Vấn nạn tự thiêu và gánh nặng cho xã hội

11:00 | 29/09/2015
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ tự thiêu do mâu thuẫn gia đình. Những nạn nhân đó đáng thương nhưng cũng rất đáng trách bởi, chính từ hành động bột phát đó đã kéo theo gánh nặng cho xã hội, cho người thân!
Mâu thuẫn với chồng, thai phụ tự thiêu
Nghi án tự thiêu với người tình
Đau lòng con rể 9x tự thiêu, đốt gia tài bạc tỷ nhà vợ

Bế tắc là… tự thiêu

Nghi ngờ chồng không chung thủy, chị Trần Thị Hà (25 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) nhiều lần lớn tiếng cãi lộn với chồng. Vào ngày 28/7/2015, anh Trần Nguyễn Duy Thành (24 tuổi, chồng của chị Hà) ra ngoài cả ngày, đến khoảng 23h mới về thì tiếp tục xảy ra cãi vã với vợ. Chị Hà một mực khẳng định anh Thành đi chơi với người yêu cũ, cho dù anh này đã hết lời thanh minh. Cãi nhau đến khoảng 1h sáng, quá tức giận vì vợ không tin, anh Thành lấy xăng đổ lên người mình rồi châm lửa đốt. Lúc này, chị Hà (đang có bầu) mới hốt hoảng lao vào cứu chồng nhưng chính chị cũng bị thương nghiêm trọng do vết bỏng gây ra. Rạng sáng 29/7, vợ chồng chị Hà được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy (Q.5, TP. HCM) cấp cứu. Tuy nhiên, anh Thành đã tử vong ngay trong ngày. Còn chị Hà nhập viện trong tình trạng bỏng nặng, không thể giữ được thai nhi.

Vấn nạn tự thiêu và gánh nặng cho xã hội
Hiện trường vụ tự thiêu ở Tây Ninh

Khi vết thương đã lành, chị Hà thường khóc than vì hối hận vì bi kịch xảy đến với gia đình mình trong một phút ghen tuông: Chị đau khổ tâm sự: “Khi thấy anh ấy tưới xăng lên người, tôi đã chạy đến can ngăn nhưng không kịp, giờ thì tôi đã tin anh ấy yêu tôi thật lòng nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Chính sự ghen tuông mù quáng của tôi đã làm tan nát gia đình và gây hại cho bản thân. Tôi thực sự hối hận, tôi muốn sớm về nhà để lo cho con của mình”.

Do mâu thuẫn với chồng là anh Bùi Thanh Liêm (SN 1984, trú ở thôn Tân Lập, xã Trần Phú, Chương Mỹ, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1984) đang mang thai tháng thứ 8, trong lúc nghĩ quẩn đã tẩm xăng vào người tự thiêu. Hành động dại dột này đã khiến nạn nhân bị bỏng nặng hơn 90%, đứa trẻ phải ra đời thiếu tháng trong tình trạng sức khỏe suy yếu!

Đau xót nhất phải kể đến vụ tự thiêu làm 4 người thiệt mạng gồm người bố và 3 đứa con nhỏ xảy ra tại thị trấn Tân Biên (Tây Ninh). Vào khoảng 21h đêm 13/9, người dân phát hiện căn nhà của anh Nguyễn Hoài Tâm (33 tuổi, trú tại căn nhà tình thương ở tổ 2, khu phố 3, thị trấn Tân Biên) bốc cháy nên hò nhau tới dập lửa. Khi người dân chạy đến thì thấy cửa nhà anh Tâm đã khóa trái, bên trong nhà anh Tâm cùng các con là Nguyễn Xuân Quý (12 tuổi), Nguyễn Phạm Xuân Quỳnh (10 tuổi) và Nguyễn Thị Bích Trâm (7 tuổi) đã tử vong.

Nguyên nhân ban đầu được xác định, vợ chồng anh Tâm đã ly hôn nhưng cách đây 4 tháng đã về chung sống với nhau. Do vợ anh Tâm đã bỏ nhà đi nên trong lúc cùng quẫn, chán chường và bế tắc anh Tâm đã tẩm xăng để tự thiêu gây ra cái chết thương tâm cho cả các con!

Gánh nặng cho xã hội

Theo các bác sĩ ở Viện Bỏng quốc gia, để cứu sống một bệnh nhân bị bỏng ở mức 50%, bỏng sâu… thì chi phí ghép da, điều trị sau khi lành vết bỏng lên tới hàng trăm triệu đồng, chưa kể đến các chi phí khác.

Những nạn nhân trong các vụ tự thiêu có hoàn cảnh khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung là phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống. Trước tình trạng căng thẳng, họ bế tắc nên đã nảy sinh ý định tự tử và ngộ nhận rằng “chết là hết”…

Quay trở lại với vụ tự thiêu thảm khốc ở Tây Ninh, sau khi anh Tâm và ba con tử vong, UBND thị trấn Tân Biên quyết định hỗ trợ gia đình anh Tâm số tiền 20 triệu đồng; xã cũng chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ cấp miễn phí 4 phần đất chôn cất nạn nhân, đồng thời vận động số tiền gần 100 triệu đồng giúp đỡ gia đình trong việc mai táng.

Gia đình chị Trần Thị Hà (Đồng Nai) cũng rơi vào hoàn cảnh bi đát. Chồng đã mất, bản thân chị vẫn đang phải điều trị vết bỏng. Cha mẹ hai bên đều rất nghèo khó. Từ lúc chị Hà nhập viện đến nay số tiền viện phí đã lên đến gần 60 triệu đồng, hơn nửa con số đó là tiền vay mượn và còn những chi phí cấy ghép da, chi phí điều trị sau này không biết tính sao!

Các vụ tự thiêu đã khiến gia đình của họ rơi vào hoàn cảnh khánh kiệt. Bên cạnh đó, trong những trường hợp tự thiêu, nếu vụ cháy lan sang những gia đình bên cạnh thì hậu quả không thể lường trước. Theo các bác sĩ ở Viện Bỏng quốc gia, để cứu sống một bệnh nhân bị bỏng ở mức 50%, bỏng sâu… thì chi phí ghép da, điều trị sau khi lành vết bỏng lên tới hàng trăm triệu đồng, chưa kể đến các chi phí khác.

Theo tài liệu tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, có khoảng 1,5 triệu người trên thế giới tự kết liễu đời mình. Hậu quả do các vụ tự tử để lại có gánh nặng ngang với gánh nặng chiến tranh và sự giết người, gần gấp đôi so với gánh nặng của bệnh tiểu đường. Theo ước tính của WHO, trung bình, một người tự tử có ảnh hưởng sâu sắc đến 6 người khác. Còn nếu vụ tự tử xảy ra trong một trường học hoặc nơi làm việc, hành vi này sẽ có tác động đến hàng trăm người khác.

Phước Long

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này