Tham gia TPP: Cơ hội và thách thức

11:41 | 08/10/2015
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau nhiều năm đàm phán cam go, cuối cùng cũng đã được Bộ trưởng 12 nước thành viên cơ bản, hoàn tất chu trình đàm phán tại Hoa Kỳ vào ngày 5/10. Những việc còn lại chỉ lắp ghép các yếu tố kỹ thuật, trước khi trình lên Quốc hội các quốc gia thành viên để thông qua. Với tư cách là nước sáng lập, theo đánh giá Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ TPP, tuy nhiên thách thức mang đến cũng không nhỏ.
Hiệp định thương mại EVFTA cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU
Việt Nam - Hàn Quốc chính thức ký Hiệp định thương mại tự do

Trao đổi với PV ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Kinh Bắc, đại biểu Quốc hội cho biết, tham gia TPP không những là cứu cánh cho thương mại Việt Nam mà còn là cơ hội để chúng ta hoàn thiện thể chế để đáp ứng các yêu cầu do TPP đặt ra. Cái hay của TPP khác Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khi hiệp định chính thức có hiệu lực, các quy định về luật chơi thương mại lập tức có hiệu lực. Vì vậy, các doanh nghiệp nếu có tầm nhìn tốt sẽ đón nhận cơ hội ngay tức thì. Tuy vậy, sức ép cạnh tranh từ TPP mang lại cũng cực lớn, khi chúng ta hầu như phải “mở toang” thị trường, hạn chế tối đa bảo hộ.

Tham gia TPP: Cơ hội và thách thức
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Sau khi TPP được các Bộ trưởng Kinh tế; Thương mại của 12 quốc gia thành viên tuyên bố kết thúc đàm phán, mấy giờ sau đó tại Hà Nội, công ty nghiên cứu Eurasia Group đã ra một bản thông cáo nhận xét rằng tham gia TPP Việt Nam là một trong số những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất. Công ty này dự báo, TPP có thể sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 11%, xuất khẩu tăng thêm 28% trong thời gian từ nay đến năm 2025. Đơn cử như ngành thủy sản, Việt Nam được lợi từ việc bãi bỏ thuế nhập khẩu các mặt hàng tôm, mực và cá ngừ. Hiện nay, thuế đánh vào các mặt hàng này dao động từ 6,4-7,2%. Các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều về thuế và thị trường. Nói ngắn gọn, TPP sẽ mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sân chơi thương mại rộng lớn nhưng lại “dễ thở” chưa từng có trong lịch sử với nhiều ưu đãi thuế quan. Tuy vậy, vấn đề đặt ra chúng ta có tận dụng cơ hội do TPP mang lại để phát triển hay không.

Nếu cuối năm nay TPP được Quốc hội các nước thông qua, xét về ngắn hạn đối với các doanh nghiệp mang thương hiệu 100% madein Vietnam vẫn chưa thích ứng kịp. Ví dụ điển hình, theo số liệu của Bộ Kế hoạch- Đầu tư, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước 9 tháng ước đạt gần 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014 và đạt 73,2% kế hoạch năm; tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đạt 124,6 tỷ USD, tính chung nhập siêu vẫn ở mức 3,9 tỷ USD. Điều đáng lo ngại, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục xuất siêu 8,8 tỷ USD không kể dầu thô thì khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục nhập siêu 15,8 tỷ USD. Những nhóm hàng nông lâm, thủy sản giảm tới 9,9%, thì các mặt hàng của các DN FDI lại xuất khẩu tăng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị lớn, song buồn vì những mặt hàng chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê.. ngày càng teo dần về thị trường và giá trị, trong khi các sản phẩm gia công, hoặc các sản phẩm 100% của nước ngoài lại liên tục tăng cao. Chuyên gia này dẫn số liệu của Chính phủ chứng minh: Năm 2014, xuất khẩu khu vực FDI tăng lên con số 93,96 tỷ USD, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Với quy mô chỉ một doanh nghiệp, hãng Samsung năm nay dự kiến sẽ xuất khẩu 30 tỷ USD hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam.

TPP gồm 12 quốc gia thành viên: Mỹ, Canada, Chile, Peru, Mehico, Úc, Nhật, New Zealand, Malaysia, Brunei, Singapore, Việt Nam với tổng GDP 30 nghìn tỷ USD, chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu.

Ngay như sản phẩm dệt may, một sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong thời gian qua, và hiện các nhà đầu tư đang đổ hàng tỷ USD vào Việt Nam để hưởng lợi nguồn gốc xuất xứ nhưng cơ chế TPP sẽ quản lý nguồn cung nguyên liệu rất chặt nên cũng không dễ ăn. Tuy vậy, với việc tận dụng nguồn gốc xuất xứ từ các quốc gia thành viên khi xuất khẩu trong thị trường TPP, Việt Nam sẽ là mảnh đất để các nhà đầu tư nước ngoài đến “canh tác”. Mâu thuẫn sẽ nảy sinh: Xét về tổng thể, Việt Nam sẽ thu hút được rất lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động; đi kèm đó xuất khẩu cũng tăng lên. Nhưng xét về mặt đóng góp ngân sách và hưởng lợi từ giá trị gia tăng các sản phẩm của các DN nước ngoài được lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam thì mang lại giá trị không lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đa số là DN vừa và nhỏ sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt với các DN nước ngoài trong cuộc “chạy đua” xuất khẩu.

TPP chỉ mang lại hiệu quả xét dưới góc độ kinh tế, thương mại khi và chỉ khi các các sản phẩm chủ lực của Việt Nam, do chính người Việt Nam sản xuất, nuôi, trồng tại Việt Nam như nông, hải sản; đồ thủ công mỹ nghệ; mặt hàng thực phẩm liên tục gia tăng về mặt giá trị, còn cứ “teo tóp” dần như mấy năm qua, không khéo TPP thành đất sống cho các DN nước ngoài. Khi đó, GDP có tăng 10 hay 11% như dự báo cũng không có ý nghĩa. Vì biết đâu, mức tăng đó nhờ công sức làm ra của cả triệu công nhân lao động đang làm cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài, chứ không phải công sức của mấy chục triệu con người của chúng ta làm ra của cải cho chính chúng ta.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này