Lễ vu lan: Đừng đua nhau mà làm ảnh hưởng đến người đã khuất

15:45 | 23/08/2015
Chỉ còn vài ngày nữa là đến rằm tháng 7 (lễ vu lan báo hiếu), nhưng ngay từ đầu tháng nhiều gia đình đã tất bật mua sắm vàng mã, đồ dùng sinh hoạt đắt tiền (bằng giấy) để đốt cho tổ tiên, cha mẹ, với mong muốn người ở “cõi âm” có thể nhận được cả vật chất lẫn tình cảm của người còn sống. Tuy nhiên, liệu những thứ đồ xa xỉ ấy “người âm” có nhận được? Làm thế nào để ngày rằm tháng 7 trở lại với đúng ý nghĩa là ngày lễ vu lan báo hiếu.
Rằm tháng 7 có nên tin chuyện ma quỷ quấy dương thế?
Những điều bí ẩn về ngày Rằm tháng 7

Đua nhau mua “hàng khủng”

Rằm tháng 7 đã cận kề, đây là thời điểm người dân có nhu cầu lớn với việc mua sắm hàng mã. Khi đời sống của người dân được nâng lên, thay vì việc chỉ đốt tiền vàng như ngày trước, hiện nay rất nhiều người dân tìm mua những đồ hàng mã độc, dị và cao cấp như: xe hơi, máy bay, nhà tầng, điện thoại di động đắt tiền…thậm chí một số gia đình còn sắm cả “chân dài” cúng tiễn cho người “cõi âm”, kèm theo đó là những suy nghĩ nhuốm màu mê tín.

Lễ vu lan: Đừng đua nhau mà làm ảnh hưởng đến người đã khuất
Vàng mã "khủng" được nhiều người dân tìm mua dịp lễ vu lan

Dạo một vòng qua con phố Hàng Mã nổi tiếng, những ngày này, người dân và thương lái đổ về đây mua sắm vàng mã rất đông, theo chị Phương một chủ quầy bán đồ hàng mã cho biết, năm nay giá cả không có gì thay đổi nhiều so với năm trước, đồ hàng mã hút khách nhất vẫn là quần áo, giày dép có giá từ 30 – 50 nghìn đồng/bộ. Xa xỉ hơn là các mặt hàng như hình nhân giá 70 – 150 nghìn/bộ; nhà cửa giá 80 – 150 nghìn/cái; xe hơi, ti vi, tủ lạnh…có giá dao động 30 – 70 nghìn đồng. Chị Hương (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, dù công việc rất bận rộn nhưng năm nào đến rằm tháng 7 chị cũng phải đi mua sắm đồ hàng mã, rồi làm mâm cơm tươm tất cúng giỗ tổ tiên. Thường vào dịp này chị phải mua nhiều vàng mã để đốt gửi cho các cụ.

“Trông thấy đơn giản vậy nhưng mỗi dịp rằm tháng 7 đến là tôi cũng mất đến vài triệu đồng mua sắm đồ vàng mã. Mẹ chồng tôi mới mất năm rồi, khi sống bà tằn tiện chắt bóp cho con cái, vì thế khi bà cụ mất chồng tôi muốn mua thật nhiều đồ dùng hiện đại, đắt tiền như xe ôtô, giày dép, nhà cửa, quần áo mới… và đốt thật nhiều tiền vàng để cụ còn thiếu cái gì sẽ mua cái đó. Trần sao thì âm vậy mà, không mua sợ bà cụ thiếu thốn, ở “cõi âm” một mình thân già thì làm gì có ai trông nom. Không mua cho cụ thì cũng tội, thấy người người, nhà nhà họ mua sắm, cúng lễ đốt cho tổ tiên, trong khi mình có điều kiện mà không mua họ lại bảo con cái không có hiếu”, chị Thanh ở Bắc Từ Liêm chia sẻ.

Trước suy nghĩ của người dân về việc mua thật nhiều đồ hiệu, đồ đắt tiền, đốt thật nhiều tiền vàng cho người đã khuất, Hòa Thượng Thích Thành Chơn, Trụ trì chùa Viên Đình cho rằng chúng ta đốt đồ dùng, tiền vàng thành tro, gió thổi bay tung tóe làm sao người đã khuất có thể dùng được, có thể tiêu được, nên nó rất lãng phí. Với số tiền đó chúng ta dành để công đức, để làm từ thiện sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Vì “cõi âm” hay vì đua nhau

Với quan niệm “Cúng cả năm không bằng rằm tháng 7”, vì thế, nhiều gia đình dù kinh tế không khá giả cũng cố gắng để sắm đầy đủ bộ lễ cúng trọn vẹn, thể hiện đạo lý làm con. Nhà giàu thì sắm ôtô, máy bay, biệt thự. Nhà nghèo thì cũng xe máy, quần áo, giày dép…giá mỗi loại từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Thế nhưng ít ai nghĩ rằng, đốt nhiều vàng mã, nhiều đồ dùng đắt tiền, thậm chí sắm mâm cao, lễ đầy thì người “cõi âm” chắc gì đã nhận được, mà chỉ gây lãng phí, tốn kém. Âm – Dương hai thế giới hoàn toàn khác biệt, thậm chí nó chỉ có trong trí tưởng tượng của mỗi người, việc cảm nhận được đã khó chứ đừng nói đến việc gửi tiền vàng, nhà cửa, xe hơi, giết mổ gà lợn… Theo Hòa Thượng Thích Thành Chơn, nếu việc này diễn ra quá nhiều, không chỉ người trần có lỗi lãng phí, sát sinh quá nhiều mà theo quan niệm của đạo phật, người “cõi âm” cũng phải chịu tội cùng, khi đó linh hồn họ sẽ khó siêu thoát. Cách làm tốt nhất là tĩnh tâm và đọc kinh cầu nguyện cho người đã khuất, như thế người ở thế giới bên kia mới nhẹ nhàng siêu thoát.

Lễ vu lan: Đừng đua nhau mà làm ảnh hưởng đến người đã khuất
Đừng vì suy nghĩ đua nhau mà làm ảnh hưởng đến người đã khuất

Cùng chung quan điểm với Hòa Thượng Thành Chơn, nhà nghiên cứu văn hóa, G.S Trần Lâm Biền cho biết, tục đốt vàng mã xuất phát từ Trung Hoa vào khoảng thế kỷ thứ 6, khi vua chúa chết đi họ thường được chôn theo của cải, vật phẩm, thậm chí người hầu kẻ hạ. Ở Việt Nam hiện nay khu vực Tây Nguyên vẫn còn lưu giữ phong tục chôn đồ dùng sinh hoạt cho người mất. Sau đó để tránh việc chôn theo người đã khuất những tài sản và người hầu kẻ hạ, người xưa nghĩ ra cách dùng hình nhân thế mạng, dùng vàng mã hóa cho người đã mất, như thế người ta cho rằng đó là một sự tiến bộ của một thời kỳ lịch sử.

G.S Trần Lâm Biền cho rằng, việc đốt vàng mã thể hiện văn hóa ứng xử của người sống với người đã khuất, là tình cảm đạo lý của người sống dành cho tổ tiên, cha mẹ. Thế nhưng hiện nay nhiều gia đình, cá nhân có điều kiện đã mua sắm nhiều đồ dùng sinh hoạt đắt tiền, hiện đại nhưng mà quên đi rằng đó là việc làm “coi thường” người đã mất, thậm chí thể hiện sự thiếu hiểu biết. “Chúng ta cứ nghĩ “trần sao âm vậy” rồi đua nhau mua nhà lầu, xe hơi…cho người”cõi âm”. Đó hoàn toàn là không chính xác, bịa đặt, nhảm nhí thể hiện trí tuệ thấp kém, chúng ta đang áp đặt cái tiêu cực, xấu xa của mình vào thế giới linh thiêng. Đấy chỉ là một sự khoe mẽ, ghanh đua giữa những con người lắm tiền, nhiều của. Đừng vì bản thân mình mà làm ảnh hưởng đến người kiếp đời và tìm vinh quang ảo với người xung quanh”, G.S Biền nói.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này