Trồng 1 ha sachi có thể thu 350 triệu đồng

Bài học nhãn tiền từ mắc ca

05:42 | 08/08/2015
Cách đây một năm, dư luận rộ lên về cây “triệu đô”, “tỷ đô” mắc ca khiến không ít người dân đổ xô trồng loại cây này và không lâu sau đó, họ đã phải khóc dở, mếu dở vì không biết bán mắc ca cho ai. Hiện nay, dư luận lại đang xôn xao về cây sachi  với  những dưỡng chất có giá trị dinh dưỡng như “thần dược”, trồng cây này cho hiệu quả kinh tế rất cao. Câu hỏi đặt ra, liệu đó có phải chiêu PR thổi phồng sự thật?. 
Chuyện “cây tỷ đô” "mắc cạn" ở Lâm Đồng
Hạt mắc ca phá thế độc canh, làm giàu cho Tây Nguyên

Trồng sachi đem lại hiệu quả kinh tế cao?

Cây sachi (hay sacha inchi, peanut inca, inca inchi) là loài thực vật họ thầu dầu xuất xứ từ Nam Mỹ. Về Việt Nam, sachi được quảng bá là "vua của các loại hạt", "siêu thực phẩm mới", "dầu ăn tốt nhất thế giới"… Với tổng mức đầu tư ban đầu chừng 100-150 triệu đồng, mỗi hecta sachi có thể cho giá trị kinh tế lên tới 350 triệu đồng. Omega-3 trong sachi được cho là có đến 48%-54%, giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng tế bào thần kinh, giảm các nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch gây nên…

Điều đáng nói, một số phân tích cho rằng, hàm lượng omega 3, 6, 9 trong hạt Sachi trồng ở Việt Nam khi phân tích tương đương, thậm chí có mẫu còn cao hơn cả hạt được trồng ở Peru. Không chỉ phù hợp với điều kiện đất có hàm lượng hữu cơ cao, tầng canh tác dày, loài cây này còn có thể trồng trên nhiều loại đất như đất đỏ bazan, đất xám, đất thịt pha cát, đất phù sa cổ…, thậm chí cây còn có thể phát triển bình thường cả ở đất núi đá bạc màu.

Bài học nhãn tiền từ mắc ca
Cây sachi trồng ở Việt Nam đã cho thu hoạch.

Theo ông Dương Quốc Huy (ngụ xã Đông Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) - người được Công ty CP Sachi Vina mời tham gia mô hình trồng sachi, gia đình ông đã trồng thử nghiệm 2.500 gốc sachi trên diện tích 2 ha tại xã Đông Sơn. Đây là vùng đất cằn cỗi, nhiều sỏi đá, thổ nhưỡng không ổn định. "Sau 7 tháng triển khai, tôi thấy cây sachi thích nghi tốt với khí hậu lạnh cũng như nắng nóng kéo dài. Hiện cây phát triển tốt và đã cho thu hoạch một lượng hạt nhất định. Một số giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về nông nghiệp đánh giá rất cao chất lượng hạt trồng tại đây”, ông Huy cho biết.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cây sachi được trồng khảo nghiệm ở nước ta từ tháng 3/2014. Với tỷ lệ sống 99%, bắt đầu ra hoa sau 3-5 tháng trồng, 6-8 tháng là cho thu hoạch quả, chứng tỏ loại cây leo bán thân gỗ này (ngọn là dây leo, dưới gốc hóa gỗ) khá hợp với Việt Nam. Mô hình trồng sachi được Công ty CP Sachi Vina kết hợp với các nhà khoa học của khoa Công nghệ Sinh học và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia thực hiện.

Tuy nhiên, PGS-TS Thảo cho rằng, dù sachi được đánh giá có giá trị kinh tế cao, bước đầu khảo nghiệm đạt kết quả khả quan nhưng khuyến cáo nông dân không nên tự phát trồng với mục đích phát triển kinh tế. "Để chắc chắn, phải chờ kết quả khảo nghiệm của doanh nghiệp, sau đó Bộ NN-PTNT kết luận công nhận kết quả này và công bố thông tin, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì mới nên tham gia trồng sachi rộng rãi nhằm tránh rủi ro", PGS-TS Thảo nói.

Không nên trồng tự phát

PGS-TS Thảo cho rằng, dù sachi được đánh giá có giá trị kinh tế cao, bước đầu khảo nghiệm đạt kết quả khả quan nhưng khuyến cáo nông dân không nên tự phát trồng với mục đích phát triển kinh tế. "Để chắc chắn, phải chờ kết quả khảo nghiệm của doanh nghiệp, sau đó Bộ NN-PTNT kết luận công nhận kết quả này và công bố thông tin, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì mới nên tham gia trồng sachi rộng rãi nhằm tránh rủi ro", PGS-TS Thảo nói.

Năm ngoái, cây mắc ca làm “nóng” tại thị trường Việt Nam khi hàng loạt hội thảo về loại cây này được tổ chức. Trong các hội thảo, mắc ca được giới thiệu là “cây tỷ đô”, hứa hẹn mang lại nguồn thu khổng lồ cho nông dân Việt Nam. Thậm chí, mắc ca còn được kỳ vọng sẽ vượt cây cà phê về giá trị kinh tế.

Một doanh nhân sản xuất đồ làm móng tay đã có 1.000 ha trồng mắc ca ở Tây Nguyên, Tập đoàn AnhGroup có khoảng 200 ha. Đặc biệt, Tập đoàn Him Lam đã cùng tỉnh Lâm Đồng phát triển dự án trồng - chế biến mắc ca quy mô lớn dự kiến 100.000 ha đến năm 2020. Tuy nhiên, vào cuộc rầm rộ nhất có thể kể đến Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Cùng với Him Lam, Lien Viet PostBank thậm chí đã xây dựng đề án thay đổi giống cây trồng – phát triển cây mắc ca tại địa bàn Tây Nguyên. Đề án này dự báo có thể phát triển mắc ca thành một ngành sản xuất hàng hóa có quy mô tương đối lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc, Trung Đông, Ấn Độ...

Thế nhưng, không ít người dân trồng cây mắc ca, với hy vọng đổi đời, đã khóc dở, mếu dở. Ông Phan Xuân Hảo (Ea Tân, Krông Năng, Đắk Lắk - chủ vườn mắc ca 630 cây) cho biết, gia đình ông mua giống với giá 80.000 đồng/cây, cộng cả chi phí ban đầu là gần 75 triệu đồng, được trạm giống cam kết là sau 3 năm không đậu quả sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nhưng đến nay đã hơn ba năm, rất nhiều cây không đậu quả, gia đình có thông báo cũng chưa nhận được sự giúp đỡ nào từ phía trạm giống. Còn ông Lưu Văn Khởi, ở cùng xã với ông Hảo, lại vô cùng ngán ngẩm bởi vườn mắc ca 300 cây trên diện tích 3ha của gia đình ông đã trồng được 8 năm nhưng vẫn chưa bán được vụ nào.“Năm ngoái thu được khoảng 50kg, nhưng đổ rụng nên tôi để ăn hết. Nghe quảng cáo là cây “triệu đô”, sắp mở cơ sở chế biến ở Đắk Lắk, xuất khẩu sang Úc nên chúng tôi cũng trồng thử. Nhưng cho đến nay vẫn chưa biết bán mắc ca cho ai’, ông Khởi cho biết.

Điều đáng nói, lãnh đạo địa phương, trung ương cũng đã khuyến cáo người dân cẩn thận khi trồng loại cây này nhưng nhiều người vẫn phớt lờ vì tin vào những thông tin về loại cây “triệu đô” từ các tổ chức cá nhân cung ứng và kinh doanh giống mắc ca nên dẫn đến thua lỗ.

Trở lại câu chuyện của cây sachi, nhiều người cho rằng, bài học cây mắc ca vẫn còn tươi mới, vì thế, người dân không vội nghe thông tin không chính thống rồi vội mua giống về trồng. Tính hiệu quả hay không của một loại cây trồng, nhất là cây trồng mới, là rất khó, cần phải có thời gian để chứng minh. Sachi ở Peru đã sản xuất với quy mô hàng hóa rất tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa cũng hiệu quả tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, người dân không nên vội vàng tự phát trồng loại cây này, kẻo lại “sa bẫy” thông tin, thổi phồng sự thật, tiền mất không biết kêu ai.

Lê Mai

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này