Tiết học theo mô hình trường học mới VNEN

14:25 | 03/10/2015
Học sinh ngồi theo năm nhóm, thảo luận kiến thức, phần nào chưa hiểu thì nhờ cô hỗ trợ... là cách học theo mô hình trường học mới VNEN.
Tổ chức bộ máy "Hội đồng tự quản học sinh" theo mô hình VNEN
Sĩ số đông vẫn có thể áp dụng VNEN

9h10, tiết học Toán theo mô hình trường học mới VNEN của lớp 4B trường Tiểu học Nam Từ Liêm (Hà Nội) bắt đầu. Lớp học rộng rãi với bàn ghế được xếp thành năm nhóm, mỗi nhóm 6 học sinh. Do bàn ghế được xếp thành hình chữ U nên lớp có một khoảng không khá rộng.

Trước khi vào học, ban văn nghệ cho lớp khởi động bằng tiết mục múa hát vui nhộn ở khoảng rộng giữa lớp. Sau đó, học sinh phụ trách học tập kiểm tra bài cũ các bạn. Những câu hỏi được đưa ra và nhiều em giơ tay trả lời.

hs1-9379-1443795176.jpg
Bàn ghế của lớp học được kê 5 nhóm theo hình chữ U. Ảnh: Lan Hạ

Cô Nguyễn Thị Trường, giáo viên dạy Toán bắt đầu giới thiệu bài học: Giây, Thế kỷ. Không cần để cô nhắc, Chủ tịch Hội đồng tự quản sau đó cho các nhóm nêu mục tiêu bài học (đã có trong sách giáo khoa) và nêu nhiệm vụ của các bạn để hoàn thành mục tiêu đó.

Chủ tịch Hội đồng tự quản dứt lời, các nhóm bắt đầu làm việc. Sáu thành viên mỗi nhóm, ai cũng sôi nổi đưa ra ý kiến. Lớp học không còn cảnh im phăng phắc như lớp truyền thống. Đột nhiên nhóm trưởng nhóm 3 giơ mặt mếu lên báo hiệu cần sự trợ giúp của cô.

Cô Trường tiến lại gần, các em nêu những vấn đề chưa hiểu và được cô giảng giải. Cô nói vừa đủ cho nhóm nghe chứ không phải giảng bài cho cả lớp. Khoảng 5 phút, cả năm nhóm giơ hình mặt cười thể hiện đã thảo luận xong. Cô cho từng nhóm trưởng đi kiểm tra chéo phần thảo luận của các nhóm khác, sau đó đưa ra một số câu hỏi để củng cố kiến thức phần đầu tiên.

hs2-1587-1443795177.jpg
Khi thảo luận xong, nhóm trưởng sẽ giơ hình mặt cười để thông báo cho cô biết. Ảnh: H.T.

Nếu như khi thảo luận, học sinh ngồi thành vòng tròn quanh bàn thì khi cô giáo giảng, hay viết lên bảng, các em tự động thay đổi tư thế, ngồi quay về phía cô. "Như vậy các em sẽ không bị mỏi cổ", cô Trường nói.

Cứ như vậy, các mục tiêu của bài học dần được hoàn thành. Cô gọi hai học sinh lên bảng, một bạn hỏi, một bạn trả lời. Những em ít giơ tay, hay còn nhút nhát sẽ được cô gọi nhiều hơn.

"Nhóm trưởng không cố định mà luân phiên để điều hành nhóm. Tất cả học sinh sẽ được gọi để phát biểu. Như vậy, các em vừa được học cách làm việc nhóm, vừa được thể hiện bản thân. Những em học tốt sẽ có cơ hội giúp bạn yếu nhiều hơn, và em nhút nhát cũng dần tự tin hơn trong giao tiếp", cô Trường nói.

Khi tiết học gần kết thúc, cô dành thời gian để học sinh đặt những câu hỏi liên quan đến bài học. Hai học sinh sẽ trợ giúp cho cô giải đáp thắc mắc của các bạn. Một số vấn đề khó cô giảng kỹ hơn để các em hiểu rõ.

hs3-5374-1443795177.jpg
Khi thảo luận, học sinh ngồi theo vòng tròn, nhưng khi cô giảng bài thì các em tự động thay đổi tư thế, quay người về phía bảng để tránh mỏi cổ. Ảnh: Lan Hạ.

"Là người từng dạy cả phương pháp cũ và giờ dạy theo phương pháp mới, bản thân tôi thấy rất thú vị. Học sinh không còn thụ động tiếp nhận kiến thức, các em đã thực sự làm chủ kiến thức qua các hoạt động thảo luận. Khoảng cách giữa cô và trò cũng được gần hơn", cô Trường tâm sự.

Cô Ngô Thị Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, kể lại kỷ niệm sau một học kỳ áp dụng mô hình trường học mới: Sau tiết dự giờ cuối kỳ, cô cảm ơn giáo viên và học sinh thì đột nhiên một em trong lớp đứng dậy nói: "Chúng con cảm ơn cô và chúc cô luôn mạnh khỏe". Sau đó, khi cô đến trường, học sinh chạy đến nói chuyện với cô.

"Đó là những câu nói tự tin mà trước đó tôi chưa thấy ở các cháu lớp 2. Tôi nghĩ đó cũng là thành công của giáo dục", cô Thanh nói và cho biết, hiện nay trường có 4 lớp học theo mô hình VNEN, sắp tới sẽ nhân rộng để học sinh có cơ hội học tập tốt hơn, giúp các em chủ động tiếp cận kiến thức và thể hiện chính kiến.

Theo Lan Hạ/Vnexpress

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này