Gắn kết sân khấu truyền thống với du lịch: Cần sự bắt tay từ hai phía

09:53 | 29/08/2015
Gắn du lịch với nghệ thuật truyền thống là xu hướng tất yếu từ lâu được các công ty du lịch và các đơn vị nghệ thuật trong nước cùng bắt tay vào cuộc. Tuy nhiên việc gắn kết như thế nào để vừa đưa các loại hình văn hóa nghệ thuật đến gần hơn với bạn bè thế giới, vừa thu hút khách du lịch không phải đơn giản.
Điểm đến bạn không thể bỏ qua...
Vườn quốc gia Cúc Phương: Vẻ đẹp tiềm ẩn giữa đại ngàn
Sân khấu hài: Gian nan mang lại tiếng cười

Liên kết còn lỏng lẻo

Quảng bá du lịch thông qua các loại hình truyền thống là một giải pháp hay đã được các nước trong khu vực châu Á sử dụng rất thành công để giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa và lịch sử dân tộc đến du khách. Nước chúng ta cũng không bỏ qua xu hướng này. Việt Nam tự hào là một đất nước không chỉ có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên mà còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận như: Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ, Ca trù, Hát xoan, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh. Đây là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sức hấp dẫn khách du lịch đến với Việt Nam.

Sau khi Bộ VHTT&DL có chủ trương xây dựng chương trình quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các loại hình nghệ thuật, ngành du lịch và các đơn vị nghệ thuật đã cùng nhau vào cuộc, xây dựng kế hoạch nhằm mở rộng hoạt động và tăng doanh thu. Song thời gian qua, sự gắn kết này vẫn còn nhỏ lẻ, rời rạc, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Ở nhiều tỉnh thành, cung vẫn chưa đáp ứng được cầu. Các sân khấu du lịch nhất là các sân khấu biểu diễn âm nhạc dân tộc, đặc trưng của mỗi vùng, miền, còn thiếu các chương trình xứng tầm để phục vụ khán giả trong nước và quốc tế, mặc dù chúng ta có đủ tiềm năng và năng lực để thực hiện.

Gắn kết sân khấu truyền thống với du lịch: Cần sự bắt tay từ hai phía
Một sân khấu nghệ thuật dân gian trong khu phố cổ Hà Nội

Chị Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Công ty TNHH Khách sạn và Dịch vụ Huy Hoàng (một công ty lữ hành ở Hà Nội) cho hay, khách quốc tế đến với Việt Nam rất muốn thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống của nước ta. Nhưng hiện nay tại Hà Nội chỉ có một số nhà hát tổ chức các chương trình phục vụ khách du lịch nhưng số lượng không nhiều và không phong phú các loại hình. Hiện công ty của chị thường đưa khách du lịch đến với Nhà hát Múa rối nước Thăng Long. Theo chia sẻ của chị, đây là đơn vị nghệ thuật sáng đèn liên tục các ngày trong tuần, mỗi ngày có đến 5-7 xuất diễn. Mặc dù múa rối nước không phải là một loại hình nghệ thuật được UNECO công nhận nhưng khách du lịch khi được xem múa rối nước của Việt Nam, họ rất thích thú và hào hứng.

Trả lời câu hỏi tại sao không đưa khách du lịch đến với các sân khấu nghệ thuật truyền thống khác, nữ giám đốc lý giải, các vở múa rối nước của Nhà hát Múa rối nước Thăng Long đều dịch sang hai thứ tiếng từ tiếng Việt sang tiếng Anh rồi tiếng Pháp. Điều này ở các loại hình nghệ thuật khác như tuồng, chèo,… chưa làm được. Tuy nhiên, theo chị, đấy chỉ là một phần, lý do cơ bản nhất dẫn đến tình trạng thiếu sân khấu du lịch hiện nay là do liên kết giữa các công ty lữ hành và các đơn vị tổ chức nghệ thuật chưa được chặt chẽ và còn manh mún. Bản thân công ty chị thường xuyên đưa khách đến với múa rối nước nhưng cũng không nhận được sự ưu tiên nào vì hiện đơn vị tổ chức nghệ thuật này có khá đông khách du lịch tìm đến. Còn chương trình của các loại hình nghệ thuật khác không được phổ biến rõ lịch diễn rộng rãi hoặc thời gian diễn ra không trùng khớp với lịch tham quan của du khách. Từ việc không ăn khớp và thiếu thông tin này nên các doanh nghiệp du lịch dần bỏ qua việc dành thời gian cho việc tìm đặt vé cho khách thưởng thức chương trình nghệ thuật dân tộc.

Gắn kết sân khấu truyền thống với du lịch: Cần sự bắt tay từ hai phía

Cần những sân chơi lớn

Đảm nhận trọng trách Giám đốc nhà hát Chèo Kim Mã, dù bận rộn nhưng NSƯT Thanh Ngoan vẫn tham gia cùng với anh chị em nghệ sĩ trong nhà hát đi lưu diễn khắp nơi. Có lẽ, không nhiều NSƯT chịu ngồi trên một chiếu hát bình dân để mang xẩm đến với công chúng như NSƯT Thanh Ngoan. Kể ra để thấy rằng, việc gắn kết giữa nghệ thuật truyền thống với du lịch là một giải pháp, một xu hướng tất yếu, góp phần vừa thúc đẩy phát triển du lịch vừa quảng bá nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với bạn bè thế giới.

Đảm nhận trọng trách Giám đốc nhà hát Chèo Kim Mã, dù bận rộn nhưng NSƯT Thanh Ngoan vẫn tham gia cùng với anh, chị em nghệ sĩ trong nhà hát đi lưu diễn khắp nơi. Có lẽ, không nhiều NSƯT chịu ngồi trên một chiếu hát bình dân để mang xẩm đến với công chúng như NSƯT Thanh Ngoan.

Kể ra để thấy rằng, việc gắn kết giữa nghệ thuật truyền thống với du lịch là một giải pháp, một xu hướng tất yếu, góp phần vừa thúc đẩy phát triển du lịch vừa quảng bá nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với bạn bè thế giới.

Vài tháng trở lại đây tại Hà Nội và T.P HCM đã có những chương trình biểu diễn nghệ thuật cổ truyền được tổ chức định kỳ hàng đêm mở ra một tín hiệu vui cho tiềm năng sân khấu du lịch. Được biết, từ đầu tháng 5/2015, một chương trình nghệ thuật mang tên “Duyên Việt” sẽ được khởi động tại TP. HCM vào mỗi sáng thứ bảy hằng tuần, ngay tại tiền sảnh Nhà hát thành phố. Bên cạnh việc trình diễn áo dài kết hợp với nhạc cụ truyền thống, hàng tuần sân khấu du lịch “Duyên Việt” sẽ biểu diễn ca vũ, nhạc kịch như hát xẩm, nhã nhạc cung đình Huế, cải lương... tại các khách sạn cao cấp.

TP HCM thì thế, còn ở thủ đô Hà Nội, chắc hẳn khách du lịch trong và ngoài nước sẽ “say” với tiếng hát, tiếng đàn của sân khấu ngoài trời tại khu phố cổ. Một khách du lịch đến với phố cổ Hà Nội chia sẻ niềm vui khi được thưởng thức nghệ thuật đậm chất truyền thống vào buổi tối cuối tuần ở đây. Nhiều khách du lịch quốc tế dù không hiểu tiếng nhưng khi đi qua các sân khấu biểu diễn họ cũng phải dừng chân để nghe, quay phim, chụp ảnh với các nghệ sĩ biểu diễn để làm kỷ niệm. Sự hài lòng của khách du lich, sự hưởng ứng của các nghệ sĩ và người dân là hiệu quả rõ rệt mà chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố khởi động từ tháng 10/2014 do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức mang lại và đã trở thành điểm nhấn tạo nên ấn tượng đẹp cho phố cổ Hà Nội.

Rõ ràng việc tổ chức được những sân khấu du lịch như hiện nay là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Để thực hiện điều này một cách hiệu quả nhất rất cần sự bắt tay từ hai phía giữa ngành du lịch và các đơn vị tổ chức nghệ thuật. Hy vọng trong thời gian tới tiềm năng sân khấu du lịch của nước nhà sẽ được đánh thức để văn hóa và du lịch hòa quyện được với nhau, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này