Xử lý người chưa thành niên phạm tội: Tăng tính hướng thiện

11:17 | 17/09/2015
Với quan điểm nhất quán trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên (NCTN) phạm tội, dự thảo BLHS lần này tiếp tục có những sửa đổi về đường lối xử lý để đảm bảo lợi ích tốt nhất của NCTN và chủ yếu nhằm mục đích giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh trở thành công dân có ích cho xã hội. Báo Lao động đã có cuộc trao đổi với Ths. Nguyễn Ngọc Mai (Viện Nhà nước và Pháp luật – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) xung quanh nội dung trên.
Tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm Luật Giao thông
Những vụ án đau lòng do trẻ vị thành niên gây ra

Ths. Nguyễn Ngọc Mai cho biết: Tôi hoàn toàn nhất trí với định hướng sửa đổi BLHS theo chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong đường lối xử lý, đặc biệt là đối với nhóm đối tượng NCTN phạm tội. Đây là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm, sinh lý; khả năng nhận thức còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu những điều kiện về bản lĩnh tự lập, thiếu khả năng tự kiềm chế và dễ bị kích động, lôi kéo, dụ dỗ… nên cần tạo điều kiện để họ có cơ hội khắc phục, sửa chữa sai lầm mà hạn chế khả năng bị đưa vào vòng quay tố tụng.

Xử lý người chưa thành niên phạm tội: Tăng tính hướng thiện
Người CTN phạm tội ngày một gia tăng. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc xu hướng đề cao việc bảo vệ lợi ích của NCTN trong mối tương quan với đảm bảo tính hiệu quả của công tác giáo dục, phòng ngừa tội phạm nói chung, NCTN phạm tội nói riêng. Hiện nay tình hình tội phạm do NCTN thực hiện đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng, có những vụ trọng án do NCTN thực hiện đã gây ra sự bức xúc lớn trong cộng đồng xã hội. Vì vậy, phạm vi cho phép áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự và giao cho gia đình, cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục cả đối với tội rất nghiêm trọng như quy định tại khoản 2 điều 89 của dự thảo hiện nay là quá rộng. Điều đó có thể sẽ dẫn đến việc không đảm bảo được tính hiệu quả trong giáo dục, phòng ngừa NCTN phạm tội mà ngược lại còn tạo điều kiện để NCTN có cơ hội trốn tránh trách nhiệm hình sự đối với những hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Tôi cho rằng, cần giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với NCTN từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý…

Cũng theo Ths. Nguyễn Ngọc Mai: Với quy định tại khoản 2, điều 69, BLHS hiện hành: “NCTN phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục” thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã có cơ sở để thực hiện việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với NCTN phạm tội. Tuy nhiên, việc xác định có áp dụng quy định này hay không, hiện hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Gia đình, cơ quan, tổ chức rất cũng không có căn cứ để chủ động đề xuất việc nhận giám sát, giáo dục NCTN. Do đó, biện pháp này gần như không được áp dụng trên thực tế.

Ths. Nguyễn Ngọc Mai cho biết: Tôi hoàn toàn nhất trí với định hướng sửa đổi BLHS theo chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong đường lối xử lý, đặc biệt là đối với nhóm đối tượng là NCTN phạm tội. Đây là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm, sinh lý; khả năng nhận thức còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu những điều kiện về bản lĩnh tự lập, thiếu khả năng tự kiềm chế và dễ bị kích động, lôi kéo, dụ dỗ… nên cần tạo điều kiện để họ có cơ hội khắc phục, sửa chữa sai lầm mà hạn chế khả năng bị đưa vào vòng quay tố tụng.

Hay như các quy định về biện pháp tư pháp cũng vậy. Khoản 4, điều 69, BLHS, hiện hành quy định: “Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với NCTN phạm tội, thì tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại điều 70 của bộ luật này”. Trong thực tế xét xử, số NCTN phạm tội được áp dụng biện pháp tư pháp thay cho hình phạt cũng rất ít: Năm 2011 là 2/3.243 bị cáo, năm 2012 là 37/6.252 bị cáo, năm 2013 là 25/5.306 bị cáo, năm 2014 là 6/4.489 bị cáo. Những con số thống kê nói trên phần nào cho thấy việc quy định một cách đầy đủ, rõ ràng trong BLHS là rất cần thiết, rất quan trọng, song nếu không có thủ tục tố tụng thực hiện thì những quy định này cũng chỉ mang tính hình thức. Vì vậy, để đảm bảo cho việc áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự trên thực tế có thể đạt được hiệu quả mong muốn thì đồng thời với đó pháp luật tố tụng hình sự cũng cần phải có những quy định về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự cũng như phải chuẩn bị các điều kiện để triển khai quy định.

Hoàng Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này