Cụ thể hóa khái niệm hàng Việt

10:50 | 01/10/2015
Tại hội chợ “Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam”, bên cạnh những sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất là sự tham gia của rất nhiều các ngành hàng, mặt hàng của doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam.  Mặc dù những sản phẩm đã nhận được sự quan tâm và đón nhận của người tiêu dùng, tuy nhiên nhiều người vẫn cho rằng đó không phải là hàng Việt.
Khai mạc triển lãm Tuần nhận diện hàng Việt 2015
Tuần nhận diện hàng Việt
Tiếp tục cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt

Thay đổi Nhận thức

Tại hội chợ, “Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam” diễn ra từ 27/9 – 2/10, ông Nguyễn Tiến Cường, cán bộ hưu trí (khu tập thể Ngọc Khánh – Ba Đình, Hà Nội), cho biết: “ Tận mắt tham quan và mua sắm hàng hóa tại hội chợ các sản phẩm Việt thời gian gần đây, tôi được biết đến nhiều sản phẩm của các thương hiệu nhỏ và vừa trong nước mà trước đây ít được biết. Tôi luôn ưu tiên mua hàng Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm có chất lượng tốt mà mẫu mã đa dạng và phong phú về chủng loại.

Cụ thể hóa khái niệm hàng Việt
Nhiều mặt hàng điện tử của nước ngoài lắp ráp tại Việt Nam được nhiều người tiêu dùng lầm tưởng đó không phải là hàng Việt

Còn chị Minh Hạnh (Giảng Võ – Hà Nội) cho hay: “Thời gian gần đây, nhiều người thường chuộng các sản phẩm tiêu dùng của Thái, Singapo, đặc biệt là hàng may mặc. Các sản phẩm may mặc tại hội chợ lần này, hầu hết đều xuất khẩu đi các nước nên chất vải dầy dặn, co dãn tốt, đường kim mũi chỉ cũng cẩn thận nên tôi rất hài lòng. Chị Hạnh cho biết thêm: “ Tôi đã từng mua hàng ở những cửa hàng “Made in Vietnam” và nhận thấy nhiều cửa hàng trà trộn, hàng kém chất lượng. Các gian hàng tại hội chợ đều là sản phẩm của các công ty có uy tín nên từ chất lượng đến tem mác đều rõ ràng.”

Như vậy, ngoài việc giới thiệu các thương hiệu mạnh, thương hiệu quốc gia và các thương hiệu được người tiêu dùng tín nhiệm, hội chợ còn kết nối với các thương hiệu địa phương để giới thiệu những sản phẩm có uy tín, đạt tiêu chí đề ra. Điều này sẽ tạo tiền đề để ngày càng nhiều thương hiệu Việt được người tiêu dùng biết đến. Đây cũng là một định hướng kết nối cung cầu được Bộ Công thương chú trọng trong thời gian qua. Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, hoạt động này khởi đầu ở TP. Hồ Chí Minh, hiện đã được triển khai đến các khu vực, các địa phương trên cả nước với mục đích giới thiệu, tạo cơ hội gặp gỡ và hỗ trợ nhau giữa các doanh nghiệp và nhà phân phối lưu thông. "Trong quá trình triển khai hoạt động này, chúng tôi đã nhận được những câu hỏi từ các doanh nghiệp nước ngoài như: "Phải chăng đây là hoạt động tự đóng cửa với nhau?". Tuy nhiên, trên thực tế, mục đích của những hội chợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì thế, hội chợ sẽ ưu tiên những doanh nghiệp Việt, những mặt hàng do doanh nghiệp Việt sản xuất...", Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho hay.

Thế nào là hàng Việt?

Ghi nhận tại hội chợ, bên cạnh những sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất là sự tham gia của rất nhiều các ngành hàng, mặt hàng của doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam hoặc của các DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất tại Việt Nam. Bác Quế Mai (Cát Linh – Hà Nội) cho biết: “Mặc dù những năm gần đây những sản phẩm điện tử của Nhật, Hàn Quốc ...đã có nhà máy lắp ráp ở Việt Nam nhưng tôi vẫn hơi bất ngờ khi bắt gặp những sản phẩm này tại hội chợ “thuần Việt”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, hàng hóa thương hiệu Việt là hàng hóa do các DN sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam sở hữu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. Samsung hay bất luận DN FDI nào, HTX hay công ty TNHH được thành lập hợp pháp ở Việt Nam, sản xuất ở Việt Nam thì hàng hóa sản xuất ra là hàng Việt Nam. Người tiêu dùng không nên quá phân biệt hàng của DN trong nước sản xuất hay DN FDI vì những sản phẩm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều phải sử dụng cơ sở hạ tầng, điện, chi phí giao thông của Việt Nam; sản phẩm góp phần đưa GDP, xuất khẩu của Việt Nam tăng cao thì không có lý gì coi đó là hàng ngoại. Điều này sẽ tạo tiền đề để ngày càng nhiều thương hiệu Việt được người tiêu dùng biết đến.

Theo tài liệu tuyên truyền cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam biên soạn, phát hành vào tháng 11/2012: “Hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của nhà nước Việt Nam; Không phải hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, trong các Luật Đầu tư, Luật DN cũng ghi rõ các tổ chức thành lập hợp pháp tại Việt Nam, sản xuất lắp ráp cung ứng dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam, bởi người Việt thì được gọi là hàng Việt Nam”.

Linh Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này