“Lùm xùm” ở các chung cư: Người dân chịu thiệt

13:44 | 15/10/2015
Từ đầu tháng 7 đến nay, hàng nghìn người dân như ngồi trên đống lửa trước thông tin nhiều dự án bất động sản (BĐS) nợ tiền sử dụng đất bị cơ quan thuế công khai trên báo chí. Doanh nghiệp chây ì trách nhiệm tài chính khiến nhiều khách hàng đứng trước nguy cơ bỏ tiền tỷ để mua nhà mà không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất (hay còn gọi là sổ đỏ). 
Đề xuất miễn tiền sử dụng đất đối với dự án cải tạo chung cư cũ
Vụ cháy tại chung cư Xa La: Đủ cơ sở xem xét khởi tố vụ án
Giật mình sau những vụ cháy nổ tại chung cư

Tình trạng doanh nghiệp nợ thuế sử dụng đất không phải bây giờ mới được nhắc đến. Khoảng 6-7 năm trở lại đây, khi thị trường BĐS bắt đầu đi xuống, giao dịch chững lại, CĐT, doanh nghiệp kinh doanh đều thiếu vốn, nợ đọng lẫn nhau. Việc vay ngân hàng khó khăn, nên giải pháp của các doanh nghiệp là nợ thuế, vì đây là khoản nợ có thể hoãn được. Có rất nhiều lý do được các CĐT đưa ra để biện minh cho hành vi chậm nộp thuế sử dụng đất đối với các dự án, nhất là các dự án nhà ở. Trong đó, đáng kể nhất là lý do tình hình tài chính, kinh doanh BĐS khó khăn khiến doanh nghiệp không có nguồn tiền lưu thông để nộp thuế. Thực tế có nhiều dự án đang triển khai, thậm chí đã bán hết nhưng không nộp thuế sử dụng đất.

“Lùm xùm” ở các chung cư: Người dân chịu thiệt
Nhà chung cư cao tầng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đô thị hiện đại.

Theo ông Lê Thanh Nam, Trưởng phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chỉ dự án nào đã hoàn thành trước năm 2013 thì mới xem xét, giải quyết cấp sổ đỏ. Những dự án sau thời gian này mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất thì không giải quyết, như vậy chịu thiệt thòi vẫn là người dân, những người đã bỏ cả tỷ đồng để mua “rắc rối” về mình.

Theo số liệu từ Cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) thành phố Hà Nội, tính đến quý II/2015, toàn thành phố có 891 công trình nhà cao tầng, trong số 779 công trình đã đưa vào sử dụng thì có 60 công trình chưa được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, 121 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy và trong số đó rất nhiều công trình đã đưa dân vào ở từ nhiều năm nay.

Luật PCCC quy định rất rõ về trách nhiệm của CĐT đối với việc từ khi lập hồ sơ thiết kế cho đến quá trình thi công, kiểm tra, nghiệm thu, khi nào đủ các điều kiện mới được phép cho người vào ở hoặc đưa công trình vào sử dụng. Thế nhưng, bất chấp cảnh báo từ lực lượng cảnh sát PCCC, nhiều CĐT vẫn “phớt lờ” việc thực hiện trách nhiệm trên(!?).

Có thể nhìn thấy rõ điều này từ sau vụ cháy ở tòa nhà CT4 Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông, Hà Nội). Sở PCCC Hà Nội (PC66) khẳng định tòa nhà CT4 Khu đô thị Xa La đã có thẩm định nhưng chưa được nghiệm thu về phương án PCCC. Đại tá Nguyễn Văn Sơn Phó giám đốc Sở cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, trước khi vụ cháy xảy ra, tháng 11/2014, đoàn liên ngành TP Hà Nội đã tiến hành thanh, kiểm tra tại đây, và phát hiện nhiều vi phạm, đặc biệt toàn bộ hệ thống PCCC của các tòa nhà chưa được nghiệm thu. Chúng tôi đã mời CĐT lên công bố các nội dung vi phạm, sau đó lập biên bản xử phạt và yêu cầu khắc phục. Tuy nhiên đến nay CĐT vẫn chưa khắc phục và để xảy ra cháy khiến nhiều hộ dân phải gánh hậu quả nặng nề.

Rõ ràng, khi có rủi ro xảy ra, khách hàng sẽ là người gánh chịu mọi hậu quả. Vì vậy, trước khi mua nhà ở bất cứ dự án nào, khách hàng cần yêu cầu CĐT cung cấp các giấy tờ chứng minh việc đã hoàn tất nghĩa vụ với Nhà nước đủ điều kiện PCCC. Các cơ quan chức năng cũng cần nêu tên các DN không đảm bảo yêu cầu chất lượng, như Cục Thuế thông báo danh sách các DN nợ thuế đất để người dân được biết và phòng tránh.

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này