Xúc tiến du lịch Việt Nam, nhìn từ địa phương

14:48 | 11/09/2015
Trong những năm qua, TP.HCM đã nỗ lực làm những chương trình xúc tiến du lịch để kích cầu du lịch trong vào ngoài nước. Song, một bàn tay không thể làm nên tiếng vỗ cho ngành du lịch cả nước.
6 “nỗi sợ” của ngành du lịch Việt Nam: Hy vọng sẽ được hóa giải
Du khách nước ngoài nói gì về du lịch Việt?

Hội chợ Du lịch quốc tế (ITE HCMC 2015) vừa chính thức được mở cửa sáng 10/9 tại Trung tâm hội nghị và triển lãm Sài Gòn (SECC, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM) được xem là một trong những điểm nhấn của ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) trong công tác xúc tiến du lịch. Sự kiện này đã được ngành du lịch thành phố tổ chức và là địa phương đăng cai, triển khai thực hiện xuyên suốt từ 11 năm nay. Có thể nói, ITE HCMC qua các năm, càng thể hiện tính chuyên nghiệp cũng như mức độ tầm cỡ quy mô khi nối kết được các quốc gia của tiểu vùng Mekong là Camphuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan để thực hiện chung chiến lược quảng bá “Năm quốc gia, một điểm đến”.

Xúc tiến du lịch Việt Nam, nhìn từ địa phương
ITE HCMC 2015 đã có một đêm khai mạc ấn tượng dành cho cho các khách mời quốc tế

Theo ông Nguyễn Bảo Anh, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch TP.HCM, sự kiện được mở rộng quy mô cả về số lượng và chất lượng với sự tham gia của 250 gian hàng của 21 quốc gia và 27 tỉnh, thành trong cả nước. Đây sẽ cơ hội hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Hội chợ năm nay dự kiến thu hút khoảng 210 người mua quốc tế gồm các hãng lữ hành nước ngoài từ các thị trường quốc tế trọng điểm; 100 người mua nội vùng là các hãng lữ hàng của năm quốc gia tiểu vùng Mekong và trên 25.000 lượt khách tham quan, tăng trưởng quy mô từ 20 đến 30% so với năm 2014.

Song song các hoạt động thường niên, ITE HCMC 2015 còn có những hoạt động nổi bật gồm: Chương trình nghệ thuật đêm Việt Nam tại buổi lễ khai mạc ITE HCMC 2015; lễ trao “Giải thưởng du lịch quốc tế Mê Kông” (MTAA 2015), một trong những giải thưởng danh giá của ngành du lịch khu vực với các tiêu chí xét chọn khắt khe; triển lãm ảnh “Nét đẹp cộng đồng ASEAN” của 10 quốc gia ASEAN; các chương trình nghị sự của bộ trưởng, thị trưởng thành phố các quốc gia, khách mời VIP. Bên cạnh đó, ITE HCMC 2015 còn kích cầu du lịch nội địa bằng việc các hãng lữ hành tung ta hàng loạt chương trình khuyến mãi vé rẻ về tour, khách sạn, máy bay.

Cùng với sự kiện này, những chương trình khác mà thành phố tổ chức như đường hoa Nguyễn Huệ, lễ hội áo dài, lễ hội trái cây Nam bộ, liên hoa các món ngon các nước…đã góp phần truyền tải hình ảnh của TP.HCM đến với du khách trong cả nước và thế giới. Riêng năm 2014, TP.HCM đã đón 4,4 triệu lượt khách. 8 tháng đầu năm 2015, lượng khách quốc tế tiếp tục tăng trưởng thêm 5% so với cùng kỳ, chiếm tổng 56% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, từ năm 2006 đến 2014, khách quốc tế đến với thành phố chiếm bình quân 61% số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và hiện nay ngành du lịch đóng góp đến 11% GDP của thành phố. “Những con số ấn tượng minh chứng, TP.HCM là một trong những điểm hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và tiếp tục duy trì sự hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.”, bà Hồng nói.

Trong đêm khai mạc ITE HCMC 2015, có hơn 500 khách mời, trong đó có các Bộ trưởng, Thứ trưởng Du lịch các quốc gia khối ASEAN và Thị trưởng các thành phố Phnom Penh (Camphuchia), Viêng Chăn (Lào), Yangon (Myanmar), Bangkok (Thái Lan).

Thống kê của Tổng cục Du lịch (VNAT), 7 tháng đầu năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 4.398.202 lượt, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2014. Lý giải về tình trạng sụt giảm khách quốc tế liên tục, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (nguyên Phó Tổng Cục trưởng VNAT) nhấn mạnh, đó là hệ quả của cả một quá trình, trong đó có công tác xúc tiến, quảng bá còn lạc hậu. Những người làm công tác xúc tiến chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm để tổ chức những sự kiện quảng bá ở nước ngoài đủ tầm để gây được sự chú ý của các nước đối với du lịch Việt Nam.

Được biết, kinh phí dành cho xúc tiến du lịch hiện nay khoảng 30 tỉ đồng/năm. Ngành du lịch than khó và lý giải xúc tiến du lịch kém là do ít tiền. Khoản kinh phí này lại bị “chia năm, xẻ bảy”, một phần do VNAT nắm giữ, phần còn lại của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Hai cơ quan này có chương trình, kế hoạch thực hiện riêng nên hầu như chẳng liên quan gì với nhau, dẫn đến kết quả yếu kém là lẽ tất nhiên.

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cho rằng, công tác chuyên môn và hiệu quả đầu tư trong xúc tiến của ngành du lịch thời gian qua đều chưa tốt. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam. “Vốn ít thì làm theo kiểu ít, đổ thừa ít tiền là điều mơ hồ, ngụy biện, thực tế nhiều du khách quốc tế còn nghĩ Việt Nam vẫn còn lạc hậu như vừa bước qua chiến tranh”, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành chia sẻ. Về sự yếu kém này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng Cục trưởng VNAT cũng từng thừa nhận với báo chí, so với Lào, Campuchia, Việt Nam quảng bá yếu hơn. Vì thế, dù đạt lượng khách quốc tế cao hơn Lào, Campuchia nhưng tốc độ tăng trưởng thấp hơn, như Lào tăng 15%, Campuchia tăng 20%.

Hữu Vinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này