Không nên tùy tiện lấy ráy tai

10:59 | 29/09/2015
Nhiều người cho rằng, ráy tai là nguyên nhân gây ra ngứa tai nên thường xuyên “nạo vét”. Nhưng thực chất, ráy tai lại có nhiệm vụ bảo vệ tai, do trong thành phần ráy tai có chất kháng sinh, có chất kết dính để bẫy, dính vi khuẩn.
Cảnh báo về dịch chân tay miệng
Nguy cơ hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh
Sốt xuất huyết “rình rập” khu nhà trọ công nhân

“Vệ sỹ” ngăn chặn vi khuẩn

Theo PGS.TS Trần Công Hòa, nguyên Trưởng khoa Thanh học, BV Tai Mũi Họng trung ương, nguyên Tổng thư ký Hội Tai-Mũi-Họng Việt Nam, ống tai ngoài có các tuyến tiết ra chất bã gọi là ráy tai. Ráy tai có nhiệm vụ bảo vệ thành ống tai, do trong thành phần ráy tai có chất kháng sinh, có chất kết dính để bẫy, dính vi khuẩn. Ráy tai phủ một lớp mỏng trên da ống tai ngoài, được hình thành do chất nhờn trong ống tai trộn lẫn với các tế bào chết, nó đóng vai trò như một “vệ sỹ” ngăn chặn vi khuẩn, nấm tấn công vào các tổ chức của ống tai ngoài. Dưới tác động của các nhưng mao trên bề mặt tế bào tuyến, ráy tai sẽ di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài, tự khô rồi bong ra ngoài.

Không nên tùy tiện lấy ráy tai
Ảnh minh họa

Nhiều người cho rằng, ráy tai là nguyên nhân gây ra ngứa tai nên thường xuyên ngoáy tai và tìm mọi cách để móc, lấy ráy ra. Nhiều người ngoáy tai mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi thứ có sẵn như chìa khóa, tăm xỉa răng, móc sắt sắc; có người nuôi móng tay dài để ngoáy tai cho tiện. Có người cẩn thận hơn, chuẩn bị sẵn cho mình bộ ngoáy tai, ngứa tai lúc nào là lấy ra ngoáy tai ngay, không cần quan tâm là sạch hay bẩn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, càng ngoáy nhiều ống tai càng nhẵn, nước càng dễ dàng vào ống tai và gây khó chịu.

PGS.TS Trần Công Hòa cho rằng, nguyên nhân của những triệu chứng ngứa tai là do mọi người tùy tiện lấy ráy tai không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ dẫn tới làm tổn thương tai. Khi bị tổn thương sẽ gây ra hai hậu quả: một là làm tăng bài tiết chất nhầy, hai là nhiễm trùng tại nơi bị tổn thương. Do đó việc giữ gìn cho ống tai luôn thông thoáng là cần thiết, giúp sóng âm thanh được dẫn truyền dễ dàng vào tai giữa, tuy vậy cũng không được làm tổn thương ống tai.

Hậu quả khi ngoáy tai nhiều

Theo các chuyên gia y tế, khi bị ngứa tai chỉ nên xoa bóp nhẹ vành tai, day day vào nắp tai, không nên vội ngoáy tai. Nếu ngứa không giảm có thể dùng một số thuốc nhỏ tai hoặc nước muối sinh lý nhỏ vào ống tai, sau 5 -10 phút, nghiêng đầu về bên tai bệnh, day nhẹ váo nắp tai cho thuốc còn dư chảy ra, dùng tăm bông khô, sạch thấm nhẹ cho khô tai. Không ngoáy tai, sau một tuần vẫn thấy ngứa thì nên đến bác sỹ chuyên khoa Tai Mũi Họng để khám.

PGS.TS Trần Công Hòa cho biết, ngoáy tai nhiều sẽ gây rách, trầy xước da ống tai, làm cho vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào tổ chức liên kết bên dưới lớp biểu bì gây viêm ống tai, vi khuẩn có thể có sẵn trong ống tai hoặc đưa từ ngoài vào khi ngoáy tai hoặc do bơi ở những ao hồ nước bẩn hay bể bơi lâu ngày không thay nước. Mặt khác, ngoáy tai không đúng cách có thể đẩy khối ráy tai vào sâu hơn trong ống tai, bám sát vào màng nhĩ gây đau tai, ù tai và nghe kém. Chảy máu tai do làm rách da ống tai là một trong những tai biến hay gặp nhất của việc ngoáy tai, có khi còn làm rách, thủng cả màng nhĩ.

Cũng theo PGS.TS Trần Công Hòa, viêm ống tai ngoài là biến chứng thường gặp nhất do ngoáy tai, triệu chứng ban đầu là ngứa tai, ngứa ngày càng tăng, càng ngoáy càng thấy ngứa, sau đó bệnh nhân thấy tức trong ống tai rồi đau tai, đau lan lên đầu, nhiều bệnh nhân thấy đau giật lên nửa đầu, đau tăng lên khi nhai, khi ngáp. Trường hợp nặng có thể xuất hiện sốt, sưng tấy nửa mặt bên tai đau, chạm nhẹ vào vành tai cũng rất đau. Khám thấy da ống tai ngoài nề, đỏ, ống tai bị chít hẹp một phần hoặc toàn bộ tùy mức độ viêm, không quan sát được màng nhĩ. Nếu độc tố vi khuẩn mạnh gây viêm tấy lan tỏa làm sưng cả góc hàm, kèm theo hạch góc hàm cùng bên.

Việc lấy ráy tai mỗi khi cắt tóc cũng trở thành thói quen của nhiều người, việc làm này rất nguy hiểm, bởi nhiều thợ cắt tóc không có kiến thức về sinh lý cũng như bệnh lý của tai. Khách đến tiệm cắt tóc ngoáy tai có thể bị viêm nhiễm, nấm ống tai, thậm chí có thể bị HIV/AIDS. Nguyên nhân là dụng cụ lấy ráy tai đã truyền bệnh từ người này qua người khác. Cũng đã có bệnh nhân bị uốn ván do ngoáy tai bằng vật bẩn, nặng có thể tử vong.

Trang Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này