Sẽ có chế tài xử phạt “thảm họa” văn hóa ứng xử

10:10 | 06/08/2015
Mạng xã hội facebook đang trở thành nguồn cơn của mọi cuộc cãi vã, phát ngôn gây sốc. Gần đây, hàng nghìn người dân TP.HCM đã đổ ra đường để chứng kiến hai thiếu nữ thách đấu chỉ vì những bất bình trên facebook. Bên cạnh đó, câu chuyện về văn hóa ứng xử của những người trong giới showbiz hay những tranh luận trái chiều xung quanh việc xét tặng danh hiệu nghệ sỹ ngập tràn trên mạng xã hội và truyền thông trong suốt thời gian qua đã làm nóng dư luận. LĐTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về những vấn đề văn hóa nổi cộm này.
Xử lý nạn nói tục: Phạt thế nào?
Xử phạt học sinh nói bậy có khả thi không ?

Phải quản lý văn hóa ứng xử bằng những phin lọc

Phát ngôn sốc, lăng mạ nhau, lăng mạ người thi hành công vụ của những người nổi tiếng gây bức xúc dư luận thời gian qua. Đáng nói là nguồn cơn của các cuộc cãi vã này đều xuất phát từ mạng xã hội facebook. Những “thảm họa” ứng xử này có phải do ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai không, thưa ông?

Sẽ có chế tài xử phạt  “thảm họa” văn hóa ứng xử
Ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ VHTT và DL

Ông Phan Đình Tân: Tôi cho rằng, căn nguyên đầu tiên là do họ xung đột lẫn nhau. Khi đã đi đến đỉnh điểm của cao trào, những uẩn khúc, ấm ức của họ được bột phát. Ở đây, có phần ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai. Nhưng đối với một người được đào tạo bài bản, có học và có văn hóa sẽ biết chắt lọc những tinh hoa từ văn hóa ngoại lai để tiếp thu chứ không phải học theo những thứ phế tạp. Đừng đổ lỗi cho ngoại lai, cho hội nhập. Ngày nay mạng xã hội phát triển chóng mặt giúp con người tự do bày tỏ quan điểm, thể hiện bản thân, vô hình chung những bức xúc cá nhân đẩy lên mạng lại lộ ra trình độ, cái thô lỗ cục cằn của mình. Trong xã hội cái tốt và cái xấu luôn song hành. Chúng ta không bao giờ triệt tiêu hết cái xấu mà quan trọng phải tìm cách quản lý, triệt tiêu cái xấu ở chừng mực như thế nào.

Những trường hợp phát ngôn thiếu sự chuẩn mực của người nổi tiếng gây bức xúc dư luận thời gian qua, khiến họ phải trả giá bằng việc xin lỗi công chúng, xin lỗi cơ quan chức năng, hình ảnh bị hoen ố. Cuối cùng là họ mất đi một lượng khán giả tôn trọng sự chuẩn mực. Đã là người của công chúng mà bị công chúng quay lưng thì đó là một mất mát lớn, một hình phạt nặng nhất.

Bộ VHTT&DL đã có mức xử phạt mạnh tay với những trường hợp nghệ sĩ ăn mặc phải cảm khi biểu diễn. Vậy Bộ đã có hướng giải quyết nào cho việc nghệ sĩ phát ngôn gây sốc, lăng mạ nhau trên mạng xã hội, thưa ông?

Ông Phan Đình Tân: Các cơ quan chức năng của Bộ đã có những nghị định, chế tài về văn hóa nơi công cộng nhưng với những vấn đề tỷ mỉ như thế này cũng cần có những đề xuất, nghiên cứu thêm để đưa ra những chế tài cụ thể hơn. Tuy nhiên, đừng nghĩ một nghị định, một bộ luật được ban hành là có thể bao quát hết toàn xã hội. Chúng ta phải vừa làm, vừa điều chỉnh. Thực tế, ăn mặc phản cảm còn dễ lưu lại hình ảnh nhưng văng tục, văng bậy rồi đưa lên mạng đến khi phát hiện họ lại gỡ xuống khỏi trang facebook thì chứng cứ cũng mất đi. Những tình huống này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nghĩ ra những hình thức xử lý như thế nào để có đủ cơ sở xử phạt chứ không phải muốn là làm được.

Sắp tới các nghệ sĩ sẽ được cấp thẻ hành nghề. Tôi cho rằng, tấm thẻ hành nghề này như một phin lọc đối với một số người của công chúng như tư cách ứng xử chưa đạt chuẩn mực, thiếu văn hóa, họ sẽ không được cấp thẻ hoặc bị tịch thu thẻ và không được quyền xuất hiện trước công chúng. Có thể nhiều người nói rằng lại thêm một giấy phép con nhưng khi ý thức của mỗi con người còn chưa đồng đều thì chúng ta nên quản lý bằng tất cả những phin lọc để hạn chế chuyện nói tục, ăn mặc phản cảm, làm những điều không đúng với thuần phong mỹ tục.

Hà Nội đang tiến hành khảo sát và tìm biện pháp xử lý mạnh tay với nạn nói tục, chửi thề. Theo ông việc làm này có khả thi hay không?

Ông Phan Đình Tân: Ngôn ngữ Việt Nam rất phức tạp, mỗi vùng miền có âm nghĩa khác nhau. Có những từ với người này là tục nhưng với người khác lại không tục và ngược lại. Ngoài ra, những cách nói bóng, phiếm chỉ, nói móc theo nghĩa đen không bậy nhưng nghĩa bóng lại bậy. Vậy quy định như thế nào là bậy, là nói tục? Khi mà định nghĩa về nói tục còn chưa rõ ràng thì việc triển khai rất khó để thực thi. Song nói như vậy không phải không có cách giải quyết. Tôi cho rằng, chúng ta phải tìm cách giải quyết tận gốc chứ không phải phần ngọn. Phần gốc đó chính là từ trong gia đình, nhà trường. Trong công sở cũng đã có quy định về hành vi ứng xử. Ngoài ra, những tồn tại, những bức xúc trong xã hội cũng cần phải được hạn chế vì đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những hành vi bột phát.

Thấy không minh bạch hãy gửi đơn khiếu nại

Bên cạnh vấn đề về văn hóa ứng xử của người nổi tiếng, hơn một tháng qua dư luận cũng nóng quanh câu chuyện xét tặng danh hiệu nghệ sĩ. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp này lại xảy ra nhiều vấn đề tranh cãi. Nhiều người hoài nghi về tính minh bạch của danh hiệu. Ông có nhận xét gì về đợt xét tặng này, liệu đã thấu tình đạt lý hay chưa?

Ông Phan Đình Tân: Phàm là con người, ai cũng có nhu cầu cho cuộc sống tốt hơn nhưng đến khi không đạt được như mong muốn chúng ta càng thất vọng. Cứ mỗi lần xét duyệt lại có chuyện vì người đạt thì mừng còn người chưa đạt thì cho rằng hội đồng xét duyệt có vấn đề. Nhiều người nói, nghệ sĩ là của công chúng thì nên để công chúng bầu chọn mà không cần làm đơn khai, mặc nhiên phải công nhận họ hay xem đây là cơ chế xin cho là chuyện vô lối, hoàn toàn sai. Trong 1 trận bóng, trọng tài cũng là người quyết định kết quả. Ở đây cũng vậy, nhiều nghệ sĩ đạt tất cả những tiêu chí về chuyên môn, huy chương, được công chúng yêu mến nhưng nhiều năm không được danh hiệu. Bởi trong quá trình rà soát, hội đồng xét thấy nghệ sỹ này phát ngôn, nhân cách hay nhân thân có vấn đề nên loại.

Chuyện xét tặng danh hiệu, cơ quan quản lý nhà nước đã làm công khai minh bạch, căn cứ theo nghị định, thông tư. Nếu ai cảm thấy không đúng, không thấu tình đạt lý thì có thể gửi đơn khiếu nại, tố cáo lên cấp cao hơn. Sau mỗi 1 lần xét tặng, căn cứ vào tất cả những phản ánh và những kiến nghị, khiếu nại, hội đồng xét duyệt sẽ rà soát, đánh giá, điều chỉnh lại những hạn chế trong các tiêu chí của kỳ trước để đưa ra những thông tư hướng dẫn hoàn thiện, văn minh hơn, giảm bớt bức xúc trong dư luận.

Xin cảm ơn ông!

Sắp tới các nghệ sĩ sẽ được cấp thẻ hành nghề. Tôi cho rằng, tấm thẻ hành nghề này như một phin lọc đối với một số người của công chúng nhưng tư cách ứng xử chưa đạt chuẩn mực, thiếu văn hóa, họ sẽ không được cấp thẻ hoặc bị tịch thu thẻ và không được quyền xuất hiện trước công chúng. Có thể nhiều người nói rằng lại thêm một giấy phép con nhưng khi ý thức của mỗi người còn chưa đồng đều thì chúng ta nên quản lý bằng tất cả những phin lọc để hạn chế chuyện nói tục, ăn mặc phản cảm, làm những điều không đúng với thuần phong mỹ tục.

Nguyễn Hoài

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này