Xót xa đình làng Việt

11:19 | 28/08/2015
Mỗi làng quê Việt Nam đều có những công trình kiến trúc, di sản nghệ thuật đặc trưng, gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh. Tuy nhiên, dưới tác động của đô thị hóa, nông thôn Việt Nam đang thay đổi. Văn hóa đình làng cũng dần bị ảnh hưởng.
Hoài cổ đình làng Cót
Làng trồng, buôn đinh lăng độc nhất Việt Nam

Theo các nhà nghiên cứu về sử học, đình làng được hình thành từ thế kỷ 15, định hình vào thế kỷ 16 và phát triển rực rỡ vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Mỗi đình làng mang một nét kiến trúc riêng biệt nhưng lại mang tính cộng đồng sâu sắc, đều là nơi thờ Thành hoàng làng, người có công lập làng, dựng ấp hoặc sáng lập ra một nghề hay có công với dân, với nước.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái: Đình làng không đơn thuần chỉ là nơi che nắng, che mưa mà còn là niềm tự nào của cộng đồng, là hình ảnh sâu đậm trong tâm thức người Việt. Ở nhiều miền quê đất Bắc, đình là còn là nhà hát của những làng xã, là nơi nuôi dưỡng các thể loại diễn xướng dân gian như Ca Trù, hát Xoan, Chèo, Quan Họ. Thường ngày, đình làng còn là địa điểm “đàn đúm” của cánh đàn ông lúc nông nhàn với vài ba ván cờ, ấm trà, điếu thuốc, cùng nhau bàn luận chuyện xóm làng. Đây cũng là nơi trú ngụ giấc ngủ trưa hè của đám trẻ nhỏ, là địa điểm trai gái hẹn hò lúc đêm trăng.

Ngôi đình làng Cổ Chế (xã Phúc Tiến, Phú Xuyên) 300 năm tuổi, với nhiều mảng kiến trúc được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc dân gian là câu chuyện điển hình cho thực tế kể trên. Chứng kiến cảnh ngôi đình xuống cấp nghiêm trọng, nhiều người không khỏi xót xa.

Xót xa đình làng Việt
Đình làng Cổ Chế

Một người phụ nữ bán hương hoa, vàng mã trước cổng đình cho biết: Trước đây cứ 12-2 âm lịch là người dân trong làng lại tưng bừng tổ chức lễ hội tưởng nhớ Thành hoàng làng nhưng vài năm trở lại đây do đình xuống cấp, chả ai dám đến do nhiều cột chống bị mối mọt, mục ruỗng, xuất hiện nhiều ụ mối xông, mái đình đã bị võng, ngói nát vụn. Để khắc phục tạm thời, người dân đã dùng hàng chục cột tre, gỗ neo giằng trên mái, phủ bạt để che mưa nắng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, ngôi đình vẫn chưa được đầu tư để trùng tu, bạt phủ cũng đã rách bươm do ảnh hưởng của thời tiết. Chúng tôi được khuyến cáo, không nên lại gần. Đình Cổ Chế giờ đóng cửa im ỉm, đồ thờ được chuyển đi nơi khác, khách lạ đến chụp ảnh thì bị chính quyền địa phương xua đuổi do “đang đợi trùng tu”…

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, người dân Việt rất coi trọng việc trùng tu, phát huy những di sản văn hóa truyền thống cha ông để lại, tuy nhiên để trùng tu, bảo tồn một công trình kiến trúc cổ tốn rất nhiều kinh phí trong khi sự quan tâm của Nhà nước hiện nay không đáp ứng được so với sự xuống cấp của di sản. Mặt khác, nguồn lực xã hội hóa phần nhiều lại tập trung vào các công trình tôn giáo, hay những công trình tâm linh mới được xây dựng.

Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức, thành viên nhóm Đình làng Việt chia sẻ: Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chúng ta chưa có thái độ đúng đắn với các di sản truyền thống. Nhiều người đang quá đề cao vấn đề kinh phí, rơi vào tình trạng thích trùng tu hơn bảo dưỡng mà không nhận thấy rằng một kiến trúc, đồ vật đẹp khi ngậm trong đó một đời sống lịch sử, văn hóa và cả thời gian. Do đó, nên trao quyền lại cho địa phương, vì nếu chỉ trùng tu xong lại để đấy, không hoạt động, không có sự chăm sóc, không có hương khói thì đình làng sẽ xuống cấp rất nhanh. Phải trả lại quyền tu sửa đình làng cho người dân”.

Lại Quang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này