Đề nghị thêm một Phó chủ tịch HĐND vào Ban Thường vụ

11:16 | 17/09/2015
Đó là đề xuất của một số đại biểu Quốc hội sau khi nghe giám sát chuyên đề về hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 12/2014, trên cơ sở giám sát tại 8 tỉnh, thành phố và qua báo cáo của 55 tỉnh, thành phố tại phiên họp thứ 41 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Nên quy định mỗi bộ không quá 5 cấp phó

Theo báo cáo chuyên đề do bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban công tác đại biểu của QH trình bày: Thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội, HĐND ở ba cấp đã tiến hành hai lần lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp giữa năm 2013 và kỳ họp cuối năm 2014 đối với những người do HĐND bầu. Công tác lấy phiếu tín nhiệm được HĐND các tỉnh, thành phố chuẩn bị và thực hiện chu đáo, thận trọng, nghiêm túc, đảm bảo quy trình, thủ tục và nguyên tắc tập trung, dân chủ.

Đề nghị thêm một Phó chủ tịch HĐND vào Ban Thường vụ
Phiên họp 41 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Cụ thể, năm 2014, có 812 người được HĐND lấy phiếu tín nhiệm. Đại biểu có tỷ lệ số phiếu tín nhiệm cao đạt từ 50% trở lên có 621 người (chiếm 76,48%); đại biểu có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp trên 50% có 1 đại biểu (chiếm 0,1%). Không có đại biểu có tỷ lệ tín nhiệm thấp trên 50% ở hai lần liên tiếp. Qua lấy phiếu tín nhiệm, một số chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần sau đạt kết quả cao hơn lần trước, song cũng có một số chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần sau đạt kết quả thấp hơn. Theo đánh giá của các địa phương, kết quả lấy phiếu đã phản ánh đúng thực trạng hoạt động của bộ máy nhà nước ở địa phương, năng lực thực tiễn, sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Để hoạt động của HĐND đạt hiệu quả cao, đoàn giám sát của UBTV Quốc hội kiến nghị: Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND, trong quá trình chuẩn bị nhân sự HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đồng thời, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo HĐND cấp tỉnh có một Phó chủ tịch HĐND tham gia Ban thường vụ, Phó chủ tịch HĐND còn lại và trưởng các ban của HĐND (nếu hoạt động chuyên trách) tham gia cấp ủy; bố trí tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, tăng số lượng đại biểu ở khối Đảng, đoàn thể; giảm đại biểu ở khối cơ quan hành chính. Với Quốc hội, đoàn giám sát đề nghị bổ sung vào Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nội dung: “Tổ đại biểu HĐND là chủ thể giám sát”, đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể giám sát, hậu quả pháp lý sau giám sát. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về việc thành lập, quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đối với văn phòng HĐND cấp tỉnh, để thống nhất thực hiện trên toàn quốc, đồng thời có hướng dẫn về việc phân bổ biên chế của địa phương khi tăng đại biểu HĐND chuyên trách ở cấp tỉnh, cấp huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Có như vậy mới nâng cao vai trò của HĐND nói chung, công tác giám sát nói riêng.

N.Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này