Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đề nghị bổ sung một số tội danh vào Bộ luật Hình sự

15:11 | 15/09/2015
Ngày 14/9, dưới sự điều khiển của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 41.
Bế mạc phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tại phiên họp lần thứ 41, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật về Hội; Luật ban hành quyết định hành chính; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); dự thảo nội quy kỳ họp QH; xem xét các báo cáo công tác của một số ban, ngành, Chính phủ về công tác thi hành án, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015; các báo cáo giám sát chuyên đề; báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH, UBTVQH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến nay; về việc chuẩn bị kỳ họp thứ X và một số nội dung quan trọng khác.

Đề nghị bổ sung một số tội danh vào Bộ luật Hình sự
Quang cảnh phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cũng tại phiên họp này, UBTVQH xem xét về việc thành lập hội đồng bầu cử quốc gia trình QH quyết định vấn đề liên quan đến ngày bầu cử, tới hội đồng bầu cử, sẽ được quyết định tại kỳ họp thứ X.

Cũng trong ngày 14/9, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH thảo luận về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đây là một trong những đạo luật đặc biệt quan trong liên quan đến mọi công dân nên đã được các thành viên thảo luận hết sức sôi nổi. Đại biểu Nguyễn Văn Đương, Ủy viên Ủy ban Tư pháp nêu quan điểm: Ngoài những quy định mới với tội tham ô, tham nhũng xử bằng hình thức bỏ tù hay đền bù bằng kinh tế để được tại ngoại, thì mấu chốt phải đưa tội lãng phí vào bộ luật này. Theo quy định hiện hành, nếu ăn cắp con gà hoặc tham ô khoản tiền trị giá từ 1 triệu đồng trở lên đã quy tội hình sự, song các cá nhân, cơ quan để xảy ra lãng phí cả trăm tỷ đồng thì không sao. Cụ thể, một dự án do quản lý yếu kém dẫn đến đội vốn quá lớn, kéo dài thời gian gây thất thoát tiền của nhà nước; sử dụng xe công tràn lan thì là “tội gì”. Đại biểu Đương đề nghị phải đưa tội lãng phí vào Bộ luật Hình sự.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Đương, song một số đại biểu tỏ ra bằng khoăn, đó là vẫn biết hiện tượng lãng phí diễn ra trong mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, nhưng nếu chúng ta “võ đoán” để đưa vào luật liệu có khoa học không? Vì thực tế, khi đã phát hiện cá nhân, tổ chức gây ra lãng phí thiệt hại tài sản của nhà nước đã tiến hành xử lý về mặt hình sự rồi.

Cũng liên quan đến bộ luật này, một nội dung đáng lưu ý là việc bổ sung các tội danh mới. Theo đó sẽ tội phạm hóa các hành vi vi phạm có tính chất phổ biến, đặc trưng và có tính nguy hiểm ngày càng cao trong các lĩnh vực về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, viễn thông... Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành việc bổ sung số tội danh trên. Tuy nhiên, việc xác định tội danh mới phải trên cơ sở tổng kết đầy đủ việc thi hành Bộ luật Hình sự hiện hành, chỉ quy định những hành vi chưa được điều chỉnh trong Bộ luật trên cơ sở đánh giá đầy đủ về khách thể cần bảo vệ cũng như đặc trưng của hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, số tội danh mới được bổ sung cần được rà soát kỹ, tránh sự trùng lặp. Đối với việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án, đa số ý kiến cho rằng, quy định này không phù hợp với mục tiêu giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp và khó bảo đảm tính khả thi.

N. Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này