Nghiên cứu sinh thái và bảo tồn rùa ở VQG Cúc Phương

Khóa học bổ ích

10:08 | 23/07/2015
Từ năm 1998 đến nay, nằm trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu sinh thái và bảo tồn rùa được hợp tác giữa vườn Quốc gia Cúc Phương với Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP), trực thuộc tổ chức Indo-Myanmar Conservation, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã vườn Quốc gia Cúc Phương đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế, hoà mình vào thiên nhiên, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường sống cho hàng nghìn người, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên.
Bảo tồn phải gắn liền với phát triển
Bảo tồn di sản quý

Chương trình cứu hộ rùa

Nằm cách Hà Nội khoảng 120 km, Trung tâm Bảo tồn rùa Cúc Phương được đặt tại khuôn viên vườn Quốc gia (Trung tâm) Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Hàng năm, nơi đây đón tiếp, hướng dẫn hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan khu trưng bày, về các loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam. Rùa cũng là một trong những động vật góp phần giữ cân bằng môi trường.

Chương trình nghiên cứu sinh thái và bảo tồn rùa nhằm cứu hộ và bảo tồn các loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam đang bị săn bắt, buôn bán và không còn môi trường sống. Đồng thời, thông qua chương trình cũng sẽ nâng cao nhận thức cho cộng đồng đối với việc bảo tồn rùa Việt Nam, bảo vệ môi trường sống.

Khóa học bổ ích
Các học sinh nhận chứng nhận về khóa học bảo tồn rùa

Kể từ khi hợp tác, năm 1998, chương trình đã cứu hộ được hàng ngàn cá thể rùa, được tiếp nhận từ các Chi cục Kiểm lâm trên cả nước. Trung tâm đang cứu hộ và nuôi nhốt hơn 1000 cá thể của 20 loài rùa của Việt Nam, trong đó có 3 loài rùa của Cúc Phương. Trong gần 20 năm hoạt động, Trung tâm đã cho sinh sản thành công 15 loài rùa trong điều kiện nuôi nhốt và tiến hành thả hàng trăm cá thể rùa sau khi được cứu hộ và đưa trở lại tự nhiên.

Một nội dung được chương trình triển khai hiệu quả là thu hút sự quan tâm và chia sẻ kiến thức chuyên môn giữa các nhà khoa học và cán bộ bảo tồn trẻ là những khóa tập huấn về lĩnh vực bảo tồn rùa và kỹ năng làm việc thực địa cho các nhà sinh học trẻ và sinh viên các trường đại học.

Gần đây nhất, từ ngày 13 – 15/7/2015, Trung tâm đã tổ chức khóa đào tạo kỹ năng nghiên cứu thực địa về các loài rùa cạn và rùa nước ngọt cho một nhóm gồm 14 em học sinh lớp 11 ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Chu Văn An, chuyên Đại học Quốc Gia Hà Nội. Tham gia khóa học, các em được trang bị và cung cấp những kiến thức cơ bản về các loài rùa và đặc điểm sinh thái của chúng.

Khóa học bổ ích

Đồng thời, phát triển các kỹ năng nghiên cứu thực địa như kỹ năng định dạng loài, kỹ năng điều tra, đo đạc, ghi chép dữ liệu và thực hành các phương pháp nghiên cứu, thậm chí là tìm kiếm và chế biến thức ăn từ tự nhiên cho rùa. Bên cạnh đó, các em cũng được tìm hiểu về những mối đe dọa tới các loài rùa ở Việt Nam. Khóa học không chỉ tạo ra nhiều cảm hứng cho các em học sinh khi tham gia, mà còn mang lại nhiều thông tin giá trị cho VQG Cúc Phương.

Chia sẻ với phóng viên báo LĐTĐ khi tham gia khóa học này, bạn Sương Mai, học sinh lớp 11 chuyên Hóa, trường Chu Văn An, Hà Nội, cho biết: “Đây thực sự là một khóa học vô cùng bổ ích dành cho những ai yêu mến và muốn tìm hiểu về rùa, cũng như muốn khám phá thiên nhiên hoang dã. Tham gia khóa học, chúng em được học các kỹ năng nghiên cứu, bảo tồn rùa nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung. Các bài học được thiết kế rất hữu ích, dễ tiếp thu và được vận dụng thực hành ngay sau đó. Khi tiếp xúc với những con rùa, được học và hiểu về những tập tính của nó, em cảm nhận được rùa cũng giống như con người vậy. Vì thế em càng yêu và đam mê với các loài động vật hoang dã hơn, hi vọng rằng sau này em sẽ làm một công việc nào đó liên quan đến lĩnh vực này”.

Tạo trải nghiệm cho học sinh

Được biết, với hơn 1000 cá thể rùa đang được nuôi dưỡng và bảo tồn tại Trung tâm, cùng 20 loài rùa khác nhau, trong đó hơn 80% số rùa nằm trong sách đỏ Việt Nam (loài có nguy cơ tuyệt chủng), mới đây trở thành một trong những trung tâm bảo tồn rùa và các loài động vật hoang dã vào loại lớn nhất Việt Nam. Vì thế, khi tham gia khóa học đào tạo kỹ năng bảo tồn rùa, các em được tiếp xúc trực tiếp với nhiều cá thể rùa, nhiều loài rùa khác nhau... Ngoài ra, khóa học không chỉ giúp các em có thêm kiến thức về việc bảo tồn rùa, mà còn nâng cao ý thức trong việc bảo tồn các loại động vật hoang dã khác, cũng như giúp các em có được một sự trải nghiệm với thiên nhiên.

Khóa học bổ ích

Bạn Nguyễn Cao Khánh, học sinh lớp 11 chuyên Lý 1, trường PTTH chuyên Hà Nội - Amsterdam, chia sẻ, Khánh từng tham gia rất nhiều các chương trình cũng như khóa học thực tế, tuy nhiên chưa có một khóa học nào lại thu hút Khánh như khóa học về bảo tồn các loại rùa ở VQG Cúc Phương. Tham gia khóa học không chỉ giúp các em có thêm nhiều kiến thức về các loài rùa, mà còn giúp Khánh cũng như các bạn hiểu và cảm nhận được rõ hơn sự khó khăn vất vả của những người lao động, đang ngày đêm bảo tồn các loài động vật hoang dã ở đây. “Em thấy rất thú vị khi được trực tiếp tham gia trồng cây, cuốc đất, làm thức ăn cho rùa…đây thật sự là một khóa học bổ ích. Sau đợt học tập này em sẽ tích cực vận động bạn bè cùng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường sống”, Khánh tâm sự.

Theo số liệu mà ông Lê Phương Triều – Giám đốc Trung tâm, cung cấp, hàng năm có rất nhiều các khóa học dành cho các em học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Thông qua các khóa học này, Trung tâm tin rằng, các loài động vật hoang dã nói chung, loài rùa cạn và rùa nước ngọt nói riêng ở Việt Nam, sẽ được bảo vệ tốt hơn trong tương lai, khi ngày càng nhiều thế hệ trẻ được đào tạo về công tác bảo tồn. “Chúng tôi mong đợi và tin tưởng những học viên trẻ có năng lực và kỹ năng, sẽ trở thành những nhà lãnh đạo tương lai trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã hoặc các ngành nghề khác giúp bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam”, ông Triều cho hay.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này