Lập trạm thu phí BOT từ ngân sách Nhà nước: Đừng để phí chồng phí

10:25 | 18/02/2014
LĐTĐ -Chủ trương về việc xóa bỏ các trạm thu phí đường bộ để nộp vào ngân sách Nhà nước được Chính phủ, Bộ Tài chính…quy định khá chi tiết nhưng hơn một năm trở lại đây không ít địa phương vẫn muốn xin thêm hoặc duy trì những trạm này để tận thu ngân sách. Hậu của câu chuyện này sẽ là phí chồng phí.

Quy định xóa bỏ

Ngày 10/12/2012, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có thông báo về việc triển khai thực hiện thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 1/1/2013, các trạm thu phí đường bộ để nộp vào ngân sách Nhà nước sẽ bị xóa bỏ theo quy định tại Điều 11, Thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính. Ngoài những trạm này, sẽ tiếp tục thu một số trạm để hoàn vốn đầu tư cho đường cao tốc, bổ sung vốn cho Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM); các trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT; trạm chuyển giao quyền thu phí; trạm thu để trả nợ vay vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn. Các trạm này sẽ xóa bỏ khi hết thời hạn hợp đồng.

Liên quan đến việc này, Bộ GTVT đã xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ. Trong Công văn 2250/TTg-KTN ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao cho Bộ xóa bỏ, dừng thu phí tại các trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước và trả nợ vốn vay từ ngày 1/1/2013. Có thể nói từ năm 2013, ngoài các trạm thu phí giao thông của các dự án BOT thì trên các quốc lộ sẽ không còn các trạm thu phí giao thông nữa.

Sẽ là vô lý khi người dân vừa phải đóng phí bảo trì đường bộ vừa phải trả phí cho trạm BOT đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Ảnh minh họa.

Với những văn bản luật khá rõ ràng như trên thì việc một con đường được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước chắc chắn không được phép tồn tại hay lập thêm bất cứ trạm thu phí nào. Quy định là vậy nhưng dường như nhiều địa phương đang muốn quên thực trạng hiển nhiên. Câu chuyện mở rộng Quốc lộ (QL) 1A hay việc Hà Nội muốn thu phí trên Đại lộ Thăng Long là điển hình.

Thực tế phình ra

Trước đó trong quy định tại Nghị định 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về việc thành lập Quỹ bảo trì đường bộ thì kể từ ngày 1/6/2012 (sau đó được lùi lại đến ngày 1/1/2013), sẽ thu phí sử dụng đường bộ thay thế phí đường bộ thu tại các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước. Với quy định này, các phương tiện đã “bình đẳng” với nhau trong việc nộp phí sử dụng đường bộ mà không phải cứ qua trạm thì trả tiền như trước nữa.

Do nguồn vốn ngân sách hạn chế nên các đoạn tuyến nâng cấp, mở rộng QL1A theo hình thức BOT xen kẽ với các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Dự kiến đến năm 2016 khi hoàn thành nâng cấp, mở rộng, QL 1A sẽ có khoảng 21 trạm thu phí BOT. Đơn cử đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa)-Cầu Giát (Nghệ An), nhà đầu tư Cienco 4 sẽ được thu phí tại trạm Hoàng Mai (vốn là trạm thu phí bán quyền) trong thời gian 20 năm 1 tháng. Đoạn qua Quảng Nam, nhà đầu tư Cienco 5 cũng sẽ được thu phí từ tháng 2/2016 (trong 21 năm 10 tháng). Đoạn Bình Định-Phú Yên (41 km), chủ đầu tư là liên danh 5 nhà đầu tư trong nước sẽ được lập một trạm thu phí mới, với thời gian 23 năm; dự án BOT kéo dài đoạn Đông Hà-Quảng Trị sẽ sử dụng Trạm thu phí Đông Hà…

Điều đáng nói ở chỗ những trạm trên đều sử dụng ngân sách để đầu tư (sau đó bán quyền thu phí cho nhà đầu tư (NĐT) có thời hạn) nên đúng ra khi bắt đầu thu phí bảo trì, Bộ GTVT phải có phương án xử lý để tạo công bằng cho người dân. Lái xe đóng phí bảo trì đường bộ rồi, việc đóng phí qua các trạm này nữa là bất hợp lý. Chưa kể, dự định chuyển 2 trạm bán quyền sang trạm BOT đang tiếp tục làm phình lên số lượng các trạm BOT trên cả nước.

Không những chưa xóa bỏ được trạm thu phí mà một số trạm còn tự ý nâng phí như trạm Mỹ Lộc đi Nam Định từ 10 ngàn đồng lên 20 ngàn đồng/ lượt từ 1/6/2013. Trạm cầu Tân Đệ từ 10 ngàn đồng lên 15 ngàn đồng /lượt từ 1/1/2013. Phi lí hơn, tại trạm thu phí đặt tại đường Thăng Long- Nội Bài, Hà Nội còn tiền thu của các phương tiện ô tô qua trạm lại để phục vụ cho một dự án làm đường ở tận tỉnh Vĩnh Phúc. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN việc thu hút đầu tư BOT là cần thiết trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp nhưng không thể vì muốn thu hút bằng được mà chấp nhận những điều kiện bất hợp lý, bất lợi cho người dân (như vị trí đặt trạm, mức thu cao). “Làm đường nào chỉ được thu trên đường đó, không thể có tình trạng anh làm BOT đường này rồi lại thu phí trên đường kia.”, ông Thanh nói.

Mới đây, việc Hà Nội đang xin ý kiến Chính phủ cho thu phí trên Đại lộ Thăng Long cũng làm dấy lên sự lo ngại của nhiều lái xe, đặc biệt là sự phản ứng mạnh mẽ của Hiệp hội Vận tải ô tô VN khi cho rằng đây là việc làm vừa không đúng luật, vừa khiến các lái xe buộc phải chọn cho mình con đường khác để tránh bị thu phí. Khi ấy vô hình chung con đường bỗng trở nên lãng phí.

Tổng kết lại năm 2013, Bộ GTVT không khỏi tự hào khi khủng hoảng kinh tế đang leo thang vẫn kéo được một loạt doanh nghiệp BOT tham gia vào các dự án làm đường. Như vậy doanh nghiệp có thêm việc làm, thêm dự án để kinh doanh, còn xã hội và người dân có thêm những con đường mới. Nói như thế để thấy rằng các doanh nghiệp BOT đang rất được coi trọng và đương nhiên đi kèm với đó là một loạt chính sách hỗ trợ họ về thủ tục, về kinh tế từ Chính phủ và các bộ liên quan. Mục đích của các trạm thu phí BOT được lập ra một mặt giúp NĐT thu hồi vốn, mặt khác để họ có kinh phí duy tu sửa chữa tuyến đường và Quỹ bảo trì đường bộ sẽ không liên quan đến những con đường này nếu như nó chưa hết hạn hợp đồng với NĐT.

Nhưng muốn lập trạm thu phí theo hình thức BOT từ chính những đồng tiền do Nhà nước và nhân dân bỏ ra thì lại là chuyện khác, đương nhiên nó không những trái luật mà câu chuyện phí chồng phí sẽ là điều hiển nhiên. Nếu những trạm theo kiểu xin cho như thế này được lập thì nó sẽ làm dấy lên câu chuyện hoài nghi của xã hội vào các chủ trương, đường lối của Nhà nước.

Gia Bảo
 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này