Đằng sau các trạm thu phí BOT

11:40 | 20/08/2015
Hiện nay, các trạm thu phí BOT mọc lên như nấm sau mưa, bất chấp các quy định. Thậm chí một câu chuyện khó tin vừa xảy ra tại Thanh Hóa khi 6 doanh nghiệp cùng chi tiền thực hiện 6km đường để khai thác trạm thu phí. Vậy, mô hình trạm thu phí có thực sự đem lại siêu lợi nhuận cho các doanh nghiệp xây dựng?
Sai sót giăng đầy Dự án BOT mở rộng QL1 qua Quảng Trị
Thanh tra đột xuất dự án Quản lý tài sản đường bộ

“Miếng bánh” BOT

Thời gian qua, dù dư luận đã lên tiếng bức xúc nhưng những trạm thu phí đường dự án BOT liên tiếp mọc lên. Giới doanh nghiệp vận tải thì hoa mắt, chóng mặt bởi phí vận tải cứ tăng vùn vụt, hệ thống đường bộ bị cắt khúc. Người dân thì ám ảnh bởi “ma trận” trạm thu phí bủa vây.

Đỉnh điểm của việc này có lẽ phải kể đến sự kiện 6 doanh nghiệp cùng nhau thi công... 6km đường ở Thanh Hóa theo hình thức BOT. Dư luận được một phen kinh ngạc và nhiều dấu hỏi đã được đặt ra từ việc đầu tư được cho là “kỳ lạ” này. Chuyện lạ đã thành hiện thực khi cách đây ít ngày, Bộ GTVT đã tổ chức lễ động thổ giai đoạn I dự án đường vành đai phía tây TP.Thanh Hóa từ km-Km6 theo hình thức xây dựng – Kinh doanh-chuyển giao (BOT). Công trình này được kết hợp bởi 6 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Được biết, sau khi hoàn thành, các doanh nghiệp sẽ sử dụng trạm thu phí tại km 286+397 QL 1A để hoàn vốn. Thời gian thu phí sẽ kéo dài 13 năm, từ 2017-2030.

Đằng sau các trạm thu phí BOT
Trạm thu phí mọc lên như nấm. Ảnh minh họa

Mục đích đầu tư của 6 doanh nghiệp trên thì đã rõ nhưng đó có phải là mục đích thực sự. Nếu nói về tầm quan trọng, đoạn đường 6 km này cũng không có gì quá đặc biệt. Tính ra, bình quân là mỗi nhà thầu nhận 1km và vốn đầu tư cho mỗi doanh nghiệp cũng lên đến hàng trăm tỷ. Điều đương nhiên, mỗi một dự án đầu tư, bất cứ doanh nghiệp nào cũng nghĩ đến lợi nhuận. Có chuyên gia đặt câu hỏi, đầu tư như vậy mà chỉ dựng một trạm thu phí thì đến bao giờ mới hoàn được vốn. Việc tập trung vào các dự án BOT của các “đại gia” xây dựng là vì cộng đồng hay đây chính là nơi “đẻ” ra “tiền khủng” cho doanh nghiệp trong tương lai.

TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, Bộ GTVT, cho rằng, chúng ta đang có xu hướng thương mại hóa quá mức các con đường. Ai cũng biết, giao thông là nhu cầu thiết yếu của con người và nhiều đơn vị đã lợi dụng nhu cầu này để kiếm tiền. Trong khi đó, nhiều đơn vị được ưu đãi về vốn, rủi ro thấp và có thể thu hồi vốn, sinh lời trong khoảng thời gian dài.

Nếu để ý thì thấy, trong khoảng vài năm trở lại đây, hình thức đầu tư BOT giao thông nở rộ, riêng tuyến QL1A đã có hàng chục dự án BOT được khởi công. Nhiều chuyên gia giải thích, các doanh nghiệp đổ xô đầu tư vào lĩnh vực này vì họ đã tính toán được số tiền lớn sẽ thu được trong tương lai. Bởi theo cơ chế, khi xây công trình BOT, phần tiền đi vay ngân hàng theo lãi suất thương mại cũng được đưa vào để tính thời gian thu phí hoàn vốn. Với phương thức như vậy, chủ đầu tư rõ ràng không cần nhiều vốn để thực hiện dự án. Nhận định này được chứng minh khi các dự án BOT trên QL1A, nhà đầu tư chỉ có 15% vốn, 85% còn lại là đi vay ngân hàng. Với tuyến đường độc đạo như QL1A mà thời gian thu phí lại từ 20-25 năm thì nhà đầu tư sẽ không sợ rủi ro. Trong khi đó, trong thời điểm kinh tế khó khăn, việc chi tiền ra đầu tư dự án bất động sản, hay các công trình khác tỉ lệ rủi ro là rất cao.

Cỗ máy tận thu cho doanh nghiệp

Theo quy định, khoảng cách đặt trạm thu phí phải từ 70km nhưng có nhiều cung đường chỉ 40km có đến 3 trạm thu phí. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang cố tình phớt lờ quy định này. Theo Viện Chiến lược và phát triển GTVT, đến tháng 4/2014 cả nước có 37 trạm thu phí BOT (chưa tính các trạm thu phí trên đường cao tốc và trên các tỉnh lộ, quốc lộ mà UBND các tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền với dự án). Đến năm 2016 trên hệ thống quốc lộ cả nước sẽ có 69 trạm thu phí hoàn vốn BOT, trong đó có 33 trạm lập mới đã ký hợp đồng BOT. Căn cứ vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư xã hội hóa của Bộ GTVT, nếu các dự án được thực hiện thì đến năm 2020 trên hệ thống quốc lộ quy hoạch 102 trạm thu phí, trong đó có 33 trạm lập mới, đến năm 2030 quy hoạch 121 trạm thu phí (có 19 trạm lập mới).

Đưa quan điểm về vấn đề trên, TS. Đinh Thanh Bình, Chủ nhiệm bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, ĐH GTVT, cho biết: “Tình trạng người dân bức xúc trước quá nhiều trạm thu phí như hiện nay là có thật. Tôi đã từng chứng kiến đoạn đường chưa đầy 60km mà các doanh nghiệp lập đến 3 trạm thu phí. Khi đó, tôi có đặt câu hỏi cho lãnh đạo tỉnh thì vị này nói rằng, đoạn đường đó xấu nên phải chia thành 3 đoạn và giao cho 3 nhà thầu thi công. Ngay sau thời điểm hoàn thành, họ lập nên 3 trạm thu phí để hoàn vốn. Điều này cho thấy, nhiều tuyến đường hiện nay bị chia nhỏ một cách vụn vặt và đặt các trạm thu phí quá gần nhau gây bức xúc cho người dân. Theo tôi, để dẫn đến tình trạng này là do các quy định, quy hoạch của chúng ta còn bất cập”.

TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, Bộ GTVT, cho rằng, chúng ta đang có xu hướng thương mại hóa quá mức các con đường. Ai cũng biết, giao thông là nhu cầu thiết yếu của con người và nhiều đơn vị đã lợi dụng nhu cầu này để kiếm tiền. Trong khi đó, nhiều đơn vị được ưu đãi về vốn, rủi ro thấp và có thể thu hồi vốn, sinh lời trong khoảng thời gian dài.

Nhiều chuyên gia khẳng định, ở nhiều nước trên thế giới, trước khi triển khai, các dự án BOT đều được thẩm tra rất kỹ và công khai, minh bạch thông tin, nhất là thông tin về phần thu của nhà đầu tư. Ví dụ, họ công khai, minh bạch về lượng xe lưu thông hàng ngày, số tiền phí thu được từ những phương tiện giao thông này, khả năng và thời gian thu hồi vốn và có lãi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những nội dung này chưa được công khai, minh bạch. Có chăng chỉ là công bố số vốn đầu tư và thời gian thu phí. Người dân không biết những con số này nên không thể giám sát được. Chính vì thế, các dự án BOT giao thông hiện nay không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia.

Minh Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này