Hướng tới Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Lấy nông nghiệp làm trọng tâm

13:08 | 19/09/2015
Mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới là xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH- HĐH) và về cơ bản đến năm 2020 đưa nước ta thành nước công nghiệp.
Gần 600 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng ngô chuyển gien: Mang lại lợi ích cho nông dân

Đây là một quyết sách chiến lược đúng đắn của Đảng trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế đang ở mức sâu rộng như hiện nay. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề CNH- HĐH không phải cứ phát triển công nghiệp tràn lan là thành quốc gia công nghiệp, mà phải dựa trên yếu tố lịch sử, lợi thế so sánh của mỗi quốc gia.

Xét trên yếu tố văn hóa, lịch sử Việt Nam khởi thủy là quốc gia nông nghiệp với nền văn minh lúa nước. Xét trên yếu tố lợi thế so sánh, Việt Nam là quốc gia ôn đới, thuận lợi cho phát triển nông, lâm. Cạnh đó, lại có bờ biển trải dài hàng ngàn km2 với diện tích mặt biển cả triệu km2. Kinh nghiệm 30 năm đổi mới cho thấy, thời kỳ đầu kinh tế đất nước phát triển với tốc độ khoảng 7- 7,5%/năm chủ yếu dựa trên phát triển công nghiệp thiên về gia công cho các đối tác nước ngoài (dệt may, lắp ráp đồ điện tử…) và khai thác tài nguyên thô để xuất khẩu.

Lấy nông nghiệp làm trọng tâm
Cơ giới hóa nông nghiệp

Song 10 năm lại đây, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính châu Á và khi giá thầu thô liên tục sụt giảm ở mức chưa từng thấy như thời gian qua, khiến những khiếm khuyết của nền kinh tế mới được bộc lộ. Sản xuất công nghiệp đình trệ do sức mua yếu, khả năng cạnh tranh thấp; giá dầu sụt giảm khiến thu ngân sách từ dầu thô giảm theo. Chính lúc khó khăn này, nông nghiệp lại là ngành cứu cánh. Nhờ có nông nghiệp (nông- thủy- hải sản) GDP năm 2014 mới đạt trên 6,2% và 8 tháng qua tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5%.

Từ thực tế nêu trên, câu hỏi đặt ra, chúng ra có làm giàu từ nông nghiệp được không? Và nền kinh tế thời gian tới phát triển có nên dựa vào trục nông nghiệp không? Về vấn đề này hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, ở Hoa Kỳ khi doanh nghiệp sản xuất ra một chiếc Ipone, giá bán bằng cả tấn gạo của chúng ta xuất khẩu. Vậy nếu cứ lập luận cho bài toán nông nghiệp thì đến bao giờ đất nước mới giàu? Cách đặt vấn đề như vậy không sai, song chưa toàn diện. Hoa Kỳ và nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), thậm chí cả Hàn Quốc có nền khoa học- công nghệ phát triển hơn ta cả trăm năm.

Mỗi một ngày, họ lại đưa nền công nghệ phát triển lên một bước cao hơn, còn ta đến nay, nền tảng khoa học- công nghệ vẫn rất sơ khai. Những vật dụng cần thiết về công nghệ chúng ta đều phải nhập khẩu. Nền khoa học- công nghệ đất nước chưa có một sản phẩm nào trình ra thế giới huống gì nói đến yếu tố cạnh tranh. Vậy “mong” làm giàu từ nền công nghệ cao thế nào? (xét góc độ phát minh, sáng chế). Trong khi đó, nhìn sang ISRael và Niu- di- lân, hai quốc gia này đều làm giàu trên đôi cánh của nông nghiệp. Đơn cử như ISRael, nằm ở khu vực cận Đông, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khá khắc nghiệt cùng với phát triển công nghệ cao, nước này đã trở thành quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Niu- di- lân kinh tế nông nghiệp chiếm khoảng 70% GDP.

Họ phát triển song hành khoa học công nghệ để ứng dụng vào phát triển nông nghiệp không chỉ cho năng suất cao mà cho ra giá trị gia tăng cao. Ví dụ, 1 ha đất ở ISRael họ thu hoạch được khoảng 50 tấn cà chua. 50 tấn cà chua này, không đơn thuần mang đi tiêu thụ “thô” hết mà còn dành khối lượng nhất định sản xuất các loại sản phẩm khác, nên giá trị gia tăng rất cao. Còn ta, sản xuất nông nghiệp đã nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng khoa học lại ít dẫn đến năng suất không cao mà giá trị tăng thêm trong sản phẩm lại không nhiều. Ví dụ mặt hàng chè, cà phê chúng ta xuất khẩu thô mang về được 1 USD/kg thì đến thị trường Singapore, Anh họ đã sản xuất ra các loại chè Lipton, cà phê thành phẩm cao cấp mang về khoảng 3 USD. Nghĩa là giá trị gia tăng trên 1/kg chè, cà phê chảy vào các nước nhập khẩu nguyên liệu thô của chúng ta.

Bởi thế, “biết mình biết người” khởi thủy là quốc gia nông nghiệp, lợi thế đất nước là nông nghiệp, chúng ta phải CNH- HĐH để phát triển nền nông nghiệp tiên tiến, không chỉ làm giàu cho đất nước mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Ông cha ta có câu “có thực mới vực được đạo” công nghệ, công nghiệp có phát triển đến mấy nếu không có cái ăn nhân loại không thể tồn tại. Vì vậy, mong rằng dự thảo báo cáo chính trị của Đảng phải tập trung sâu hơn vào phát triển nông nghiệp; đưa Việt Nam thành một quốc gia mạnh về nông nghiệp của thế giới.

Hương Phạm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này