Quy định về thời gian thi hành án?

09:17 | 06/08/2015
Hỏi: Tôi là người được thi hành án, cơ quan thi hành án thành phố nói là sẽ thi hành nhưng thực tế người bị thi hành án cứ kéo dài thời gian thi hành án, trong khi đó cơ quan thi hành án lại thay đổi liên tục chấp hành viên thi hành bản án này. Vì vậy vụ án đã kéo dài hơn 3 năm vẫn chưa thi hành được. Xin hỏi, sau khi được tuyên án thì thời gian là bao lâu để cơ quan thi hành án phải thi hành xong bản án?. - Mai Thế Anh (Đống Đa, Hà Nội)
Tài sản chung trong thời kỳ chung sống như vợ chồng giải quyết như thế nào?
Tài sản riêng của vợ chồng được tính thế nào?
Mức phạt đối với người điều khiển ô tô đi sai làn đường?

Trả lời:

Khoản 15 điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 quy định về thời hạn thực hiện công việc nhất định trong quá trình thi hành án dân sự: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án của đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án; trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án đó”.

Tuy nhiên pháp luật lại không quy định cụ thể thời gian bao lâu phải thi hành xong bản án. Hiệu quả thi hành nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố như: Người phải thi hành án (NPTHA) có tự nguyện nộp tiền, tài sản để thi hành án hoặc người được thi hành án (NĐTHA) và NPTHA thỏa thuận được với nhau về việc thi hành án; tài sản của người thi hành án bị kê biên, bán đấu giá mà có người mua ngay… Ngược lại, nếu tài sản của NPTHA bị kê biên, thông báo bán đấu giá nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc tài sản bị kê biên có tranh chấp thì việc thi hành án không thể thực hiện xong một cách nhanh chóng theo nguyện vọng của NĐTHA.

Ngoài ra Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung cũng quy định những tài sản thuộc trường hợp không được kê biên: Số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của NPTHA và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới; số thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh của NPTHA và gia đình; vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm; đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh…

Vì vậy, anh cần chủ động liên hệ trực tiếp với cơ quan thi hành án đang thụ lý việc thi hành án, đồng thời đề nghị họ thông báo tình trạng giải quyết việc thi hành án. Việc trao đổi với cơ quan thi hành án cần phải thực hiện bằng văn bản và yêu cầu trả lời bằng văn bản, điều này giúp anh có căn cứ để khiếu nại nếu có dấu hiệu của hành vi không vô tư, khách quan hoặc vi phạm pháp luật của chấp hành viên. Anh cũng có quyền đề nghị bằng văn bản tới thủ trưởng cơ quan thi hành án, Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp đề nghị tích cực tổ chức, giám sát việc thi hành án để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của anh.

LS Nguyễn Phú Thắng
Công ty Luật INTERCODE

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi tư vấn pháp luật đến địa chỉ: Báo Lao động Thủ đô, số 1A, Yết Kiêu, Hà Nội; hoặc gửi qua Email: [email protected]. Chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp những vướng mắc. Trân trọng!.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này