Phải công bằng khi thực thi Luật BHXH

11:01 | 25/11/2014
Ngày 20/11, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Điều mà cử tri đặc biệt quan tâm là cách tính lương hưu ra sao để tạo sự công bằng cho mọi thành phần?

 Theo quy định của luật, cách tính lương hưu hàng tháng được sửa đổi theo hướng tăng dần số năm đóng. Cụ thể, từ 1/1/2018, mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm với lao động nữ và 16 năm với lao động nam. Với lao động nam, từ năm 2019 mức này tương ứng với 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Ngoài ra, mức bình quân lương hàng tháng để tính lương hưu của khu vực công cũng được điều chỉnh theo lộ trình. Cụ thể, tính bình quân 15 năm cuối từ khi luật có hiệu lực thi hành 1/7/2015 đến 31/12/2019; từ 1/1/2020 đến 31/12/2024 tính bình quân của 20 năm cuối; từ 1/1/2025 trở đi tính bình quân của toàn bộ thời gian.

Luật đã được thông qua, song vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn làm sao bảo vệ được quyền lợi cho người lao động. Theo đại biểu QH Đặng Ngọc Tùng (Chủ tịch TLĐLĐVN): “Điều quan trọng là phải tạo sự công bằng cho mọi đối tượng khi tham gia BHXH, không phân biệt khu vực nhà nước, khu vực tư nhân”. Theo ĐB Đặng Ngọc Tùng, tại sao đối với cán bộ, công chức quy định đóng BHXH thì dựa trên lương của 15 năm cuối, còn người lao động ngoài khu vực doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, đặc biệt là lao động trong các doanh nghiệp tư nhân và FDI thì doanh nghiệp chỉ đóng BHXH cho lao động trên mức lương tối thiểu vùng. Mà chỉ đóng theo mức lương tối thiểu thì quá thấp, đến khi nghỉ hưu chỉ được lĩnh lương hưu theo mức tối thiểu và lại được quy định tính căn cứ theo mức lương bình quân của cả thời gian công tác nên quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Thế nên, doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động cũng phải căn cứ theo quy định tại điều 90 của Bộ luật Lao động (sửa đổi), tức là dựa trên lương và phụ cấp (thực tế thu nhập) chứ không dựa trên mức lương tối thiểu.

Còn ĐB QH Phạm Sỹ Lợi (Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH) cho rằng, cách tính lương hưu như luật thì người lao động sẽ bị giảm lương hưu khoảng 10%; đặc biệt với lao động nữ. Vì nữ không được điều chỉnh tuổi nghỉ hưu lên 60. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân thừa nhận, là dù có điều chỉnh công thức tính lương hưu thế nào thì kiểu gì mức hưởng lương hưu cũng bị giảm so với hiện nay.

Trao đổi với PV, các đại biểu QH Trần Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, luật đã thông qua, song Chính phủ vẫn có thể cụ thể hóa những quy định của Luật BHXH để đảm bảo được quyền lợi của người lao động như kiến nghị tâm huyết của đại biểu Đặng Ngọc Tùng. Cụ thể, theo quy định: Mức lương hưu của người lao động được hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH... Nghĩa là bản thân luật vẫn chỉ quy định chung về khung, còn độ mở việc đóng bảo hiểm thế nào, đóng bảo hiểm ra sao thì nghị định của Chính phủ vẫn có quyền quy định. Ví dụ, nghị định quy định đóng bảo hiểm dựa trên lương thực tế, chứ không phải lương tối thiểu theo vùng. Hoặc chấp nhận đóng theo lương tối thiểu, thì cứ như bên công chức, viên chức 2 đến 3 năm phải có quyết định tăng lương cho người lao động.

N. Tuấn- T. Giang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này