Bò Úc ồ ạt vào thị trường Việt Nam: Vừa mừng, vừa lo!

10:44 | 19/08/2015
Nhập khẩu bò Úc là vấn đề không mới, tuy nhiên thời gian gần đây, số lượng nhập khẩu bò nguyên con vào Việt Nam đã thực sự trở thành “cơn lốc”. Theo Hiệp hội chăn nuôi VN, số lượng nhập khẩu bò Úc 7 tháng đầu năm vào nước ta tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái và tăng 50% so với năm 2013. Trước thực trạng ấy, người chăn nuôi tỏ ra lo lắng, bò Úc sẽ “nuốt” mất bò Việt, người chăn nuôi phải làm gì để bảo vệ nguồn lợi kinh tế của mình?
Tốc độ nhập bò Úc vào Việt Nam tăng khủng khiếp

Bò Úc ồ ạt vào Việt Nam

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hiện nay bò Úc đã chiếm gần 50% thị phần bò tươi ở phía Bắc, còn ở phía Nam thị phần lớn hơn, vào khoảng gần 70%, khiến bò Việt Nam gần như vắng bóng và chỉ xuất hiện ở một số chợ truyền thống.

Sau “làn sóng” xe tải Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, tạo ra một sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá với doanh nghiệp nội địa, khiến xe tải trong nước có nguy cơ mất thị trường, mới đây, một “cơn lốc” mới từ bò Úc được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đã tạo ra sự lo lắng không nhỏ đối với người chăn nuôi bò trong nước. Được biết, bò Úc được nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2012, khi đó số lượng mới chỉ ở mức 3.000 con. Tuy nhiên, đến năm 2013 đã tăng lên gần 67.000 con; năm 2014 là 150.000 con. Chỉ tính trong 7 tháng đầu năm 2015, nước ta nhập về khoảng 120.000 con, tăng 4 lần so với cùng kỳ và tăng 50% so với năm 2013. Số liệu trên cho thấy, tốc độ nhập khẩu bò Úc vào thị trường Việt Nam tăng nhanh khủng khiếp.

Bò Úc khi vào Việt Nam đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần trong nước, đánh bật bò nội ra khỏi hệ thống các cửa hàng, siêu thị, quán ăn. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hiện nay bò Úc đã chiếm gần 50% thị phần bò tươi ở phía Bắc, còn ở phía Nam thị phần lớn hơn, vào khoảng gần 70%, khiến bò Việt Nam gần như vắng bóng và chỉ xuất hiện ở một số chợ truyền thống.

Bò Úc ồ ạt vào thị trường Việt Nam: Vừa mừng, vừa lo!
Cần thay đổi quy trình chăn nuôi để nâng cao sức cạnh tranh với bò nhập khẩu

Đánh giá về việc nhập khẩu bò Úc tăng đột biến, ông Nguyễn Khánh Trường, Giám đốc Cty TNHH & TM Trường Nguyên, cho biết: Năm 2014, lượng bò Úc nhập về nước ta tăng mạnh là do lượng bò nội và bò nhập khẩu từ Lào và Camphuchia giảm mạnh. Bên cạnh đó, giá bò Úc nhập về Việt Nam cũng rẻ hơn so với giá bò nội, nên được nhiều người dân lựa chọn. Tuy nhiên, năm nay giá bò Úc đã tăng lên gần 35% so với năm trước, nhưng số lượng nhập khẩu không giảm mà còn tăng lên gấp 2,5 lần là điều chưa từng thấy. Nếu các nhà chuyên môn không có các chính sách hợp lý, các cơ sở chăn nuôi không có những định hướng lâu dài, chắc chắn thị trường thịt bò Việt Nam sẽ bị bò Úc chiếm lĩnh.

Thay đổi để thích nghi

Theo số liệu từ Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, tính đến nay tổng đàn bò trong cả nước ước đạt hơn 5 triệu con, giảm 1,5 triệu con so với 5 năm trước. Cùng với việc bò Úc ồ ạt vào thị trường Việt Nam có thể thấy, ngành chăn nuôi đang lộ rõ những yếu kém. Cụ thể, hiện nay ngành chăn nuôi bò trong nước phát triển còn nhỏ lẻ, manh mún chủ yếu tại các hộ gia đình hoặc các trang trại nhỏ không chuyên nghiệp. Bò chủ yếu được chăn nuôi theo dạng kiêm dụng, diện tích đồng cỏ dành cho chăn thả ít, vì đa số diện tích dành cho việc trồng cây nông nghiệp và công nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam thiếu giống bò cao sản, thiếu bò cái chuẩn, dẫn đến bò giống cao, khi bán ra thị trường lại qua nhiều khâu trung gian, dẫn đến chi phí đắt đỏ… Bò Úc với giá thành rẻ khi vào Việt Nam đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, gây sức ép mạnh với chăn nuôi bò trong nước.

Bên cạnh những điều kiện không thuận lợi về chăn nuôi bò, một nguyên nhân khác khiến lượng bò Úc tăng đột biến và dần chiếm thị phần bò trong nước là do doanh nghiệp. Với việc chạy trước đón đầu để hưởng lợi chính sách thuế nhập khẩu bò sống, nhiều doanh nghiệp Việt đã nhập khẩu bò Úc nguyên con về Việt Nam. “Doanh nghiệp được truyền thông ca tụng vì mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi bò Úc, nhưng cách nuôi này cho thấy sự “bất thường”. Họ không nhập khẩu giống hay nhập khẩu bê về nuôi, mà chủ yếu nhập khẩu bò trưởng thành để vỗ béo, nuôi khoảng 3-4 tháng rồi bán, khiến thị trường bò trong nước bị sức ép rất lớn. Ngay cả những vùng có lợi thế về chăn nuôi bò như ở Ba Vì, hiện nay để bán một con bò được giá như trước là rất khó, thậm chí gọi người mua cả tuần cũng không đến, vì hiện nay lợi nhuận từ việc mua bò Úc lớn hơn so với bò Việt”, anh Hải, người chăn nuôi bò ở Tòng Bạt, Ba Vì, cho hay.

Trước thực trạng tăng nhanh số lượng bò Úc nhập khẩu vào Việt Nam với giá rẻ, những người chăn nuôi cảm thấy lo lắng, nhất là khi thuế nhập khẩu sẽ bằng 0% vào năm 2018. Bên cạnh đó, hiện nay ngành chăn nuôi chỉ chú trọng phát triển đàn bò sữa mà “quên” phát triển bò thương phẩm, khiến người chăn nuôi bất an. Tuy nhiên, đứng trước thực trạng cạnh tranh khốc liệt giữa bò Việt và bò Úc, nhiều chuyên gia trong ngành lại tỏ ra lạc quan và cho rằng, việc bò Úc nhập khẩu lớn mở ra một hướng đi mới cho chăn nuôi bò thịt, chứ không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Th.s chuyên ngành chăn nuôi, Trường Đại học Nông nghiệp, chia sẻ, hiện bò Úc được nhập vào Việt Nam chủ yếu là giống Red Angus, Brahman và lai Sind, tuy nhiên xét trên thực tế các giống bò này đều kém hơn bò lai BBB (3B) của Việt Nam. Giống bò 3B tuy mới được đưa vào chăn nuôi nhưng cho thấy khả năng vượt trội về sinh trưởng và tỉ lệ xẻ thịt cao hơn 30-40% so với giống bò lai Sind. Vì thế, yếu tố cạnh tranh ở đây chỉ là vấn đề giá thành chăn nuôi, ở Úc họ chăn nuôi theo hướng thả tự nhiên bởi diện tích chăn thả lớn, còn Việt Nam thì ngược lại. Vì thế, để bò Việt có thể cạnh tranh với bò Úc, ngoài việc cơ quan có chức năng nghiên cứu chính sách phát triển bò nội, thì người chăn nuôi cũng cần phải cải thiện quy trình chăn nuôi. “Từ câu chuyện bò Úc, tôi cho rằng không phải cái gì nhập khẩu về cũng sẽ gây bất lợi, mà ngược lại nó còn tạo ra sức cạnh tranh với các sản phẩm trong nước. Nếu chúng ta không muốn “thua trên sân nhà” thì buộc phải thay đổi, nâng cấp cả về số lượng và chất lượng, không chỉ với con bò”, bà Hằng cho hay.

Thị trường Việt Nam thiếu giống bò cao sản, thiếu bò cái chuẩn, dẫn đến bò giống cao, khi bán ra thị trường lại qua nhiều khâu trung gian, dẫn đến chi phí đắt đỏ… khiến bò Úc khi vào Việt Nam đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, gây sức ép mạnh với chăn nuôi bò trong nước.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này