Bản Tuyên ngôn Độc lập: Còn mãi với thời gian

11:41 | 27/08/2015
Thế hệ chúng tôi không được chứng kiến những phút giây Bác Hồ kính yêu đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử vào sáng 2/9/1945 để khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. 
Chuyện ít biết về Lễ Tuyên ngôn Độc lập

Tuy nhiên, những tháng ngày ngồi trên ghế nhà trường, đọc những vần thơ của Tố Hữu khiến chúng tôi càng hiểu thế nào là niềm vui vô bờ của đồng bào khi nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập: Hôm nay sáng mùng hai tháng Chín/ Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình/ Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín/ Bỗng vang lên tiếng hát ân tình/ Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh…/ Người đứng trên đài lặng phút giây/Trông đàn con đó vẫy hai tay/ Cao cao vầng trán ngời đôi mắt/ Độc lập bây giờ mới thấy đây!

Bản Tuyên ngôn Độc lập: Còn mãi với thời gian
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945

Vẫn biết, với vật chất mọi thứ không có gì là tồn tại vĩnh hằng, nhưng những giá trị về khoa học và tinh thần thì luôn còn mãi với thời gian. Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 cũng vậy. Là thế hệ sau, nhưng giờ đây mỗi lần nghe qua đài phát thanh, hay trên sóng truyền hình phát lại bản Tuyên ngôn Độc lập do chính Người đọc 70 mùa thu trước, lòng chúng tôi không khỏi dâng trào cảm xúc. “Hỡi đồng bào cả nước, tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"… Chỉ mới nghe những lời nói hào sảng, khúc triết của Bác mà ngỡ tưởng mùa thu cách mạng đang ở rất gần.

Nói về bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước nhà, nhiều học giả trong và ngoài nước cùng chung nhận xét đây là một áng “thiên cổ hùng văn”, không chỉ kết tinh những giá trị về lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự do ngàn đời của tổ tiên mà còn đúc kết những gì tinh túy nhất về những quyền cơ bản của các dân tộc và con người trên thế giới. Xưa trong bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt (được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước nhà) từng viết: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành địa phận bởi sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Hiểu một cách nôm na đó là tạo hóa đã ban cho mỗi quốc gia, dân tộc một nơi để sinh sống, đó là ý trời đã định, thế nên nếu có một kẻ thù nào lăm le đến cướp đất của dân tộc đó, chúng nhất định sẽ bị đánh tơi bời. Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm.

Còn trong Tuyên ngôn Độc lập của Bác, bên cạnh việc khẳng định sự độc lập, chủ quyền của dân tộc: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.

Bác còn nhấn mạnh đến sự bình đẳng của mỗi dân tộc trên thế giới, không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ. Hai từ bình đẳng trong một thế giới toàn cầu hóa hiện nay là cụm từ được các quốc gia xem là giá trị “tuyệt đối” để hành xử với nhau trong các mối bang giao cả về kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, ở thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX hai từ bình đẳng hầu như không có trong mối bang giao giữa các quốc gia với nhau. Nước mạnh đi xâm chiếm các nước yếu làm thuộc địa. Vì thế chủ nghĩa thực dân, đế quốc đã phát triển trên khắp toàn cầu khi đó. Điều trớ trêu, những “bộ óc” khai sinh ra chủ nghĩa thực dân, đế quốc lại là chính những quốc gia đã “khai sinh” ra những bản Tuyên ngôn Độc lập trong đó chú trọng đến những nội dung tự do, bình đẳng, bác ái. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã dẫn chứng phần mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791.

Việc này hàm ý chỉ, Pháp, Mỹ là những quốc gia luôn lấy tự do, bình đẳng làm thước đo của giá trị, vậy cớ gì thực dân Pháp lại đi xâm chiếm Việt Nam, bắt nhân dân Việt Nam phải sống cuộc sống lầm than? Do vậy, việc toàn thể dân tộc Việt Nam vùng lên giành lại độc lập, tự do là điều hiển nhiên, không thể chối cãi. Thực dân Pháp, chính quyền Mỹ và các dân tộc khác không còn con đường nào khác phải công nhận nền độc lập - tự do của dân tộc Việt Nam. Mượn chính vũ khí của kẻ thù để đập tan âm mưu của kẻ thù là một trong những thiên tài của Bác vẫn còn nguyên giá trị với chúng ta trong thời kỳ mới.

Không chỉ dừng lại trên bình diện quốc gia với quốc gia, mà trên bình diện quốc nội, Tuyên ngôn Độc lập mùng 2/9 vẫn là kim chỉ Nam cho chúng ta noi theo. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI chỉ rõ “Xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh” và để cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đã ban hành nhiều đạo luật, nghị định để đảm bảo quyền tự do của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ tại các kỳ họp Quốc hội vẫn nhận định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát tuy có chuyển biến, nhưng chậm được đẩy lùi; một số nơi do tệ quan liêu mà quyền của công dân chưa được phát huy.

Đảng sinh ra từ dân, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nếu một khi quyền làm chủ của nhân dân chưa được phát huy; quản lý kinh tế còn bất cập đã nảy sinh ra những ốc đảo với khoảng cách giàu - nghèo ngày một lớn, bất bình đẳng về thu nhập và hưởng thụ vẫn còn thì đọc lại, ngẫm lại những gì Bác đã viết trong Tuyên ngôn Độc lập vẫn và mãi còn nguyên giá trị. Và tất cả những điều trên, Đảng, Nhà nước đều đã biết và đang ra sức khắc phục những hạn chế để thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”.

Mừng 70 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9, đọc lại Tuyên ngôn Độc lập của Bác đúng là “Bản thiên cổ hùng văn” đã và sẽ còn mãi với thời gian.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này