Bóc mẽ thủ đoạn “bức tử” cây xanh đô thị

10:46 | 19/08/2015
Cũng chỉ vì muốn có thêm chút diện tích vỉa hè để mưu sinh, nhiều người đã nghĩ ra nhiều cách thức oái oăm để giết hại cây xanh đô thị. Có những cây cổ thụ mấy chục năm tuổi cứ chết dần, chết mòn vì trò phá hoại có một không hai này.
Phải chăm sóc cây xanh đúng cách
Kết luận về dự án cải tạo, thay thế, trồng mới cây xanh: Thêm niềm tin trong dân
Cây xanh tác động đến môi trường sống như thế nào

Muôn cách bức tử cây

Một sáng đầu hè, người dân sống giữa phố Hàng Bài giật mình khi phát hiện ra cây sấu đang tuổi tráng niên, thân cây to bằng cả vòng tay người chỉ qua một đêm đã bị kẻ gian... chặt toàn bộ tán. Chưa dừng lại ở đó, đến đêm hôm sau, ngọn cây cũng đã bị chặt trụi. Chính quyền đến lập biên bản khi sự việc đã xong và đối tượng chặt cây đã... biến mất.

Bóc mẽ thủ đoạn “bức tử” cây xanh đô thị
Cây xà cừ cổ thụ bị bóc vỏ

Đó chỉ là một trong số rất nhiều cách thức mà người ta có thể nghĩ ra để triệt hại cây xanh. Chị Liễu, chủ quá trà đá trên phố Đê La Thành kể: “Ngay bên kia đường trước kia có một cây dâu da rất to, dễ đến vài chục năm rồi. Tôi ngồi đây nên chứng kiến, chiều nào bà chủ cửa hàng quần áo cũng mang ấm nước sôi tưới vào gốc cây, ngày nhiều tưới đến 2 lần. Được hơn một tháng thì cây dâu da héo úa rồi chết. Mới đây, công nhân của công ty cây xanh đã đến cưa đi rồi”.

Ở nhiều tuyến phố khác như Hoàng Hoa Thám, Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Cân...cây xanh còn bị bức tử bởi những độc chiêu như bóc vỏ, quấn dây thép. Có người còn nghĩ ra phương thức giết cây xanh quái đản là khoét một lỗ nhỏ rồi bơm a-xít, dầu nhớt vào thân cây khiến chỉ vài tuần sau cây héo rũ mà chết. Có kẻ hiểm độc hơn còn dùng muối chôn xuống gốc cây để cây chết dần chết mòn. Hoặc đơn giản hơn, người ta cưa quanh thân cây, vào tận lõi, cây cứ thế chết mà nhiều người không hiểu tại sao.

Cách đây không lâu, người dân Hà Nội đã rất bức xúc trước việc 35 cây xà cừ bị cạo và đẽo vỏ trên các tuyến phố. Không chỉ bị lột vỏ, những cây xà cừ cổ thụ trên các tuyến phố như Lê Duẩn, Kim Mã, Láng còn bị những vết chém sâu. Có cây bị chém lõm vào khoảng 2cm, tới tận thân. Một số chuyên gia thực vật cho rằng, sau khi bị lột vỏ, cây bị cắt đứt đường vận chuyển chất hữu cơ và nước nên dễ bị chết khô.

Phạt nhẹ nên không sợ

Chưa có một thống kê cụ thể, Hà Nội mỗi năm có bao nhiêu cây phải chết theo cách thức này nhưng ai cũng biết để trồng được một cây có đường kính 40cm-1m phải mất mấy chục năm.

Đã nhiều lần các nhà bảo vệ môi trường lên tiếng “đòi lại công bằng” cho cây xanh nhưng việc cây xanh bị “bức tử” vẫn thường xuyên diễn ra. Vì sao những người triệt hạ cây xanh không sợ? Nguyên do chính là tuy trong Bộ luật Hình sự có hẳn chương 17 về "các tội phạm về môi trường” nhưng trong những tội danh không có tội danh nào cho hành vi phá hoại, huỷ hoại cây xanh.

Nói về chế tài xử phạt vụ chặt tán cây trên phố Hàng Bài, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, cũng chỉ cho rằng, hành vi này vi phạm khoản 3 điều 7 Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị và khoản 1, 2 điều 17 Quyết định 19/2010/QĐ-UBND về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn TP.Hà Nội về việc cắt sửa, chặt hạ cây xanh không đúng quy định, không có giấy phép. Trong khi đó, Nghị định 23 của Chính phủ ngày 27/2/2009, tại điểm a khoản 2 điều 44 quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi tự ý chặt hạ, di dời cây xanh; ngoài hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra…. Riêng các tổ chức, cá nhân muốn tỉa cành, di dời cây xanh phải được sự cho phép của các đơn vị chức năng.

Luật sư Nguyễn Quang Thành cho rằng: "Cây xanh là một chủ thể không thể thiếu trong cảnh quan chung của thành phố, có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường. Để có được một cây cổ thụ phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Theo tôi nên bổ sung hành vi cố tình xâm hại, chặt phá cây xanh thành tội cố tình giết hạ cây xanh vào Bộ luật Hình sự. Nếu vi phạm nghiêm trọng có thể truy tố trước pháp luật”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử phạt với các tội danh hủy hoại cây xanh vẫn còn quá nhẹ. Luật sư Nguyễn Quang Thành cho rằng: "Cây xanh là một chủ thể không thể thiếu trong cảnh quan chung của thành phố, có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường. Để có được một cây cổ thụ phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Theo tôi nên bổ sung hành vi cố tình xâm hại, chặt phá cây xanh thành tội cố tình giết hạ cây xanh vào Bộ luật Hình sự. Nếu vi phạm nghiêm trọng có thể truy tố trước pháp luật”.

Thiết nghĩ, song song với việc siết chặt hình phạt với hành vi triệt phá cây xanh, cơ quan chức năng cần lập quỹ khen thưởng đối với cá nhân phát hiện, thông báo kịp thời về các hành vi xâm hại, chặt cây xanh để khuyến khích việc bảo vệ cây xanh. Đồng thời, thông qua các kênh truyền thông là các tổ chức xã hội ở địa phương tích cực tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường. Có như vậy chúng ta mới bảo vệ được lá phổi xanh của thành phố...

Minh Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này