệ thống đê kè, thuỷ lợi, giao thông nông thôn v.v... được củng cố, nâng cấp. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở được bê tông hóa đạt 100%; đường trục thôn và liên thôn được bê tông hóa đạt 95%. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân Thủ đô được cải thiện, nhiều vùng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tiếp tục tăng lên, năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng/người/năm, gấp 2 lần so với năm 2011. Tỷ lệ các hộ có nhà kiên cố và khang trang, có truyền hình, điện thoại cố định và kết nối internet ngày càng tăng. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,2% năm 2011 xuống còn khoảng 2% năm 2015. Dự kiến đến cuối năm 2015, toàn thành phố có 166/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43% tổng số xã (cả nước đạt 20%). Việc dồn điền, đổi thửa đạt trên 97% những diện tích có thể dồn điền đổi thửa, tạo tiền đề phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Song song với thành tựu phát triển kinh tế, TP đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; cải tạo, hạ ngầm hệ thống cáp điện và thông tin liên lạc. Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải: các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm; các tuyến đường, các trục chính đô thị và các tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn Thủ đô; phát triển nhiều công trình lớn, hiện đại, như: Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài; đường vành đai 3, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù và hoàn thành 7 cầu vượt, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô. Triển khai thi công các tuyến đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - ga Hà Nội; nghiên cứu đề xuất, triển khai tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng điện, cấp thoát nước, đầu tư trang thiết bị, cơ sở phòng cháy, chữa cháy. Hoàn thành dự án thoát nước giai đoạn 2, một số nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động, đã góp phần cải thiện môi trường.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này