Giải pháp giúp công nhân tiếp cận hàng Việt

07:10 | 29/08/2015
Việc đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất trong thời gian qua đã giúp nhiều người tiêu dùng có cơ hội mua hàng Việt Nam chất lượng cao. Điều đó cho thấy, ngoài việc nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã thì việc định hướng sản phẩm phù hợp với đối tượng tiêu dùng, thị trường tiêu thụ cần có sự liên kết chặt chẽ để đạt hiệu quả như mong muốn.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng
28 Bộ, ngành tham gia Triển lãm Thành tự Kinh tế - Xã hội năm 2015
Hà Nội triển khai sản xuất, phân phối xăng E5
Sự thực về những chiếc xe máy siêu rẻ

Tín hiệu vui từ phân khúc thị trường nông thôn

Từ nhiều năm nay, Hà Nội luôn là địa phương triển khai tốt các chương trình đưa hàng về nông thôn. Theo Sở Công thương Hà Nội, thành phố luôn chú trọng đến khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất và thường xuyên chỉ đạo các DN tham gia vào các chương trình bình ổn giá, đưa hàng về nông thôn và tổ chức các hội chợ, phiên chợ Việt tại các quận, huyện. Hàng loạt các chương trình "Hội chợ hàng Việt", "Phiên chợ Việt", những chuyến đưa hàng về nông thôn đã góp phần giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và mua sắm hàng Việt Nam chất lượng cao. Đáng chú ý, để phục vụ các khu chế xuất, khu công nghiệp phần lớn là những chuyến bán hàng lưu động chỉ được tổ chức ngắn ngày, diện tích bán hàng chỉ 150-300m2 nhưng với chiến lược chủ yếu tập trung vào những mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt nên đã thu hút lượng công nhân lớn, đem lại doanh thu khả quan.

Mới đây tại tuần lễ “Tự hào các thương hiệu Việt Nam 2015”, hàng loạt doanh nghiệp đã tham gia buổi giao lưu “Hành trình thương hiệu Việt Nam” để chia sẻ về những nỗ lực của mình trên con đường chinh phục người tiêu dùng trong nước. Theo đại diện CTCP thời trang Hanosimex, các sản phẩm thời trang của công ty như quần áo mặc nhà, công sở và dạo phố từ lâu đã được người tiêu dùng ưa thích, đánh giá cao về chất lượng và độ tiện dụng. Từ nhiều năm nay, công ty đều đặn tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn bởi nhận thấy đây là một chiến lược giúp công ty mở rộng thị trường nội địa rất tốt. Bên cạnh đó, công ty còn tạo dựng uy tín cũng như nắm bắt tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng được sử dụng những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao.

Giải pháp giúp công nhân tiếp cận hàng Việt
Chiến dịch đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất đã thu được nhiều kết quả khả quan

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hapro, nhận định, phát triển thị trường nông thôn là một trong những bước đi quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) chiếm lĩnh thị trường. Thực tế cho thấy, việc tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện giúp DN thay đổi định hướng kinh doanh, duy trì đà tăng trưởng, đồng thời tạo điều kiện cho người dân mua sắm hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá thành phù hợp với thu nhập của người dân. Tuy nhiên, do tại vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, việc đưa hàng về những khu vực này không phải dễ dàng nên chỉ các DN thật sự vì cộng đồng mới nỗ lực đưa hàng về thị trường nông thôn, miền núi.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Mặc dù các DN sản xuất và tiêu thụ đã có một số hoạt động liên kết tiêu thụ hàng Việt, tuy nhiên thực tế cho thấy, việc liên kết giữa DN sản xuất với người tiêu dùng vẫn còn lỏng lẻo và đang chịu nhiều sức ép từ bên ngoài. Đại diện CTCP thời trang Hanosimex cũng thừa nhận, công ty nói riêng cũng như nghành dệt may nói chung mới chỉ chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu trong nước, còn lại phải nhập khẩu, trong đó, nguyên liệu nhập từ Trung Quốc chiếm 48%. Thời gian gần đây, thông tin về việc phá giá NDT sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh giữa nguyên liệu trong nước và Trung Quốc, từ đó gây sức ép lên sản xuất và tiêu thụ hàng Việt tại thị trường nội địa.Các ngành hàng khác ngoài dệt may, như cao su, hàng tiêu dùng, cũng trong tình trạng tương tự.

Phần lớn người tiêu dùng, đặc biệt là công nhân sinh sống tại các khu công nghiệp đều cho rằng, nếu không được hướng dẫn nhận biết cụ thể thì không phải ai cũng phân biệt được hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc. Theo anh Phúc Khánh, quản đốc một công ty chuyên lắp ráp linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Quang Minh: “Ví dụ với mặt hàng nhựa, nếu chỉ phân biệt bằng mắt thường, nhiều người dễ nhầm lẫn giữa hàng Trung Quốc với các mặt hàng nhựa Song Long, nhựa Bình Minh. Vì vậy song song với việc tổ chức những phiên chợ Việt thì các doanh nghiệp cần kết hợp với việc truyền thông giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu cho chính sản phẩm công ty mình...”.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để hàng Việt Nam giữ vững thị phần, doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh lại chiến lược sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với mỗi phân khúc của thị trường. Theo kết quả khảo sát về thị trường khu vực nông thôn Việt Nam của công ty tư vấn, nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, nông thôn hiện chiếm 68% dân số và đóng góp 60% tổng thu nhập quốc nội. Điều đó cho thấy, tiềm năng của thị trường này rất lớn. Về lâu dài, cơ quan quản lý cần lập hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng nhập khẩu, hàng lậu kém chất lượng, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho thị trường cũng như DN trong nước.

Chia sẻ về thách thức cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Thịnh, thành viên các ban chuyên gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia cho rằng, trách nhiệm lớn nhất ở đây là phải truyền tải được và phát triển được những giá trị của chương trình thương hiệu quốc gia đang theo đuổi để thế giới biết đến thương hiệu quốc gia mạnh mẽ hơn, tạo dựng niềm tự hào cho người tiêu dùng. Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu hụt nhân sự quản trị thương hiệu. Hàng năm chúng ta chỉ lựa chọn nhiều nhất là 63 thương hiệu quốc gia trong khi Thái Lan lên tới 300. Chính vì vậy, chúng ta cần có định hướng để mở rộng, lựa chọn được nhiều doanh nghiệp hơn.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này