“Giam” lương, “găm” sổ bảo hiểm của người lao động

16:07 | 10/08/2015
Trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng mới đây, ông Nguyễn Công Thành - nguyên là nhân viên của Cty VPBank CF (nay đổi tên thành Cty Tài chính TNHH một thành viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, trụ sở chính tại quận 4, TPHCM, dưới đây gọi tắt là Cty Tài chính VPBank) - cho biết: “Khi hết hạn HĐLĐ, dù tôi hoàn thành tốt mọi nghĩa vụ, nhưng Cty không trả tiền lương kinh doanh và sổ BHXH cho tôi”.
Chế độ BHXH với đối tượng tinh giản biên chế
Hết tiền, giám đốc nói ngang!

Giữ lại lương để... chờ điều tra

Ông Thành bắt đầu làm việc cho Cty Tài chính VPBank từ tháng 2.2013, đến ngày 25.5.2015, hai bên chấm dứt HĐLĐ. Theo ông Thành, mặc dù tháng cuối cùng, ông hoàn thành đến 235% mục tiêu, theo quy định của Cty sẽ được hưởng 12,65 triệu đồng lương kinh doanh. Tuy nhiên, đến ngày 30.6 là ngày Cty trả lương kinh doanh tháng 5 cho nhân viên, ông Thành vẫn chưa được nhận khoản lương này.

Ông Thành đã gửi email đến các phòng, ban chức năng của Cty Tài chính VPBank nhưng không được hồi âm là có trả hay không. Mãi đến ngày 14.7, ông Thành mới nhận được email trả lời từ một trưởng phòng của Cty, với nội dung: “Không được trả lương kinh doanh tháng 5”. Chưa hết, mặc dù ông Thành và Cty Tài chính VPBank đã chấm dứt HĐLĐ từ ngày 25.5, nhưng đến nay, đã 2,5 tháng qua, ông Thành cũng không được Cty trả sổ BHXH. Do việc chậm trễ này, ông Thành cũng không thể đi đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Giam” lương, “găm” sổ bảo hiểm của người lao động
Đại diện Cty Tài chính VPBank trao đổi với PV Báo Lao Động. Ảnh: Đ.H

Để làm rõ những vấn đề bức xúc của ông Thành, mới đây chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện Cty Tài chính VPBank. Tại buổi làm việc này, bà Nguyễn Việt Kim Giang - Trưởng phòng Chính sách phúc lợi toàn diện của Cty Tài chính VPBank - xác nhận, việc Cty đang giữ tiền lương kinh doanh tháng 5.2015 của ông Thành là có thật. Theo giải thích của bà Giang, tiền lương của Cty gồm hai khoản là lương cơ bản và lương kinh doanh. Lương cơ bản tháng 5 của ông Thành đã được Cty trả đủ. Theo quy chế trả lương của Cty, phần lương kinh doanh sẽ được chi trả sau khi kiểm tra nhân viên đã đủ điều kiện hưởng. Lý do mà Cty Tài chính VPBank chưa trả tiền lương kinh doanh tháng 5 của ông Thành là do nghi ngờ ông Thành có dấu hiệu cạo sửa một số giấy tờ, nên Cty phải tạm thời giữ lại để điều tra. Sau khi điều tra xong, nếu ông Thành không vi phạm gì, Cty sẽ chi trả. Chúng tôi có đề nghị Cty cung cấp cho quy chế trả lương thì bà Đỗ Ngọc Quý - chuyên viên tuân thủ bộ phận pháp chế của Cty - yêu cầu Báo Lao Động phải có văn bản đề nghị, Cty mới cung cấp.

Chưa tuân thủ đúng luật

Về vấn đề anh Thành đã chấm dứt HĐLĐ với Cty tài chính VPBank 2,5 tháng nhưng vẫn chưa nhận được sổ BHXH, bà Giang khẳng định, Cty đang làm thủ tục để chốt sổ BHXH cho anh Thành tại BHXH quận 4. Chúng tôi đề nghị bà Kim Giang cung cấp một bản biên nhận thì được bà Giang cho biết: “Mọi giấy tờ của Cty đều đang lưu giữ ở chi nhánh tại tỉnh Bình Dương nên sẽ cung cấp sau”.

Trong khi đó, Giám đốc BHXH quận 4 (TPHCM) lại cho biết, hiện BHXH quận 4 đang làm thủ tục chốt sổ BHXH cho một số nhân viên của Cty Tài chính VPBank nhưng không có tên ông Nguyễn Công Thành, mà đang chốt sổ BHXH cho người này ở BHXH quận 1 (nơi Cty đóng trụ sở trước đây). Chúng tôi tiếp tục xác minh tại BHXH quận 1, thì được biết, Cty này không nợ BHXH và đang chốt sổ BHXH cho nhiều nhân viên.

Luật sư Trần Phi Đại - Cty Luật Thiện Việt, Đoàn Luật sư TPHCM - phân tích: Khoản 2, Điều 47, Bộ luật LĐ năm 2012 quy định trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Quy chế trả lương của Cty, nếu có, cũng không được trái với quy định của pháp luật.

Như vậy, trong trường hợp này, Cty Tài chính VPBank chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này