Cải thiện môi trường kinh doanh khó hiệu quả nếu còn thủ tục phiền hà

14:43 | 06/08/2015
Đặt mục tiêu năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt mức trung bình các nước Asean 6, Nghị quyết 19/2015/NQ-CP ban hành ngày 12/3/20015 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia khá cụ thể, rõ ràng, song sự tham gia của các cấp chính quyền, bộ, ngành  cho đến nay vẫn chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”.
Khi Việt Nam ‘nổi tiếng’ quốc tế vì màn… kính thưa
Hà Nội: Cải cách TTHC là nhiệm vụ then chốt

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hai lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) là các quy định về điều kiện kinh doanh và các quy định liên quan đến quản lý xuất, nhập khẩu chuyên ngành. Điều kiện kinh doanh phần lớn nằm ở kinh doanh nội địa liên quan đến xuất khẩu. Hai nhóm điều kiện này đang cản trở lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, cải thiện môi trường kinh doanh trong Nghị quyết 19 nhắm trọng tâm vào 2 nhóm đó. “Tôi thấy hình như một số bộ vẫn chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của cải cách các nhóm quy định pháp luật tác động đến môi trường kinh doanh. Một số bộ thậm chí còn ban hành quy định trái nội dung, quy định, thẩm quyền tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp. Thủ tướng đã chỉ đạo, các cuộc họp Chính phủ lúc nào cũng nhắc nhở, lưu ý triển khai nhưng quá trình triển khai phía dưới còn khá hạn chế, thậm chí còn có phản ứng chưa triển khai thực hiện hoặc lùi triển khai”, ông Cung nói.

Cải thiện môi trường kinh doanh khó hiệu quả nếu còn thủ tục phiền hà
Việc xuất hiện nhiều trạm thu phí BOT khiến DN vận tải chịu không ít thiệt hại

Thực tế cho thấy, môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều điều kiện thuận lợi. Những DN muốn gia nhập thị trường đều gặp rất nhiều rảo cản trong quá trình xin các loại giấy phép, đáp ứng các điều kiện kinh doanh. Đối với những DN hoạt động trên một nền tảng kinh doanh chưa vững chắc, trên vai lại đè nặng thêm nhiều loại chi phí thì doanh nghiệp đó khó có thể vượt qua những rào cản kể trên, và không dễ gì phát triển lớn mạnh được.

Định hướng trong việc thực hiện Nghị quyết 19 là phải xây dựng được nền tảng kinh tế thị trường vững chắc, tạo nhiều thuận lợi hơn cho DN kinh doanh, đặc biệt trong vấn đề giảm gánh nặng chi phí. Trong khi đó, các nguyên tắc tính phí như hiện nay cũng đang gây sức ép lên DN, cụ thể, việc tính phí trong khâu chứng nhận kiểm định hàng hóa xuất khẩu. Đơn cử như việc đóng dấu lên quả trứng cũng bị thu tiền, trong khi, đảm bảo ATTP là nhiệm vụ của cơ quan quản lý.

Định hướng trong việc thực hiện Nghị quyết 19 là phải xây dựng được nền tảng kinh tế thị trường vững chắc, tạo nhiều thuận lợi hơn cho DN kinh doanh, đặc biệt trong vấn đề giảm gánh nặng chi phí. Trong khi đó, các nguyên tắc tính phí như hiện nay cũng đang gây sức ép lên DN, cụ thể, việc tính phí trong khâu chứng nhận kiểm định hàng hóa xuất khẩu. Đơn cử như việc đóng dấu lên quả trứng cũng bị thu tiền, trong khi, đảm bảo ATTP là nhiệm vụ của cơ quan quản lý.

Chuyên gia kinh tế Phạm Thanh Bình cho biết, chỉ đoạn đường 100km mà đến 5 trạm kiểm tra, kiểm soát. DN xuất khẩu, chuyển hàng từ Hà Nội xuống Hải Phòng, tối thiểu phải qua 5 trạm kiểm tra ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên… Dữ liệu xuất nhập khẩu của hải quan nhiều nhưng việc tận dụng dữ liệu là chưa tốt. Đi đâu, qua chỗ nào cũng phải khai báo, mặc dù việc khai báo lặp đi, lặp lại. Điều này làm tăng chi phí của DN.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, gần đây, Việt Nam đã rút từ 873 giờ nộp thuế và bảo hiểm xã hội xuống còn hơn 168 giờ, theo kịp các nước ASEAN 6. Sửa 5 luật thuế đã giúp cắt giảm 80 giờ. Sửa 4 nghị định đã giảm hơn 88 giờ và sửa 7 thông tư của riêng Bộ Tài chính đã giảm hơn 201 giờ. Riêng việc sửa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 đã xoá bỏ ít nhất gần 3.000 thủ tục đang nằm rải rác trong những thông tư trái thẩm quyền của các bộ, ban, ngành theo các Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới. Khi rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật kinh doanh đặt trong hệ quy chiếu của hệ thống pháp luật ASEAN 4 (gồm các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), ASEAN 6 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Brunei) và rộng ra là của thực tiễn hệ thống pháp luật kinh doanh tốt nhất trên thế giới cho thấy, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn vô cùng phức tạp. “Nếu còn việc tận thu không hợp lý của cơ quan quản lý nhà nước và còn tồn tại thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho DN thì Nghị quyết 19 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh khó có thể đạt được hiệu quả như mong muốn”, ông Lộc nói.

Được biết, năm 2016, các yêu cầu của Nghị quyết 19 cao hơn nhiều so với năm 2015. Theo đó, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu, như khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 60 nước đứng đầu; thời gian cấp phép xây dựng theo phương pháp của Ngân hàng Thế giới tối đa không quá 77 ngày (hiện nay là 114 ngày); thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 14 ngày (hiện nay là 57 ngày); tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; bảo vệ nhà đầu tư thuộc nhóm 50 nước đứng đầu.

Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đưa thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội xuống mức 168 giờ/năm (gồm 119 giờ nộp thuế và 49 giờ nộp bảo hiểm xã hội); đạt trung bình ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế đối với 3 nhóm chỉ tiêu mới: hoàn thuế, thanh tra và khiếu nại thuế; thời gian xuất khẩu xuống dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu dưới 12 ngày; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 200 ngày (hiện nay là 400 ngày); thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp xuống còn tối đa 24 tháng (hiện nay là 60 tháng).

Thương Huế

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này