Đừng để dân sợ, dân nản

08:41 | 18/02/2014
LĐTĐ - Tại mục dân hỏi bộ trưởng trả lời phát trên chương trình thời sự của VTV mới đây, khi phóng viên dẫn nguồn các báo nói rằng có lão nông ở Hưng Yên tự bào chế thuốc trừ sâu không gây độc hại từ thảo dược, thuốc này làm chết sâu nhưng người có thể uống được.

Vậy Bộ có chương trình gì để giúp đỡ mở rộng sản xuất? Bộ trưởng Khoa học- CN lạnh lùng trả lời, đại ý “Thông tin này giờ ông mới nghe. Song nếu đúng như thế Bộ và các cơ quan cần đến xác minh. Còn hỗ trợ nhà nước, nếu xác minh đúng sự thực thì sản phẩm này vẫn phải tuân theo quy luật thị trường nghĩa là cần có những DN đến hợp tác. Nếu DN họ thấy sản phẩm đó sản xuất ra có cầu thì làm, nhà nước chỉ giúp về mặt cơ chế”. Nghe cách trả lời này thật nản. Nản vì không phải bất cứ loại sản phẩm nào đều tuân thủ cơ chế thị trường, ngay tại các nước Mỹ, Nhật khi có sản phẩm độc do các nhà khoa học phát minh ra mà sản phẩm đó liên quan đến sức khỏe, giống nòi hay an ninh quốc phòng Nhà nước hoặc sẽ bơm tiền đầu tư trực tiếp hoặc sẽ gián tiếp bảo lãnh qua ngân hàng để phát triển sản phẩm. Với chúng ta, nếu việc lão nông ở Hưng Yên bào chế thành công thuốc trừ sâu bằng thảo dược đây có thể nói là “phát minh tuyệt hảo”, xứng đáng nhận giải quốc tế, lẽ ra Bộ trưởng phải trả lời, Bộ sẽ cử đoàn xuống xác minh ngay, nếu đúng sẽ trình Thủ tướng có chính sách đặc biệt về vốn, công nghệ để mở rộng sản xuất vì đây là hàng hóa đặc biệt nằm trong sự bảo hộ của Nhà nước. Song với cách trả lời như trên, cũng hiểu phần nào VN là nước có nền công nghiệp phát minh, sáng tạo kém nhất thế giới.

Cũng liên quan đến hai từ “dân nản”, có thể nói, nếu cứ đọc báo thời buổi này không sản phẩm nào là không nhiễm bẩn. Nếu không bẩn về cách làm thì cũng bẩn về an toàn hóa chất. Ngay như tôi, giờ không dám mua rau ngoài chợ, đành phải vào các cửa hàng rau sạch, dẫu không biết có sạch thực hay không, song thấy có niềm tin. Điều lạ, không hiểu đã có kết quả khảo cứu hay mục kích vào nơi sản xuất hay chưa, song cứ sản phẩm nào ra đời, đặc biệt là mặt hàng rau nhiều báo cứ đăng tin dùng thuốc kích thích, phun thuốc sâu khiến người tiêu dùng hoang mang. Xin đưa ra ví dụ, tại hội nghị trực tuyến về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) vừa được tổ chức mới đây, báo cáo của Bộ Y tế có kèm theo khá nhiều phụ lục, trong đó đáng chú ý là phụ lục 2 “Kết quả xử lý thông tin cảnh báo về ATTP”. Theo  đó,  trong 16 thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông tại Việt Nam là có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu thì qua kết quả xét nghiệm, có tới 5 thông tin là tin đồn thất thiệt.  Ví dụ như một số báo đã phản ánh tình trạng trái bắp ở một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang) không bảo đảm ATTP do nông dân trồng bắp bằng hóa chất có nguồn gốc từ Trung Quốc. Qua xác minh (kiểm nghiệm các mẫu bắp ngẫu nhiên) đều cho kết quả an toàn. Thông tin trên được khẳng định là thất thiệt. Hay vụ mực giả lưu thông trên thị trường TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu, buộc Bộ Y tế phải vào cuộc. Kết quả xác minh cũng cho thấy chỉ là tin thất thiệt.

Ngày nay, công nghệ thông tin đã trở thành công cụ đắc lực nhằm truyền tải nhanh nhất có thể các thông tin đến với cộng đồng. Nhưng mặt trái của việc truyền tin này cũng tạo nên những “sóng” dư luận không tích cực khi thông tin sai lệch hay bị bóp méo. Những thông tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến đời sống của người sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng khi rơi vào tâm thế nghi hoặc. Thông tin là đúng, nhưng phải thông tin một cách trung thực hoặc dẫn nguồn từ các cơ quan chuyên ngành khi đã có kết luận hoặc phải mục sở thị để các cơ quan vào cuộc.

Hà Lê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này