Không tử hình tội tham ô tài sản nếu khắc phục hậu quả

Khuyến khích người phạm tội khắc phục hậu quả

23:33 | 01/10/2015
Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tại phương án 1 mục C, điểm 3 điều 39 có ghi: Tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì sẽ không thi hành án tử hình.
Có nên bãi bỏ hình phạt tử hình?
Cựu Phó ban tổ chức Quận ủy đối diện án tử hình

Hầu hết chúng ta đều công phẫn với hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ của những người tham lam, ích kỷ, thiếu đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng chức vụ, quyền hạn dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của nhà nước, của tập thể và đáng phải nhận mức hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn rõ bản chất hành vi của loại tội phạm này là lợi dụng vị trí nghề nghiệp, chức danh, lợi dụng sơ hở trong chính sách của nhà nước, chính sách của tổ chức để thực hiện thủ đoạn mánh khóe nhằm thỏa mãn dục vọng tham lam chiếm đoạt vật chất, tiền bạc của xã hội mà vốn không phải là của mình. Hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật Việt Nam, ngoài việc tước đi mạng sống của kẻ phạm tội, còn trực tiếp gây ra những hệ lụy thương tổn tinh thần cho người thân của họ và đặc biệt là gây mặc cảm tâm lý sâu sắc cho các thế hệ huyết thống gia đình họ. Đồng thời hình phạt tử hình cũng hàm chứa răn đe và phòng ngừa tội phạm.

Khuyến khích người phạm tội  khắc phục hậu quả
Bí cáo Huyền Như bị xét xử về tội lừa đào tham ô tài sản. Ảnh minh họa

Nếu áp dụng phương án 1 sẽ mang nhiều ý nghĩa nhân đạo và xã hội. Cụ thể: Tội phạm tham nhũng là loại tội phạm có tính chất đặc biệt, luôn che đậy hành vi phạm tội, sợ cộng đồng dư luận, không trắng trợn thô bạo, hành vi phạm tội không trực diện, dã man tàn ác phi nhân tính, có khả năng cải tạo được nên không nhất thiết phải tước bỏ mạng sống của họ bằng hình phạt tử hình.

Không thi hành án tử hình không phải là một hình thức hoãn miễn hình phạt mà chỉ là giảm hình phạt, họ vẫn phải chịu mức án tù chung thân từ 20 đến 25 năm tù giam, đây cũng là hình phạt khủng khiếp với loại tội phạm tham nhũng. Với loại tội danh này những người phạm tội sau khi đã thực hiện xong án phạt tù thì thường rất ít có khả năng tái phạm và cũng rất ít cơ hội để tái phạm. Vậy để họ sống trở về với gia đình, cộng đồng xã hội sau khi mãn hạn tù cũng không còn gây nguy hiểm cho xã hội, nên không thi hành án tử hình với họ sẽ không làm giảm đi tính nghiêm khắc của luật pháp, ngược lại nó còn mang tính nhân đạo cao cả của bộ luật.

Thứ nữa, như nội dung của phương án 1 là khuyến khích tội phạm thành khẩn, nỗ lực khắc phục hậu quả thiệt hại do họ gây ra, khuyến khích họ lập công chuộc tội. Nếu vẫn tử hình họ thì vô hình chung đẩy họ vào tâm lý đường cùng đằng nào cũng chết thì chỉ khai báo những gì đã có chứng cớ rõ ràng mà cơ quan điều tra đã nắm được, không có ý thức và động cơ khắc phục hậu quả phạm tội mà họ gây ra. Nếu thực hiện phương án 1 thì nhà nước, xã hội sẽ thuận lợi trong tiến trình thu hồi tài sản của kẻ phạm tội tham nhũng, thuận lợi cho hoạt động điều tra tội phạm, giảm được số lượng thi hành án tử hình và như vậy thể hiện tính tiên tiến văn mình của Bộ luật Hình sự nước ta, phù hợp với tiêu chí hội nhập trong khi nhiều bộ luật hình sự của một số nước có nền kinh tế, văn hóa, luật pháp phát triển đã bỏ án tử hình trong cơ cấu hình phạt của họ.

Ngoài ra, nếu áp dụng phương án 1 vừa thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của pháp luật, vừa khuyến khích gia đình, người thân của người phạm tội nỗ lực cùng khắc phục hậu quả phạm tội mà người thân của họ gây ra, lại vừa không mang lại nỗi đau và sự mặc cảm tâm lý tiêu cực lâu dài cho thân tộc của người phạm tội.

Vậy theo tôi, cần ủng hộ và đồng thuận với phương án 1 tại mục C điểm 3 điều 39 dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Nguyễn Quang Lâm
Chủ tịch Công đoàn TCT TMHN

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này