Một số dịch vụ y tế đối với người có HIV sẽ do BHYT chi trả

Lo bệnh nhân HIV bỏ thuốc

10:48 | 19/08/2015
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, từ ngày 15/8, nhiều dịch vụ y tế đối với người có HIV trước đây được miễn phí thì nay BHYT sẽ chi trả, trong đó có thuốc kháng sinh virus (ARV).
Đẩy mạnh công tác hỗ trợ cho người nhiễm HIV
Bước đột phá mới trong điều trị HIV bằng liệu pháp kháng thể
Lần đầu tiên “xóa sổ” vi rút HIV khỏi tế bào của người

Chỉ 30% người nhiễm HIV có BHYT

Tại phòng khám ngoại khoa, Bệnh viện đa khoa Đống Đa, bệnh nhân HIV điều trị khá đông. Chị V, quê Thái Nguyên, cho biết: Nhà chị cả 3 người đều bị HIV, chị bị lây từ chồng đến khi sinh bé đầu lòng đi xét nghiệm mới biết mình bị HIV. “Từ trước tới giờ cả gia đình tôi vẫn được điều trị thuốc ARV miễn phí, giờ không được miễn phí nữa thì không biết sẽ thế nào. Bình thường, động viên chồng tuân thủ theo phác đồ điều trị đã khó, giờ phải mua bảo hiểm y tế chắc anh sẽ bỏ không chữa nữa”, chị V. buồn rầu chia sẻ.

Lo bệnh nhân HIV bỏ thuốc
Bệnh nhân HIV đang điều trị tại bệnh viện

Theo chuyên viên tư vấn, hỗ trợ tuân thủ điều trị Đào Phương Thanh, phòng khám ngoại trú, Bệnh viện đa khoa Đống Đa, chị cũng bị HIV 10 năm rồi nên rất hiểu tâm tư của bệnh nhân có HIV. Các bệnh nhân HIV đến chữa tại phòng khám có tới 95% có hoàn cảnh khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định và hầu hết không mua bảo hiểm y tế. Hàng năm có khoảng hơn 1.000 bệnh nhân HIV đến khám và điều trị tại đây, trung bình mỗi tháng có khoảng 10 bệnh nhân chữa trị tại khoa, con số có thể tăng hoặc giảm do có nhiều bệnh nhân chết, chuyển đi hoặc bỏ không điều trị.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, từ ngày 15/8, theo Thông tư số 15/2015/TT-BYT hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người có HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS, nhiều dịch vụ y tế đối với người có HIV trước đây được miễn phí thì nay sẽ do BHYT chi trả. Theo thống kê, có khoảng 48% người có HIV điều trị ARV. Các dịch vụ do BHYT chi trả cho người có HIV gồm: Thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ; phí xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai có HIV; khám bệnh; xét nghiệm HIV; thuốc ARV và các dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ có HIV. Như vậy, bệnh nhân HIV có BHYT sẽ được BHYT thanh toán tiền điều trị ARV, đồng thời phải đồng chi trả tiền thuốc và xét nghiệm.

Cũng theo ông Long, cả nước có hơn 98.000 người có HIV đang được điều trị miễn phí thuốc ARV. Số thuốc này tương đương 420 tỉ đồng. Năm 2015, nhà nước chỉ cấp kinh phí 60 tỉ đồng để mua thuốc ARV. So với các năm trước (chỉ được 20 tỉ đồng) cũng đã cao hơn nhiều nhưng không thấm vào đâu so với tiền thuốc trên thực tế. Số thuốc còn lại đều do các tổ chức quốc tế viện trợ miễn phí. Hàng năm, Việt Nam lại có khoảng 800-1.000 bệnh nhân HIV mới cần được điều trị ARV. Tuy nhiên, từ ngày 1/4/2015, các tổ chức quốc tế đã chấm dứt chi tiền cho các bệnh nhân mới. Đến hết năm 2017, tiền viện trợ chi cho thuốc ARV sẽ chấm dứt hoàn toàn.

Lo lây lan HIV ra cộng đồng

Theo chuyên viên tư vấn Đào Phương Thanh, bệnh nhân bị HIV nếu phát hiện sớm và được điều trị ngay sẽ giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm. Nếu cắt giảm và chuyển sang BHYT chi trả cho bệnh nhân thì bệnh nhân và người nhà rất khó khăn. Trước kia, bệnh nhân HIV được điều trị miễn phí, người thân còn phải động viên, giờ phải mua bảo hiểm, chỉ lo bệnh nhân HIV sẽ bỏ thuốc. Ngoài ra, do họ ngại làm các thủ tục, chính vì vậy sẽ kéo dài thời gian ủ bệnh, nguy cơ bệnh sẽ nặng hơn và khả năng lây lan ra cộng đồng là rất lớn.

Việc đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc BHYT là biện pháp hỗ trợ cho những người có HIV. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là mới chỉ khoảng 30% người có HIV có thẻ BHYT. Việc “đứt” thuốc điều trị đối với người có HIV sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc, kéo theo việc điều trị tốn kém gấp cả chục lần. Đáng lo hơn là nồng độ virus trong máu tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác.

Việc đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc BHYT là biện pháp hỗ trợ cho những người có HIV. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là mới chỉ khoảng 30% người có HIV có thẻ BHYT. Việc “đứt” thuốc điều trị đối với người có HIV sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc, kéo theo việc điều trị tốn kém gấp cả chục lần. Đáng lo hơn là nồng độ virus trong máu tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác.

Theo bà Đỗ Thị Nhàn, Trưởng phòng Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), sở dĩ tỉ lệ người có HIV tham gia BHYT còn thấp là do nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Hơn nữa, đa phần dịch vụ y tế chăm sóc bệnh nhân ngoại trú hiện được miễn phí hoàn toàn. Theo phác đồ điều trị, mỗi năm, bệnh nhân HIV phải mất hơn 4 triệu đồng để mua thuốc ARV và một số xét nghiệm liên quan. Nhưng đối với bệnh nhân kháng thuốc, điều trị lâu thì số tiền này tăng lên 7-8 lần. Chưa kể, người bệnh phải đồng chi trả 5%-20%, phải mua thẻ BHYT hơn 600.000 đồng/năm nên sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, việc người có HIV sử dụng thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh, lĩnh thuốc ARV có thể khiến nhiều người e ngại vì sợ lộ danh tính hoặc bị cộng đồng kỳ thị.

Để người có HIV duy trì việc điều trị, ông Long cho rằng, cần có các chính sách như tăng hỗ trợ mua thẻ BHYT, giảm đồng chi trả… “Điều trị ARV làm giảm 95% nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác. Do đó, việc điều trị ARV miễn phí cho người có HIV không chỉ có ý nghĩa với người bệnh mà còn là đầu tư cho xã hội”, ông Long lưu ý.

Trang Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này